Chùa Bái Đính

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 56 - 58)

7. Bố cục của đề tài

2.1.3.2. Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa bao gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới. Quần thể chùa này nằm trên núi Bái Đính thuộc địa phận xã Gia sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngọn núi này nằm cách khu di tích cố đô Hoa Lư 5 km về phía tây bắc và cách thành phố Ninh Bình khoảng 20 km, cách Hà Nội trên 100 km về phía nam.

Khu chùa Bái Đính cổ tương truyền là do thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Khu chùa Bái Đính mới được xây dựng tại đồi Ba Rau, gần chùa Bái Đính cổ. Chùa mới bắt đầu được xây dựng vào năm 2003 để chào đón sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngôi chùa mới là sự mô phỏng lại chùa cổ nhưng quy mô lớn hơn và hiện được xem là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.

Núi Bái Đính nằm trong không gian Phật giáo qua các triều đại. Nó nằm trên dải đất áp kề trung tâm Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê và buổi đầu của nhà Lý. Trong không gian thiêng của cố đô Hoa Lư và sau này là một không gian thiêng của các đền, chùa, miếu mạo được xây dựng tiêu biểu có thể kể đến: Am Tiên (động thờ Phật thời Lý); Viên Quang Tự và đền thánh Nguyễn Minh Không (hai di tích này nay thuộc hai xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn); chùa Địch Lộng (nằm ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn); đền Vực Vông (nằm ở dãy núi phía đông bắc Bái Đính thuộc thôn Điểm Thượng, làng Chi Phong, Trường Yên, Hoa Lư); chùa Bích Động (thuộc thôn Đạm Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); chùa Kim Cương – tháp Hiển Diệu (thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư); đền Thái Vi (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư).

Không gian thiêng của quần thể chùa Bái Đính còn được biểu hiện ở thế đất lập chùa. Người xưa chọn thế đất dựng chùa không chỉ là để hướng về cõi hư vô mà còn hướng về nơi sinh sôi nảy nở. Theo quan niệm truyền thống, đất tốt là đất bên trái trống không hoặc có sông hồ bao bọc, bên phải cao dầy, trước mặt có minh đường và phía sau có núi áp kề. Chùa Bái Đính cổ nằm trên đỉnh núi Đính – tượng dương, chùa Bái Đính mới dưới chân núi – tượng âm. Chùa được xây dựng theo

thuyết phong thủy cổ “tiền thủy hậu sơn”: phía trước nhìn gần là Hồ Đàm Thị, nhìn xa có sông Hoàng Long; phía sau có núi Cửa Ui, núi Long Ẩn và núi Trư Sơn.

Ngoài ra, chùa Bái Đính còn mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Theo tương truyền trong dân gian do có vị trí đắc địa, núi Bái Đính từ xa xưa đã từng là không gian lễ bái, phong hầu bái tướng. Nơi đây từng nằm trong không gian của trung tâm Phật Giáo từ thời Đinh – Tiền Lê, đặc biệt khi chùa Bái Đính cổ được Quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng dưới triều đại nhà Lý thì đây đã thực sự trở thành một không gian thiêng của tôn giáo, tín ngưỡng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến chiêm bái, cầu khấn. Chùa Bái Đính cổ là nơi thờ cả Phật – Thần – Tiên. Động thờ Phật (hay còn được gọi là chùa Hang) nằm trong hang Sáng, tương truyền trong động trước kia có rất nhiều tượng Phật nhưng do hang sâu, hơi nước của động đá vôi nên không còn nữa. Sau này, người ta đúc tượng Phật bằng nguyên khối mạ vàng để thờ. Chùa Bái Đính cổ thờ thần Cao Sơn, thánh Nguyễn Minh Không và Tam tòa Thánh Mẫu. Chùa là biểu tượng tiêu biểu, tập trung và rực rỡ nhất của sự dung hòa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt: Đạo Phật, Đạo Giáo và Đạo Mẫu.

Sự kết hợp các giá trị tín ngưỡng trong không gian của quần thể chùa Bái Đính đã đạt đến đỉnh cao trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt, đáp ứng các yếu tố đời sống con người với cõi tâm linh, vừa thờ các vị thánh thần, vừa thờ Phật, nhằm giải tỏa tâm lý của con người. Chùa Bái Đính cổ là sự dung hòa của tôn giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt bao đời nay, bên cạnh thờ Phật, ngôi chùa còn thờ Thần – Tiên. Chùa Bái Đính mới lại được coi là trung tâm mới của Phật giáo ở nước ta thế kỷ XXI. Đây vừa là sự tiếp nối vừa là sự phát triển đến đỉnh cao của yếu tố tâm linh ở Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, nó còn là biểu tượng rực rỡ của văn hóa tâm linh trong thời đại mới. Đặc biệt năm 2011, chùa Bái Đính diễn ra sự kiện văn hóa tâm linh lớn, đó là đại lễ cung nghinh đón “Ngọc Xá Lị”. Sự kiện này càng làm tăng giá trị về yếu tố văn hóa tâm linh tại quần thể chùa Bái Đính, tạo điều kiện thuận lợi để loại hình du lịch tâm linh ra đời và phát triển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)