Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Lâm khóa XXIII, kinh tế huyện Văn Lâm có sự phát triển đáng kể:
Tính đến đầu tháng 7 năm 2014, Tổng giá trị sản xuất ước đạt 18.624 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế: 10,83%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 79,74%, thương mại, dịch vụ chiếm 12,65% nông nghiệp chiếm 7,61%; thu nhập bình quân đầu người nội huyện là 12,34 triệu đồng/năm;tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2014 ước thực hiện 473 tỷ đồng, đạt 51,4% kế hoạch.
Về giáo dục: Năm học 2013- 2014 trên địa bàn huyện có 4 trường PTTH, 1 trường Đại học, 01 trường Cao đẳng, 01 trường Trung học Chuyên nghiệp, 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Có 42 trường từ mầm non tới THPT với đội ngũ giáo viên 1249 người, hàng năm thu hút trên 25962 học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện được đảm bảo, môi trường giáo dục lành mạnh; công tác giáo dục đạo đức lối sống được coi trọng. Đến nay huyện Văn Lâm được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi cấp độ II. Toàn huyện có 25 trường đạt chuẩn quốc gia
Công tác y tế: Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; Duy trì thực hiện an toàn về tiêm chủng. Chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tốt, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, y đức ngày càng
được chú trọng. Huyện có có 01 bệnh viện đa khoa, 11 trạm Y tế xã, cơ bản đáp ứng việc chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, công nhân và nhân dân trên địa bàn.
Công tác thực hiện chính sách xã hội và bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên được Lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo nên đã tổ chức và thực hiện tốt, luôn thực hiện đảm bảo đúng các chế độ chính sách của Nhà nước, chăm lo và quan tâm tới việc giải quyết việc làm cho người lao động, tích cực thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo. Đến nay huyện không còn hộ đói, đến hết năm 2013 hộ nghèo giảm còn 3,3% .
Công tác văn hoá - thông tin: Tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nhiệm vụ của địa phương và tuyên truyền “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Toàn huyện có 64 làng được công nhận là làng văn hóa; có 24 di tích được xếp hạng trong đó có 16 di tích xếp
hạng cấp quốc gia.
Huyện cùng với các ban ngành và các cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao của địa phương, đến nay có 01 nhà văn hóa cấp huyện, 01 sân vận động, 01 nhà thư viện huyện, 01 đài phát thanh, mỗi xã đều có nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng và thư viện văn hóa xã.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp, lực lượng công an xã, ban bảo vệ dân phố được củng cố và tăng cường tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội như trên, huyện còn tồn tại một số hạn chế như các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa vững chắc, công nghệ còn lạc hậu, qui mô nhỏ lẻ; trình độ, năng lực quản lý còn hạn chế, thiếu vốn và mặt bằng sản xuất...