Công tác tổ chức, quản lý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 84 - 87)

7. Bố cục của đề tài

2.2.6. Công tác tổ chức, quản lý

Thực hiện Nghị Quyết TW5 (khoá 8) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện Luật di sản văn hoá, những năm qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến việc tổ chức thực hiện Luật di

sản văn hoá, tạo bước chuyển về nhận thức, vai trò, vị trí của di sản văn hoá trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác quản lý quy hoạch, bảo vệ, sưu tầm, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá của các di tích lịch sử và danh thắng được quan tâm và đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển. Đến nay, Ninh Bình đã có 79 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 210 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tỉnh cũng đã xây dựng được 2 nhà Bảo tàng (Bảo tàng tỉnh Ninh Bình và Bảo tàng thị xã Tam Điệp)

Từ năm 2006 đến năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã có các dự án trùng tu, tu bổ các di tích xếp hạng đã xuống cấp với tổng số vốn là 53.900.000.000 đồng. Trong đó vốn đầu tư và phát triển là 49.900.000.000 đồng cho các di tích như: Di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn), di tích đền Thung Lá (Gia Viễn), di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Gia Viễn), di tích động Hoa Lư (Gia Viễn), di tích đền Trùng Thượng (Gia Viễn), di tích đền Văn Giáp (Yên Khánh). Vốn sự nghiệp là 4.900.000.000 đồng cho các di tích như: Di tích chùa Phúc Nhạc (Yên Khánh), khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu (Nho Quan), di tích đền Thượng và chùa Phúc Long, di tích chùa và động Hoa Sơn, di tích chùa tháp và đền thờ Đinh Tiên Hoàng (Yên Mô)…

Năm 2011, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao 14.600.000.000 đồng cho việc tu bổ di tích.

Đặc biệt ngày nay, khách du lịch quốc tế và ngay cả khách du lịch trong nước thường quan tâm nhiều hơn đến giá trị xác thực của di sản. Những di tích còn giữ được nhiều nét nguyên bản thường có giá trị hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Thực tế hiện nay có những di tích được trùng tu, tôn tạo theo hướng làm mới đã đánh mất đi sự hấp dẫn khách du lịch. Có những di tích được tôn tạo nhưng không chú ý đến chi tiết, đặc biệt là những chi tiết nội thất. Chẳng hạn như một ngôi đền được tôn tạo thường tạo dáng mái ngói cong cổ kính, nhưng bên trong lại nhìn rõ những dầm bê tông nặng nề chống đỡ. Hoặc các ban thờ của đình miếu, chùa chiền thường được xây bằng xi măng, mặt được lát bằng gạch men...

Bên cạnh đó, một số di tích được bảo tồn và quy hoạch để phát triển du lịch nhưng quá trình quy hoạch đó lại phá vỡ cảnh quan ban đầu, tạo ra sự thiếu đồng bộ. Cụ thể như việc quy hoạch các tuyến đường tham quan, đi lại trong khu di tích không phù hợp với tính chất lịch sử của di tích, các công trình phụ trợ được xây dựng không tách biệt với phạm vi bảo vệ tuyệt đối của di tích đặc biệt là các điểm bán hàng. Một số dự án quy hoạch không chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường khu vực di tích: môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, tình hình nước thải, chất thải rắn, tình hình quản lý khu di tích, tình hình trật tự trị an khu vực...

UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó “… Chú trọng khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể như các lễ hội dân gian, hát chèo, hát xẩm, ca trù, các làn điệu dân ca và rối nước…”

Thực hiện chương trình mục tiêu “Bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể”

những năm qua tỉnh đã quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: Sưu tầm và phát hành tập sách “Truyền thuyết Hoa Lư”, “Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê”, “Hát chầu văn”, “Hát xẩm”… Việc triển khai sưu tầm các giá trị văn hoá phi vật thể đã góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh đặc biệt tập trung vào các di tích đã được xếp hạng. Hàng năm tỉnh có các dự án đầu tư cho việc tu bổ di tích tại các điểm du lịch quan trọng. Đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần quan trọng trong việc tránh xuống cấp của tài nguyên du lịch văn hóa nói chung.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch Ninh Bình vẫn còn một số mặt hạn chế như:

Công tác kiểm kê và lập hồ sơ xếp loại di sản đã được tiến hành nhưng chưa theo hệ thống một cách khoa học, tốn nhiều thời gian.

Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể được thực hiện thường xuyên nhưng đôi khi không phù hợp với giá trị nguyên bản về mặt kiến trúc, điêu khắc dẫn đến làm mất giá trị của tài nguyên.

Một số di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng tại các địa phương bị xuống cấp nhưng công tác trùng tu còn chậm trễ làm ảnh hưởng tới chất lượng của công trình.

Nguồn cán bộ văn hóa của các địa phương có trình độ chuyên môn chưa cao, chưa am hiểu hết các kiến thức về di sản nên trong quá trình quản lý còn nhiều bất cập.

Cộng đồng dân cư một số địa phương chưa có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch. Ngoài ra, nhiều tệ nạn vẫn còn nên ảnh hưởng trực tiếp tạo ra hình ảnh xấu tới hoạt động du lịch tại các điểm đến du lịch như: ăn xin, mê tín dị đoan, trộm cắp, chèo kéo du khách...

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)