Kiến nghị đối với chính quyền địa phương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 112 - 114)

7. Bố cục của đề tài

3.3.4. Kiến nghị đối với chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương cần chú ý đến công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên du lịch; tổ chức triển khai phát triển du lịch luôn theo đúng chủ trương định hướng; chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch để người dân hiểu du lịch không chỉ là một sinh kế mà còn là một phương thức bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh quê hương đất nước tới bạn bè khắp năm châu. Cụ thể là:

Chính quyền địa phương cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban quản lý các khu du lịch tổ chức các đợt học tập kiến thức chuyên môn cụ thể mở lớp trao đổi nghiệp vụ du lịch cho tất cả cộng đồng do các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp có uy tín tổ chức. Các khóa đào tạo chủ yếu về dịch vụ khách hàng,

kỹ năng hướng dẫn khách tham quan và kiến thức về điểm đến cho các hướng dẫn viên thôn, bản, đặc biệt khuyến khích hướng dẫn viên là người địa phương (nông dân, người lái đò, thợ thủ công…); đào tạo các kỹ năng đón tiếp, làm buồng phòng và bảo trì, quảng bá, kế toán, hiểu về khách du lịch…cho điều hành dịch vụ nhà dân. Tập huấn về kiến thức chuyên môn du lịch từ việc đón tiếp, đến việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ và cung cấp các loại hình du lịch tại địa phương có thể khai thác để phục vụ khách như du lịch lễ hội, du lịch leo núi, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…

Tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương thành công trong việc phát triển du lịch. Để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, đối tượng được cử đi học tập kinh nghiệm là người đứng đầu các hội, nhóm, câu lạc bộ như hội trưởng phụ nữ, hội trưởng cựu chiến binh… hay một số người làm du lịch giỏi có tiếng nói trong cộng đồng địa phương. Đặc biệt, khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình ngày càng tăng, vì vậy, trình độ ngoại của người dân địa phương cần được cải thiện đặc biệt đối với hướng dẫn viên tại điểm. Bồi dưỡng ngắn hạn cho cộng đồng địa phương về ngoại ngữ là một giải pháp hiệu quả đúng đắn để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Các lớp học này được tổ chức ngắn hạn khoảng 1 – 3 tháng, chủ yếu hướng tới đối tượng là thanh niên tại địa phương để đạt được hiệu quả cao nhất.

Chính quyền địa phương nên thông qua các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân… để tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục ý thức của người dân địa phương, giáo dục họ để họ hiểu được lợi ích to lớn của viêc phát triển du lịch tại địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch trong quá trình tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch trên địa bàn. Đây là hình thức giáo dục mang lại hiệu quả cao đồng thời tiết kiệm được chi phí. Phải làm cho cộng đồng hiểu, giá trị tài nguyên đó mang đến sự sinh tồn cho chọ, từ đó nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng địa phương tham gia vào phát triển du lịch.

Tập huấn chương trình pháp luật có liên quan đến luật và các văn bản có liên quan đến du lịch, luật bảo vệ tài nguyên và môi trường,… thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề cho cộng đồng các thôn, làng, xã… Xây dựng hệ thống các quy định, nội quy của khu du lịch, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của làng, xã.

Thi hành biện pháp xử lý thích đáng với những hành vi vi phạm các quy định của khu du lịch nhằm răn đe người dân địa phương.

Chia sẻ lợi ích từ nguồn thu du lịch để hỗ trợ, phát triển cộng đồng: hỗ trợ xây dựng các cơ sở phúc lợi chung của cộng đồng như trạm y tế, nhà văn hóa, nâng cấp, sửa sang nhà cửa đường xá, cầu cống… Điều này vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hoá, thuần phong mỹ tục, đảm bảo sức hấp dẫn riêng biệt của từng di tích mà khách du lịch tôn giáo quan tâm. Tăng cường sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể và một số cơ quan chức năng để đẩy mạnh sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, để quá trình thực hiện mang lại những hiệu quả thiết thực và lâu dài.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 112 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)