3.2.4.1. Đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn
97
Trên thực tế các nghệ nhân đờn ca tài tử hiện nay đang bị mai một rất nhiều. Những bài bản 3 Nam, 6 Bắc, các bài Ngự ít được sử dụng nên hầu như dần dần ít người biết đờn và ca những bản tổ. Hơn nữa, những người đờn và ca những bài này hầu hết làm nghề nông, nuôi trồng thủy sản, buôn bán và cả những người lao động phổ thông.
Đa số những nghệ nhân đờn được những bài bản lớn hiện nay đã qua đời, một số nghệ nhân còn sống thì tuổi tác khá lớn như: nghệ nhân Nguyễn Văn Nhì – sinh năm 1923, hiện còn sống tại Khóm 5, thị trấn Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (đờn cò và đờn kìm). Nghệ nhân Phan Văn Nuôi (Thanh Vân), Thanh Mỹ, Châu Thành (Trà Vinh) sử dụng thành thạo 4 loại nhạc cụ và là học trò xuất sắc của nhạc sĩ Hồng Tấn Phát và từng đờn chung với danh cầm Văn Vỹ. Đối với đờn cò, nghệ nhân Nguyễn Tấn Thành, sinh năm 1956, hiện ở Khóm 5, phường 7, thành phố Trà Vinh cũng rất cố gắng trong việc giữ gìn ngón đờn cò.
Loại hình đờn bầu rất hiếm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, có thể kể đến là nghệ nhân Nguyễn Văn Hào, sinh năm 1950, hiện ở ấp Thôn Vạn, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, ông tự học đờn và đờn các bài Tứ đại oán (lớp 1 và Hồi thủ), Giang Nam 3 lớp, 26 câu, Nam Xuân 3 lớp (20 câu), Đảo ngũ cung (6 lớp 48 câu), Xàng xê 20 câu…
Ở Bình Dương hiện nay số nghệ nhân còn sống, thực sự am hiểu và có thể đờn, hát được 20 bài tổ của Đờn ca tài tử còn lại cũng không nhiều. Có thể kể đến những nghệ nhân như: Phạm Ngọc Phú (nghệ nhân đờn), Cao Thị Thắng (nghệ nhân ca) ở huyện Dĩ An; Nguyễn Thế Hùng (nghệ nhân ca), Lê Đức Cang (nghệ nhân đờn), Nguyễn Thị Sang (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Đặng (nghệ nhân đờn kìm), Võ Văn Quí (nghệ nhân đờn), Huỳnh Văn Hai (nghệ nhân ca), Nguyễn Văn Sang (nghệ nhân đờn và ca) huyện Thuận An; Đỗ Văn Dặn (nghệ nhân ca và đờn kìm) huyện Tân Uyên; Trần Thị Kim Anh (nghệ nhân ca kiêm soạn giả), Đoàn Minh Đức (nghệ nhân ca kiêm soạn giả) huyện Dầu Tiếng; nghệ nhân Tư Còn (đờn kìm) Thị xã Thủ Dầu Một… Đó là những nghệ nhân đã lớn
98
tuổi, có những nghệ nhân còn tham gia câu lạc bộ nhưng cũng có không ít nghệ nhân vì sức khỏe không cho phép nên chỉ thỉnh thoảng mới tham gia sinh hoạt. Một điều đáng khích lệ và trân trọng đó là bên cạnh những nghệ nhân đã lớn tuổi, vẫn còn có một số nghệ nhân trẻ tuổi như: Hoàng Quân (hiện nay đờn cho Đoàn cải lương Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh) và có một gia đình là nghệ nhân Nguyễn Văn Dấu (Tám Dấu) đờn guitar, ở Khóm 5, thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh, có con là nghệ nhân Hoàng Việt (đờn guitar phím lõm và đờn tranh), Nguyễn Hoàng Nam, 39 tuổi (đờn kìm) và ông có hai đứa cháu ngoại là Nguyễn Thị Yến Xuân – sinh năm 1999 (11 tuổi) đang học lớp 6, tham gia hoạt động nghệ thuật năm 2007, ca được 43 câu Nam ai, 12 câu Phụng Hoàng lai nghi, 20 câu Nam xuân. Đặc biệt, cháu ngoại Nguyễn Hoàng Gia Mỹ (sinh năm 2001) tham gia đờn ca tài tử năm 2007, hiện đang học lớp 4, ca được 12 câu Phụng hoàng, 20 câu Nam xuân, 43 câu Nam ai (lớp trống, lớp mái) và ca cổ.
Ở lĩnh vực đờn tranh hiện nay có nghệ nhân Nguyễn Phúc Thiện (sinh năm 1991) ở Ấp Sa Bình, xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh là sinh viên Đại học Bách khoa, tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 8 tuổi, là học trò nghệ nhân Nguyễn Văn Tảo, phường 8, thành phố Trà Vinh, đờn các bài Xuân tình, Lưu thủy trường, Phú lục, Tây thi, Phụng hoàng, Nam xuân, Nam ai, Nam đảo. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Phúc (sinh năm 1983) ở ấp Sa Bình, huyện Long Đức, tỉnh Trà Vinh là giáo viên tham gia nghệ thuật năm 1995, đờn kìm, học đờn từ năm 12 tuổi, do ông nội là Nguyễn Văn Đông (đã mất năm 1999), đờn được 12 câu Phụng hoàng, 20 câu Đảo ngũ cung.
Những nghệ nhân thuộc được những bài bản lớn, chơi được 20 bài tổ hiện nay rất ít. Phần lớn lớp nghệ sĩ trẻ kế tục hiện nay hầu như chưa thuộc 20 bài tổ, chỉ biết một số bài bản hoặc thậm chí chỉ biết một vài lớp, một vài câu trong một bài bản. Những nghệ sĩ hiện nay chủ yếu đờn hát những loại hình nhạc mới như tân cổ giao duyên, vọng cổ.
Chế độ, chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần cho các nghệ nhân đờn ca tài tử chưa được chú trọng, nhiều nghệ nhân dành tâm huyết cả đời để cống
99
hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử nhưng chưa được tuyên dương, chưa có đãi ngộ xứng đáng. Các nghệ nhân đờn ca tài tử đa phần đều xuất phát từ những người làm nghề nông, lao động phổ thông, cuộc sống mưu sinh đã rất vất vả, tham gia đờn ca tài tử để thỏa mãn niềm đam mê chứ không được khuyến khích về vật chất; ngược lại có những người nghệ nhân dù rất đam mê nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên việc tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử cũng bị hạn chế.
Giải pháp:
- Tập cho giới trẻ tiếp cận với đờn ca tài tử thông qua các bài bản vắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi để bước đầu các em làm quen với làn điệu rồi yêu thích. Cơ quan chức năng phải mời thầy đờn, chiêu sinh, mở lớp dạy đờn ca tài tử, dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc…
- Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử và các loại hình âm nhạc truyền thống vào chương trình giáo dục như một môn học tự chọn để thế hệ trẻ có đam mê tìm hiểu và học hỏi có cơ hội tiếp cận một cách thiết thực nhất.
- Thúc đẩy công tác truyền dạy tại cộng đồng. Xây dựng các chương trình giáo dục chính thức và ngoại khóa về Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
- Nhà nước và ngành văn hóa, du lịch cần quan tâm các chế độ, chính sách đãi ngộ về tinh thần và vật chất, đối với các bậc nghệ nhân, các hạt nhân phong trào, nhất là các nghệ nhân ở cơ sở.
- Thực hiện tốt Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Quan tâm việc xét danh hiệu cho nghệ nhân và cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy đờn ca tài tử.
Con người ở đây là khách thể của đối tượng quản lý nhà nước nhưng lại là chủ thể của sự bảo tồn và phát triển dòng nghệ thuật Đờn ca tài tử. Với sự tác động của nền kinh tế thị trường, việc “thổi hồn” cho những người “giữ lửa” nghệ thuật Đờn ca tài tử là một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp thiết.
100
3.2.4.2. Những người khai thác văn hóa, kinh doanh du lịch
Những tồn tại:
Các cơ quan ban ngành quản lý về văn hóa hiện còn thiếu về mặt nhân sự có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử để theo dõi, giám sát các hoạt động văn hóa, du lịch gắn với đờn ca tài tử, phòng tránh các hình thức lợi dụng đờn ca tài tử để kinh doanh trá hình, gây ảnh hưởng xấu đến loại hình âm nhạc đặc trưng, đặc sắc của đờn ca tài tử Nam Bộ. Việc quản lý thiếu chặt chẽ, không có quy định cụ thể, rõ ràng về hình thức sinh hoạt, các bài bản sử dụng cũng dẫn đến việc đánh đồng, lẫn lộn giữa nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.
Các công ty kinh doanh du lịch hiện nay cũng gặp khó khăn về nguồn lực, về nhân sự đủ khả năng để thiết kế các chương trình du lịch mang tính chuyên sâu quảng bá đầy đủ những giá trị nghệ thuật của loại hình này.
Hầu hết các hướng dẫn viên đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam kể cả hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế đều chưa được đào tạo kiến thức về âm nhạc tài tử, chưa hiểu hết các giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử để thuyết minh cho du khách. Thế nên, việc giới thiệu, quảng bá về loại hình âm nhạc truyền thống này của Việt Nam thông qua hướng dẫn viên đang bị hạn chế rất nhiều.
Giải pháp:
- Chính quyền địa phương tại các tỉnh thành có hoạt động đờn ca tài tử cần thiết phải mở những lớp đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ, chuyên viên quản lý văn hóa về loại hình nghệ thuật âm nhạc đờn ca tài tử để những lực lượng quản lý văn hóa nồng cốt này có thể đủ khả năng theo dõi, giám sát hoạt động đờn ca tài tử, giúp loại hình âm nhạc này hoạt động đúng với bản chất thật sự vốn có của nó.
- Các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần giành thời gian cho nhân viên thiết kế, điều hành, nhân viên hướng dẫn du lịch của
101
doanh nghiệp đi học các lớp đào tạo về loại hình âm nhạc đờn ca tài tử truyền thống của Nam Bộ để các nhân viên thiết kế, điều hành có thể thiết kế các chương trình du lịch đặc thù gắn với đờn ca tài tử, biến những chi tiết âm nhạc trong chương trình từ cái phụ, cái bổ sung thành những điểm chính thu hút du khách.
- Cần thiết mở các chương trình đào tạo chuyên biệt cho lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên về di sản văn hóa phi vật thể, giúp cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên di sản hiểu đúng, hiểu sâu về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại Việt Nam. Tại các điểm du lịch có phục vụ đờn ca tài tử nên có những thuyết minh viên về di sản này đứng ra thuyết minh cho du khách, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong hoạt động du lịch.
3.2.5. Nghiên cứu, phát triển các làn điệu và nội dung của các bài bản gắn với việc bảo tồn, khai thác và phát triển loại hình đờn ca tài tử với việc bảo tồn, khai thác và phát triển loại hình đờn ca tài tử
Những tồn tại:
Hiện nay nhiều người tranh luận giữa hai xu hướng, một là phải lưu giữ trọn vẹn những yếu tố chính thống, những bài bản, làn điệu nguyên gốc của nhạc tài tử Nam Bộ. Hai là phải cải tiến các bài bản của dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ để nó thích nghi với xu thế chung của thời đại.
Cả hai xu hướng trên có phần phù hợp và chưa phù hợp. Bởi lẽ, bất cứ một sự vật, hiện tượng nào muốn tồn tại và phát triển đều phải đảm bảo hai yếu tố: Bảo tồn và phát triển, nhưng phải dựa vào cái hồn vốn có của dòng nhạc tài tử Nam Bộ. Bảo tồn, phát triển mà không mất gốc, lai căn, pha tạp.
Thêm vào đó, tại các buổi sinh hoạt đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử, tại các buổi liên hoan văn nghệ đờn ca tài tử tại các tỉnh, thành Nam Bộ theo tác giả nhận thấy đó là bài ca vọng cổ đang bị lạm dụng tại các buổi trình diễn đờn ca tài tử. Đã từ lâu, bài ca vọng cổ được xem là bản nhạc chúa trong dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ và trong sân khấu cải lương. Tuy nhiên, nếu sử dụng bài ca
102
vọng cổ không đúng chổ, không đúng tình huống sẽ gây ra sự nhàm chán cho người nghe. Trên thực tế, trong các buổi sinh hoạt của các đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử Nam Bộ đã sử dụng bài ca vọng cổ xuyên suốt hơn phân nữa thời lượng tổng thể của chương trình, các bài bản khác rất mờ nhạc.
Ngoài ra, bài ca vọng cổ nguyên gốc có 20 câu, tuy nhiên hiện nay thường chỉ sử dụng 4 câu, đó là câu 1, câu 2 và câu 4, câu 5. Bốn câu vọng cổ đó được sử dụng nhiều đến nỗi nhiều người khi nhắc đến vọng cổ, khi giới thiệu ca vọng cổ, người ta thường dùng từ “ca 4 câu vọng cổ”. Cụm từ “4 câu vọng cổ” được sử dụng như một thói quen thành ra nhiều người cứ lầm tưởng bài ca vọng cổ chỉ có 4 câu mà thôi. Mười sáu câu còn lại có những đặc điểm rất độc đáo nhưng chưa được chú ý khai thác.
Giải pháp:
- Khuyến khích sáng tác những bài bản mới, phù hợp với xu thế chung của thời đại trên nền tảng những làn điệu truyền thống. Phát triển các làn điệu để các bài bản đờn ca tài tử ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
- Vận động, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và ý thức giữ gìn những cái hay, cái đẹp truyền thống quý báu của âm nhạc tài tử. Qua đó giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa của đất nước Việt Nam nói chung và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.
- Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các “bài Tổ”, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong cuộc sống đương đại.
103
- Tăng cường nghiên cứu chuyên sâu về đờn ca tài tử, phổ biến những hiểu biết ngày càng sâu sắc về nghệ thuật đờn ca tài tử cho các nghệ nhân mới vào nghề để từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về loại hình nghệ thuật đặc sắc này từ đó có bước đi đổi mới phát triển loại hình nghệ thuật cả về nội dung cũng như nghệ thuật biểu diễn trước các đối tượng công chúng khác nhau, nhất là các du khách đến từ các nơi trong và ngoài nước.