2.1.1. Vấn đề cái tôi trữ tình trong thơ
Cái tôi trữ tình là vấn đề cốt lõi và quan trọng của thơ ca, bởi sáng tác thơ ca là nhu cầu tự biểu hiện tiếng nói nội cảm, cá nhân, “thơ chỉ khởi phát khi cảm xúc tràn đầy”. Nói đến thơ trữ tình là nói đến khái niệm cái tôi trữ tình. Đây là khái niệm trung tâm, cơ bản và quan trọng bậc nhất của thơ ca. Bởi nó có khả năng cắt nghĩa được chiều sâu quan niệm của chủ thể, tức là cái có ý nghĩa chi phối tính đặc thù của nội dung và hình thức trữ tình cùng các hình thái phát triển của nó trong lịch sử.
Cần phân biệt cái tôi và cái tôi trữ tình trong thơ. Trong triết học, cái tôi là cá nhân riêng, bao hàm những đặc tính riêng để phân biệt tôi với những cá nhân khác, đó là cái tôi ý thức. Phân tâm học cho rằng, cái tôi là phần cốt lõi của tính cách liên quan đến thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Khi chủ thể sáng tạo - là người nghệ sỹ, trong thơ, cái tôi được xem là cái tôi cá nhân, cái tôi chủ quan riêng biệt. Song, mỗi người nghệ sỹ không in dấu vào trong thơ bức chân dung rõ nét về mình một cách trần trụi và lộ liễu, cũng ít người nói về mình trong thơ, bởi vậy, cái tôi trong thơ trở thành cái tôi sáng tạo, cái tôi đã được soi qua lăng kính của cảm xúc, suy nghĩ, là cái tôi cá nhân nhưng vẫn chịu sự chi phối, ảnh hưởng của xã hội. Thông qua cái tôi cá nhân, người đọc vẫn nhận ra bối cảnh xã hội, thời đại mà nhà thơ sống.
Đã có nhiều công trình quan tâm, nghiên cứu về cái tôi trữ tình trong thơ ca, cho thấy, cái tôi trữ tình là vấn đề quan trọng. Còn có nhiều ý kiến
khác nhau về vấn đề này. Trần Đình Sử trong Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), tiếp cận cái tôi trữ tình vừa như bản chất tự ý thức của thể loại, vừa như hạt nhân cấu trúc hình tượng tác giả, hình tượng nhân vật. Theo ông, “Đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự thể hiện cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy. Cái tôi trữ tình được biểu hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp” [58, 56]. Vũ Tuấn Anh coi cái tôi trữ tình “là sự thể hiện một cách nhìn nhận và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo mang giá trị thẩm mỹ, nhằm truyền năng lượng tinh thần đến người đọc”[1, 32]. Theo ông, bản chất của cái tôi trữ tình là “sự tổng hoà nhiều yếu tố, là sự hội tụ thăng hoa theo quy luật nghệ thuật của ba phương diện: cá nhân- xã hội, thẩm mỹ trong hình thức thể loại trữ tình” [1, 32]. Còn Lê Lưu Oanh chỉ ra rằng “Cái tôi trữ tình là một phạm trù nghệ thuật, được thể hiện bằng các phương tiện nghệ thuật tồn tại trong thơ. Nội dung khái niệm không chỉ bao gồm cái riêng tư, cái cá nhân, độc đáo, mà còn bao gồm nhiều cung bậc đa dạng khác. Đó là các bình diện xã hội, công dân, cộng đồng, văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ...”[53] và “Cái tôi trữ tình có khả năng khái quát được những giá trị tinh thần không phải chỉ một cá nhân mà còn của cả thời đại” [53], v.v…
Quá trình vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam hiện đại ở từng chặng đường cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm theo dõi. Có thể thấy trong thơ Việt Nam từ sau năm 1975, cái tôi cá nhân, cái tôi đời tư, thế sự trở nên như một đặc trưng cơ bản của thơ. Hà Minh Đức chỉ ra nhiều hình thức biểu hiện của cái tôi trữ tình, “Có khi dạng trực tiếp của một tình cảm riêng tư, một câu chuyện, một cảnh ngộ gắn với cuộc đời riêng của người viết... Trường hợp thứ hai là cảnh ngộ, sự việc trong thơ không phải là cảnh ngộ sự việc của tác giả... Trường hợp thứ ba là những bài thơ trữ tình viết về một loại nhân vật nào đó” [21].
Qua những công trình nghiên cứu mang tính khoa học và có tính khái quát, cái tôi trữ tình là vấn đề được nhiều các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, nó đa dạng trong cách biểu hiện, bao quát đặc điểm lịch sử của thời đại, và là tiếng nói nội cảm mang tư tưởng, tình cảm và vốn văn hoá của thời đại của chủ thể trữ tình. Về thơ trữ tình, đã có nhiều công trình bàn về nó. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu như: “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” (Hà Minh Đức), “Kết cấu thơ trữ tình” (nhìn từ góc độ loại hình, trên tư liệu thơ Mới 1932 – 1945) (Phan Huy Dũng), Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam” (Nguyễn Bá Thành), “Giọng điệu trong thơ trữ tình” (Nguyễn Đăng Điệp), “Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990” (Lê Lưu Oanh) v.v..Ngoài ra, còn rất nhiều công trình nghiên cứu về các tác gia cụ thể như: “Thi pháp thơ Tố Hữu” (Trần Đình Sử), “Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng” (Nguyễn Bá Thành) v.v..
Mỗi công trình nghiên cứu lại có một góc nhìn riêng về thơ trữ tình cũng
như thơ trữ tình hiện đại Việt
Nam. Có một điểm chung là các tác giả đều nhất trí
khẳng định: cảm xúc là nét bản chất, đặc trưng làm nên nội dung chính của thơ trữ tình. Đây cũng là yếu tố để phân biệt thơ trữ tình với các thể loại văn học khác. Gắn liền với cảm xúc trữ tình là hình tượng cái tôi trữ tình. Đây được coi là khái niệm trung tâm chỉ ra bản chất chủ quan của thể loại, là yếu tố có thể gắn kết các yếu tố khác của thể loại như: đề tài cảm hứng, tư tưởng, nhân vật, hình ảnh giọng điệu, lời thơ v.v… Sự phát triển và những biểu hiện phong phú của nội dung thơ trữ tình gắn liền với sự vận động và biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình trong tiến trình lịch sử của thơ ca. Trên cơ sở miêu tả bức tranh cụ thể về loại hình cái tôi trữ tình trong từng giai đoạn lịch sử có thể thấy được sự chi phối của cái tôi trữ tình tới các nguyên tắc xây dựng thế giới nghệ thuật của thơ trữ tình.