1.3.3.1 Kỳ hạn và tính ổn định của nguồn vốn
Nguồn vốn của NHTM tại một thời điểm nào đó được phân chia thành các nhóm khác nhau tuỳ thuộc vào ngày đến hạn dự kiến của chúng. Từ đó có thể dự báo một cách tương đối về quy mô nguồn vốn đến hạn (có thể rút ra) trong khoảng thời gian tương ứng như: Trả theo yêu cầu, 1-30 ngày, 1-3 tháng, 3-6 tháng, 6-12 tháng, hơn 12 tháng. Trên cơ sở đó, phân tích biến động cơ cấu kỳ hạn tại các thời điểm khác nhau, phân tích sự tương thích giữa các nguồn vốn và sử dụng nguồn, quản lý rủi ro lãi suất. Khi nguồn và sử dụng nguồn tương thích nhau về kỳ hạn, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản qược kiểm soát, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao thì hiệu quả huy động vốn cũng được nâng cao.
Tính ổn định của nguồn vốn được phản ánh qua kỳ hạn danh nghĩa của nguồn. Các kỳ hạn danh nghĩa càng dài thì tính ổn định càng cao. Tuy nhiên, kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao, chi phí huy động càng cao. Nhìn chung khi đã lựa chọn gửi tiền theo mục đích tiết kiệm thì những người gửi tiền đều cố gắng duy trì kỳ hạn danh nghĩa đó để hưởng lãi suất ở mức cao nhất. Do vậy, kỳ hạn danh nghĩa là một chỉ tiêu phản ánh tính ổn định của nguồn vốn. Việc xác định kỳ hạn danh nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng, vì nó liên quan tới kỳ hạn của sử dụng. Để cho vay và đầu tư dài
hạn, ngân hàng cần có khả năng duy trì tính ổn định của nguồn tiền.
Thực tế có những khoản tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng đến hạn nhưng vẫn tiếp tục duy trì với kỳ hạn đó. Đây được coi là những khoản tiền gửi trung và dài hạn. Kỳ hạn thực tế của nguồn tiền là thời gian mà khoản tiền đó liên tục tồn tại trong ngân hàng.
Khi có nguồn vốn ổn định, ngân hàng chủ động hơn trong sử dụng nguồn, chủ động lựa chọn các dự án có mức sinh lời cao và an toàn, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, hiệu quả huy động vốn được nâng cao.
1.3.3.2 Sự đa dạng của nguồn vốn
Số lượng các sản phẩm huy động vốn là một tiêu chí để đánh giá sự đa dạng của nguồn vốn. Có thể nói sản phẩm huy động vốn càng đa dạng, ngân hàng càng có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng đầy đủ hơn. Điều đó làm tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Mặt khác số lượng sản phẩm huy động vốn lớn tạo cho ngân hàng có thể đa dạng hoá được rủi ro, tăng khả năng sinh lời trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên việc xác định chính xác số lượng các sản phẩm huy động vốn của một ngân hàng là một việc không phải dễ dàng. Bởi có nhiều quan điểm khác nhau về sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa, số lượng bao nhiêu sản phẩm huy động vốn là đảm bảo hiệu quả huy động vốn là rất khó xác định. Ở các ngân hàng phát triển số lượng sản phẩm huy động vốn khoảng 32 (SHB), hay 40 (Citibank)…
Mặt khác, sự đa dạng của nguồn vốn còn thể hiện là khi ngân hàng cần vốn có thể huy động được từ bất kể nguồn nào, tuỳ theo đặc điểm của từng nguồn. Theo xu hướng hiện nay người ta đi sâu khai thác các nguồn vốn có khối lượng lớn mà chi phí không cao như vốn trong thanh toán, vốn uỷ thác đầu tư...
1.3.3.3 Phong cách phục vụ của nhân viên
Đây cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả huy động vốn của một ngân hàng. Sản phẩm huy động vốn đa dạng, lãi suất hợp lý nhưng nhân viên không có trình độ để vận hành khiến khách hàng gửi tiền phải chờ đợi và thấy bất tiện, thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng thiếu thân thiện và hoà nhã gây tâm lý khó chịu cho khách hàng. Điều này cho thấy không phải chỉ một sản phẩm huy động vốn đó chất lượng không tốt mà tất cả các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đó chất lượng đều không tốt. Vì vậy, ngày nay các ngân hàng đang có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên như trẻ hoá, đào tạo và đào tạo lại, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đổi mới tác phong, phong cách giao dịch…qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, thu hút ngườigửi tiền vì nhân viên ngân hàng chính là một cấu phần vô cùng quan trọng của tất cả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng vì họ là người trực tiếp mang những sản phẩm đó đến với khách hàng.