Môi trường nội bộ

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cp thủy sản thông thuận (Trang 27 - 30)

Mỗi doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Việc đánh giá môi trường nội bộ doanh nghiệp nhằm giúp nhà quản trị phát hiện ra những điểm mạnh và điểm yếu thực sự quan trọng bên trong doanh nghiệp mình, từ đó tìm cách khai thác tối đa các điểm mạnh cũng như khắc phục những điểm yếu để có thể phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Sau đây là những nhân tố môi trường nội bộ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

1.2.3.1. Hoạt động sản xuất

Sản xuất là hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với việc tạo ra sản phẩm. Đây là hoạt động chính yếu của doanh nghiệp vì vậy việc phân tích hoạt động sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Những vấn đề cơ bản của sản xuất:

+ Các hoạt động đầu vào: các hoạt động này thường gắn liền với hoạt động mua sắm, nhập kho, tồn trữ và quản lý các yếu tố đầu vào. Những hoàn thiện trong bất cứ hoạt động nào đều dẫn tới giảm chi phí và tăng năng suất.

+ Sản xuất: Sản xuất bao gồm các hoạt động như vận hành máy móc thiết bị, lắp ráp, bao bì đóng gói, bảo dưỡng máy móc thiết bị và kiểm tra. Việc hoàn thiện những hoạt động này có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất được nâng cao.

+ Các hoạt động đầu ra: Thành phần tạo ra được bảo quản, vận chuyển, lưu kho và thực hiện công tác phân phối đưa sản phẩm tới khách hàng. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động đầu ra sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu vào và sản xuất phát triển.

1.2.3.2. Hoạt động Marketing

Marketing được hiểu là các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, dự báo, xác định các nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đó bằng cách kết hợp các chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược phân phối và chiến lược chiêu thị, xúc tiến hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh ở những thị trường trong những giai đoạn khác nhau.

Các hoạt động marketing cơ bản trong doanh nghiệp bao gồm: Hoạt động nghiên cứu thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động nhận diện các cơ hội từ thị trường, phân khúc thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu và phân tích khách hàng; tiếp đến doanh nghiệp thực hiện việc hoạch định các chiến lược marketing (chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược phân phối và chiến lược xúc tiến).

Như vậy, hoạt động marketing giúp cho doanh nghiệp đưa sản phẩm và dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng, tác động đến quyết định lựa chọn và sử dụng của họ, có thể trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế như hiện nay thì khách hàng không khó để tìm kiếm các sản phẩm cần thiết cho mình, có thể nói là hàng hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Chính vì thế mà các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mình nhằm tiêu thụ được các sản phẩm, dịch vụ cần phải có một chính sách marketing mang tính khác biệt và tạo ấn tượng trong tiềm thức tiêu dùng của khách hàng. Một khi hoạt động marketing của doanh nghiệp đạt hiệu quả thì cũng làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đó trên thị trường.

1.2.3.3. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực có thể nói là nhân tố quan trọng nhất trong môi trường nội bộ của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực là tất cả các thành viên đang tham gia hoạt động cho tổ chức, không phân biệt vị trí công việc, mức độ phức tạp hay mức độ quan trọng của công việc.

Một doanh nghiệp không thể tạo năng lực cạnh tranh cho mình mà không có một nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng về cả chất và lượng, nhân sự có vai trò hết sức quan trọng và nó quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp nào có nguồn nhân lực càng mạnh thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường càng lớn.

Khi nghiên cứu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp ta sẽ nghiên cứu các vấn đề sau: + Nghiên cứu về tuổi tác, giới tính, trình độ, cấp bậc trong doanh nghiệp.

+ Việc quản lý tiền lương, phúc lợi, tuyển dụng, đào tạo và tái đào tạo, bố trí, sa thải nhân viên, khuyến khích phát triển làm việc, chính sách quy chế về kỷ luật lao động.

+ Nghiên cứu các mối quan hệ trong doanh nghiệp (mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp cùng cấp).

1.2.3.4. Công tác hoạch định chiến lược

Trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động khó lường như ngày nay để tồn tại và phát triển đang là một thách thức cho bất cứ doanh nghiệp nào. Chính vì vậy việc hoạch định chiến lược đang ngày càng quan trọng và cần thiết. Hoạch định chiến lược trình bày những mục tiêu doanh nghiệp mong muốn đạt được, những cách thức và nguồn lực cần phải có để đạt được mục tiêu, nhân sự thực hiện và thời gian cần thiết để tiến hành.

Khi nghiên cứu công tác hoạch định chiến lược ta sẽ nghiên cứu các vấn đề sau: - Những mục tiêu doanh nghiệp đề ra như thế nào tức ai đề ra và có khả thi hay không. - Các cách thức và nguồn lực mà doanh nghiệp đưa ra đề đạt mục tiêu như thế nào. - Có khả thi và thích ứng với môi trường hay không.

- Thời gian thực hiện liệu có đủ dài để doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược của mình hay không.

1.2.3.5. Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.

Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin nói chung được gọi là tri thức thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Do vậy, có thể khẳng định văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp và cũng là một trong những hình thức cạnh tranh bằng thương hiệu ngày nay. Nếu một doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa tổ chức mà khách hàng tin tưởng thì điều này gián tiếp mang khách hàng đến với doanh nghiệp.

Tuy đã được nghiên cứu nhiều nhưng văn hóa doanh nghiệp vẫn rất khó nhận biết và lượng hóa vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều cho việc phát triển văn hóa và đầu tư trong một thời gian dài.

Văn hóa ở một công ty đơn giản mà ta có thể nhìn thấy ở trang phục của nhân viên, câu slogan của công ty hay cụ thể hơn là ở thái độ và phong cách phục vụ, có thể là cách bày trí hay lối kiến trúc đặc trưng .

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cp thủy sản thông thuận (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)