Nghệ sĩ, phương tiện và đạo cụ biểu diễn

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật của đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam phục vụ phát triển du lịch (Trang 33 - 35)

Những nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trong làng đĩa nhựa có thể kể đến như: Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ), Phạm Văn Nghi (Tư Nghi) – đàn kìm, tranh, cò, gáo; Trương Văn Đệ (Bảy Hàm) – đàn kìm; Văn Hà Tân (Chín Trích) – đàn cò; Hai Thanh (đài phát thanh Pháp Á), Ba Phụng đàn kìm (là người sáng tạo dây hò ba); Nguyễn Thế Huyện (Tư Huyện), Hai Thơm đàn cò, kìm, tranh, violon và thổi tiêu; Nguyễn Thế Quý (Sáu Quý) đàn tranh, Mười Còn đàn cò và violon; Năm Lòng, Nam Giai, Bảy Quế… Về ca có các nghệ sĩ: nam ca sĩ Năm Nghĩa, Hồng Châu, Tám Thưa, Thanh Tao, Tám Bằng, Út Trà Ôn, Minh Chí, Bảy Cao, Sáu Thoàng… Nữ ca sĩ Hai Sạn, Ngọc Nữ, Hai Đá, Ba Niệm, Ba Bến Tre, Năm Cần Thơ, Ba Trà Vinh, Bạch Huệ, Lệ Liễu

Trong hòa đờn, hòa ca Tài tử, hòa hợp tiếng đàn của các nhạc khí là yêu cầu quan trọng. Với đặc điểm ngẫu hứng, tự nhiên nhưng các nghệ sĩ Tài tử vẫn biết cách giữ đặc điểm hòa sắc – hòa hợp trong khi chơi đàn. Dàn đờn Tài tử thường có đàn kìm (nguyệt), đàn tranh, đàn cò (nhị), đàn gáo, đàn độc huyền (đàn bầu), ống tiêu… được chơi theo thẩm mỹ âm nhạc: hòa sắc không hòa thanh (ba, bốn bè ở các âm vực cao, trung, trầm) như âm nhạc Tây phương. Ngoài hình thức độc tấu, thường thấy trong hình thức hòa đờn, hòa ca là sự kết hợp hai hay nhiều nhạc cụ có âm sắc khác nhau. Xưa nay, Đờn ca tài tử chuộng

32

lối hòa đàn thông thường là hai, ba nhạc khí, hiếm khi hòa đàn năm nhạc khí. Kìm hòa với tranh – tiếng tơ với tiếng sắt, hoặc kìm hòa với cò – nhạc cụ dây gẩy với nhạc cụ dây kéo. Câu nói cửa miệng của nhạc giới là “sắt cầm hảo hiệp” để chỉ song tấu đàn cò (nhị) – đàn tranh, đàn kìm (nguyệt) – đàn tranh, “tam chi liên hoàn pháp” để chỉ lối hòa tấu ba nhạc cụ: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò; đàn kìm, đàn tranh, đàn độc huyền (đàn bầu) hay đàn tranh, đàn cò và đàn độc huyền… Hoặc đơn giản hơn, nhạc giới có cách liệt kê và kết hợp pha trộn các nhạc cụ hòa tấu theo thứ tự “kìm – cò – tranh – độc – tiêu” v.v… (hiếm khi thấy sử dụng sáo trong hòa âm nhạc Tài tử).

Trong hòa tấu Tài tử xưa ít thấy xuất hiện những nhóm hòa đàn có hai hay ba nhạc cụ cùng âm sắc. Xu hướng đưa vào dàn hòa tấu thật nhiều nhạc cụ, thậm chí các nhạc cụ cùng âm sắc như kìm, guitare phím lõm, sến… của một số nhóm đờn ca tài tử ngày nay chỉ làm rầm rộ, xôm tụ chứ không thể hiện được đặc điểm hòa sắc các nhạc cụ của lối hòa tấu Tài tử. Nhiều nhạc cụ cùng âm sắc, khi chơi cùng nét giai điệu hoặc có thể ngẫu hứng, thêm thắt hoa lá sẽ bị lẫn vào nhau, không thể bày ra hết được những nét riêng của từng nghệ sĩ, những nét nhấn nhá sâu sắc trong từng cung bậc, vốn là đặc trưng của âm nhạc Tài tử. Ngày nay, do lẫn lộn giữa phong cách Tài tử và Cải lương nên dàn đờn ít được chăm chút, người ta thấy đàn guitare phím lõm khá phổ biến trong các buổi hòa đờn Tài tử…

Người nghệ sĩ Tài tử luôn muốn tìm tòi, “thử” đưa vào một nét mới, nét lạ khi chơi đàn, và kể cả thử đưa vào một âm sắc mới, lạ bằng một nhạc khí mới. Điều đó giải thích vì sao nhiều tên tuổi vang danh trong giới tiếng đàn sến, đàn đoản, đàn tam, đàn mandoline, đàn mando – guitare… và sau này kể cả violon, guitare phím lõm. Nhưng qua những thể nghiệm đó, lần lượt nhiều nhạc khí tham gia dàn đờn rồi rời khỏi bởi không phù hợp và do nhạc giới không ưa chuộng, không chấp nhận.

Cũng vì tính chất Tài tử, ở đâu đó, trong dân gian, dàn đờn Tài tử có thể sử dụng tất cả những nhạc khí nào mà họ sẵn có. Đôi khi, chỉ với cây cò, thậm

33

chí, nếu chỉ có trên tay cây violon – nhạc khí Tây phương, nhưng người nghệ sĩ Tài tử cũng sẽ có cách thể hiện tính chất riêng của loại hình nghệ thuật này. Họ đàn với những sự cẩn trọng, chính chuyên của người nghệ sĩ. Họ sẽ sắp chữ đàn sao cho đúng bài bản, uốn chữ sao cho đúng giọng điệu, biết thêm thắt để thể hiện được tình cảm của mình trên một nhạc khí xa lạ với âm nhạc Tài tử.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật của đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam phục vụ phát triển du lịch (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)