Giọng điệu thơ Phùng Ngọc Hùng

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 82)

Trước hết, đấy là giọng trữ tình, sâu lắng

Là tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, chứa chan tình cảm với con người, với thiên nhiên vạn vật, tấm lòng trắc ẩn ấy phả vào thơ Phùng Ngọc Hùng một giọng điệu trữ tình, sâu lắng như khúc dân ca xứ Nghệ. Phải chăng, giọng điệu này cũng chính là nền tảng để thơ Phùng Ngọc Hùng dễ phổ nhạc, trở thành những bài hát trong dòng nhạc trữ tình như: Giận mà thương, Nếu như không có mẹ, Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai...

Âm hưởng dân ca thường đưa người ta vào những khúc hát nhẹ nhàng, truyền cảm, như ru lòng người, giọng điệu đó lại được kết hợp bằng những ngôn từ trong sáng, dìu dặt, cùng với những từ xưng hô rất ngọt ngào “anh”, “em” tình tứ:

Anh xa em, nghe câu dân ca

Giận mà thương sao mà tha thiết thế Ơi câu ca có từ trong lòng mẹ

Nhà thơ gọi em một cách say sưa:

Uớc gì hương gói được em ơi Để anh cất cho mùa hoa chưa nở Để mỗi lần phòng anh mở cửa Cây cũng chẳng ngờ phải không em

(Hoa Ngọc Lan)

Khi viết về mẹ, là giọng thơ đầy thiết tha, sâu lắng, thể hiện tình thương vô bờ bến và lòng biết ơn sâu sắc đối với mẹ: Nếu như không có mẹ, Tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn, Bà, Bà ru cháu ngủ...

Tiếp nối mạch nguồn của truyền thống thi ca, Phùng Ngọc Hùng sử dụng lối diễn đạt bằng thơ lục bát, vốn nhịp nhàng, đều đặn thể hiện nhịp thơ êm ái, vần thơ hiền hoà:

Ví đò đưa lúc ban trưa

Người không biết, biết ai đưa với đò Gặp đồng hương giữa câu hò

Miền quê một nhớ, một chờ một mong (Nghe hát ví đò đưa)

Bằng tâm hồn bao dung, nhà thơ muốn ôm trọn những đứa trẻ bất hạnh vào lòng mình để được nâng niu, nuôi dưỡng các em. Thơ viết cho thiếu nhi càng nhẹ nhàng, viết cho con thì thủ thỉ, như chuyện trò cùng với chúng:

Mùa thu về gửi nắng cho cha

Nhớ ánh mắt con qua sắc trời xanh thẳm Cứ đêm đêm hình dung con rõ lắm

Tháng chín con vui năm học mới đến rồi (Mùa thu và thơ cho con)

Hay nhà thơ viết để dỗ dành, để ru con ngủ:

Con ngoan của mẹ ơi

Luỹ tre đầu làng vẫn hát

Học tính đến mười thành thạo nghe con

Với các con và với trẻ, không cần phức tạp, không cần quá cầu kỳ, gai góc, sắc nhọn, cũng không gồ ghề lạnh lùng mà bằng một giọng điệu vừa nhẹ nhàng, lại ngọt ngào, nhà thơ sợ tâm hồn các em mong manh, chỉ một lòi nói nặng cũng sợ các con giật mình, sợ hãi, bởi vậy, viết cho con trẻ, giọng thơ trữ tình sâu lắng, thủ thỉ, ngọt ngào, êm ái lại được nhà thơ tận dụng triệt để trong các tác phẩm của mình.

Thứ hai, giọng điệu băn khoăn, trăn trở

Bên cạnh sự nhẹ nhàng cần thiết của một tâm hồn thơ giàu cảm xúc là sự băn khoăn trăn trở về những vấn đề của xã hội, những nỗi bất hạnh của con người… Nỗi niềm đó cũng được thể hiện thật xúc động trong thơ Phùng Ngọc Hùng.

Đó là những câu hỏi mang tâm trạng lo lắng, là nỗi trăn trở của một người sống có trách nhiệm với những tài sản văn hoá, vốn đang mai một khi xã hội hiện đại xâm thực vào cuộc sống của người dân:

Sân làng chia bán mất rồi

Trẻ con ngơ ngác đứng ngồi mà thương Bán sân đâu phải chuyện thường

Tiếng cười thì vắng, tai ương thì nhiều (Bán sân làng)

Giọng điệu băn khoăn trăn trở cùng với giọng cảm thương xuất phát từ trái tim đa cảm của Phùng Ngọc Hùng. Đấy là tình thương đối với người bà, người mẹ cả đời chịu vất vả, đau thương, hy sinh vì con cái; là nỗi xót xa và niềm tri ân những người anh của mình vốn đã hy sinh ở chiến trường; là nỗi băn khoăn trăn trở của người còn lại, luôn thương nhớ các anh dù biết hy sinh cho tổ quốc là sự hy sinh lớn lao nhất:

Mẹ đến tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn Lưng mẹ còng trên hàng mộ chí

Tấm bia nào ghi tên con của mẹ Nước mắt nhoà mẹ nhìn không rõ nữa Dòng chữ nào mẹ cũng ngỡ có tên con

Đấy còn là nỗi nhớ quê da diết khi gặp một điệu hò ở chốn tha hương, là phút giây chạnh lòng, yếu đuối của một tâm hồn giàu cảm xúc, giàu tình cảm của người con xa quê: Xa nhà thăm thẳm là trông/ Nghe câu ví bỗng mình không giống mình. Băn khoăn trăn trở còn thể hiện ở tình thương, sự cảm thông và chia sẽ với những nỗi vất vả của những người lao động, những chị hàng hoa, những người bán gánh hàng rong... Phùng Ngọc Hùng cảm thông với những số phận kém may mắn, những đứa trẻ mồ côi, tàn tật, lang thang cơ nhỡ, những người chịu cảnh đời vất vả… Những dấu chấm hỏi xuất hiện nhiều trong thơ Phùng Ngọc Hùng khiến cho giọng điệu băn khoăn trăn trở trong thơ ông càng thêm da diết, lay thức...

Thứ ba, giọng điệu suy tư, chiêm nghiệm, triết lý

Luôn băn khoăn, trăn trở với những vấn đề trong cuộc sống, nhà thơ lại khát khao tìm cho mình những câu trả lời hay đó chỉ là những hướng giải quyết… Giọng suy tư, chiêm nghiệm, đôi lúc lại triết lý về những vấn đề của cuộc sống làm cho thơ Phùng Ngọc Hùng càng thêm chất muối mặn của đời:

Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai Đó là niềm tin cũng là câu hát... Xin được nhắc ngàn lần như thế Trái đất chưa im tiếng bom rơi...

Trong tình yêu, nhà thơ luôn cắt nghĩa và lý giải mọi vấn đề bằng trái tim, nhưng không có nghĩa nó không đúng, Giận mà thương nhà thơ cũng chỉ Anh chỉ tìm thấy ở em thôi. Đúng là chỉ có em, người vợ hết mực yêu thương mới làm cho tác giả đứng ngồi không yên… Chỉ những tình cảm xuất phát từ trái tim mới khiến con người ta ứng xử bằng trái tim thay vì khối óc. Nhưng đó là ứng xử sáng suốt, chính xác nhất. Hẳn những ai đã qua thời có một tình yêu nồng cháy mới cảm nhận được thứ tình cảm “giận và thương” quay quắt như thế.

Viết về những người dân chài xóm bến, nhà thơ lại triết lý theo một cách rất độc đáo, đó là những dấu bàn chân thân thuộc, in hằn trên khắp những ngã đường mà tuổi trẻ nhà thơ từng đi qua, song có những dấu bàn chân đặc biệt:

Anh kéo lưới giúp cụ già xóm bến Phải kéo lùi bàn chân vẫn đi lên

Nhà thơ nhìn thấy và chiêm nghiệm ra sức mạnh tiềm tàng trong những người cần lao, luôn chấp nhận thử thách, chấp nhận vươn lên trong cuộc sống, đó là sức mạnh của niềm lạc quan, hướng về tương lai. Một cái nhìn hoàn toàn mới, một tinh thần đầy lạc quan, yêu đời dù trong gian khó khổ đau. Trong hình ảnh của người bà và đứa cháu nhỏ, nhà thơ nhìn thấy hai chặng của cuộc đời đang tập bước, người thì bước đi những bước đầu đời, người cũng tập bước nhưng là cuối của cuộc hành trình… Nhà thơ triết lý về sự sống còn, được mất mong manh:

Cháu gần một tuổi Bà lên tám mươi Cháu bà tập bước Đầu cuối đường đời

Mặc dù triết lý nhưng thơ vẫn trong khuôn khổ, là triết lý rất đời thường... Đôi lúc là khẩu hiệu một chút, nhưng vẫn không khô khan cứng nhắc bởi nó được chắp cánh bởi những lời thơ trong sáng, cao vút, giàu tính nhạc... Triết lý bé nhỏ, nhưng nhân văn, chỉ ra được những giá trị chân thiện mỹ ở con người, cuộc sống, chỉ ra được những thứ tình cảm vốn khó bộc bạch thành lời và khó lý giải. Có được những chiêm nghiệm, triết lý đó nhà thơ đã trải qua quá trình trải nghiệm sâu sắc, chân thật, sống bằng một trái tim nóng và khối óc tỉnh táo...

Thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc sống, thơ Phùng Ngọc Hùng mang nhiều sắc thái giọng điệu, mỗi sắc thái thể hiện một thứ tình cảm, thái độ của nhà văn với con người, với cuộc sống xung quanh. Nhiều sắc thái giọng điệu,

sự đa dạng đó chứng tỏ nhà thơ không chỉ suy nghĩ đơn giản một chiều mà nhiều chiều… Nhưng đa dạng mà thống nhất.

Ở từng bài thơ, giọng điệu được lồng ghép đan xen vào nhau tạo nên những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong giọng điệu cảm thông (Những người mẹ đã từng mồ côi/ Không chồng không con đi tìm tổ ấm/ Tưởng cuộc đời ầm thầm nín lặng/ Mẹ con sum vầy nhen nhóm niềm vui) lại xen lẫn giọng điệu băn khoăn, trăn trở (Các em như bầy chim ríu rít quanh tôi/ Đang lớn khôn bên người mẹ/ Đúng như thế sao vẫn còn đơn lẻ/ Trong mắt mọi người tôi bắt gặp sáng nay); trong giọng điệu trữ tình, sâu lắng có xen lẫn triết lý suy tư; trong giọng điệu trữ tình vẫn ẩn chứa giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm (Nếu như không có trẻ con/ Chắc hẳn người lớn buồn hơn thế này...) hay những băn khoăn, trăn trở (Đất thì thấp, trời thì cao/ Sân làng nay đã chia vào tay ai?)…

Mặc dù, trong thơ Phùng Ngọc Hùng có sự đan xen lồng ghép các giọng điệu, tạo nên như bản nhạc đa thanh nhưng giọng điệu chủ đạo, âm hưởng chính vẫn là giọng trữ tình, âm hưởng trữ tình. Giọng điệu điệu trữ tình xuyên suốt quá trình làm thơ của Phùng Ngọc Hùng. Giọng điệu này cũng chính là tiền đề để thơ ông gần hơn với nhạc. Sự êm ái, dịu dàng, du dương đó dễ “ăn nhập” với nhạc lý tạo nên những bài hát độc đáo về thiếu nhi, về tình yêu.,… Giọng điệu trữ tình là giọng điệu chủ đạo, đó là biểu hiện của sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống, là âm hưởng của thơ ca từ ngàn đời nay, khiến thơ Phùng Ngọc Hùng dù có thể để phát ngôn tư tưởng vẫn rất nhẹ nhàng, tha thiết, không khô khan, sáo, bởi trong đó có cả trái tim nhiệt tình cùng với những tình cảm chân thành và sâu sắc của người viết, của một cái tôi say đắm với tình yêu và thiết tha với tình người, tình đời…

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w