Ngôn ngữ chỉ màu sắc, âm thanh, hương vị

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 71)

Thế giới muôn màu muôn vẻ, dệt nên những bức tranh diệu kỳ của cuộc sống. Đối với con người, màu sắc, âm thanh, hương vị chính là biểu hiện của sự sống xung quanh, của thiên nhiên, đất trời. Vận dụng tối đa những gam màu của cuộc sống, những âm thanh diệu vợi của thiên nhiên và những hương vị, mùi thơm của cây quả, Phùng Ngọc Hùng lựa chọn thứ ngôn ngữ chỉ màu sắc, âm thanh, hương vị để xây dựng thế giới nghệ thuật cho thơ mình, trở thành một nét đặc trưng riêng.

Trong thơ, Phùng Ngọc Hùng sử dụng nhiều từ chỉ màu sắc, đó là màu “tang tảng sáng, màu tim tím chiều” của cầu vồng “quyện vào sắc lá xanh yêu” của cây cối trong vườn, để rồi Chắt chiu gom góp dệt thêu bốn mùa. Là màu đỏ của Mặt trời lăn tăn đỏ, màu của chùm phượng vĩ, màu vàng của hạt thóc mẩy mà: Tiếng ve xoay tròn bóng nắng/ Phượng bung sắc đỏ cho trời/

Bờ đê nghé con gọi mẹ/ Thóc vàng sáng loá sân phơi, là màu của “cát trắng”, màu của “trời xanh thẳm”, “Phượng chùm chùm trên trên núi Sam đỏ rực”, “Phượng bỗng bừng sắc đỏ”, “Bằng lăng ơi tím thế”, “Lá xấu hổ màu xanh/ Hoa xấu hổ màu hồng”,… Dễ dàng nhận thấy, màu sắc trong thơ ông rất sinh động. Đã là đỏ thì đỏ rực, vàng thì vàng sáng loá và xanh thì xanh đến tận cùng. Nhà thơ ít sử dụng màu đen, màu nâu, những gam màu tối. Thiếu nhi, các em cần một thế giới sống động, tươi mới, màu sắc tươi vui, rực rỡ. Nhà thơ muốn mang đến cho các em những gam màu mang hy vọng, màu của sự nhiệt thành, màu của những ước mơ… Trong hàng loạt màu sắc ấy, ấn tượng hơn tất cả là màu xanh:

À ơi, à ơi mẹ ru

Màu xanh ngủ với mùa thu bầu trời Bao nhiêu mắt lá non tươi

Lim dim vườn nắng ấm lời mẹ ru (Mẹ ru) Rồi:

“Cào cào giã gạo cho nhanh Mẹ may áo đỏ áo xanh cho cào”

(Mẹ ru)

Màu xanh trong những chiếc sọt tre của những em bé Xuân Thới:

“Em đan những chiếc sọt Đựng đầy nắng sớm mai Tre trúc ở Xuân Thới Biếc xanh rợp hồn người”

(Đan sọt)

Màu xanh của sự sống trỗi dậy: Bắt đầu từ lộc biếc/ Ngời xanh trong mắt người (Đầu xuân), Cỏ giàu lên trong mắt/ Biếc xanh đến ngập hồn (Cỏ trước lăng Bác). Màu xanh của chân trời như bến đậu của cánh diều tuổi thơ:

Tôi ngồi chiêm nghiệm tháng mười/ Trời xanh văn vắt, cúc tươi nhuỵ vàng (Tháng mười II).

Và hàng loạt tính từ chỉ màu xanh thật sống động: sắc lá xanh yêu, ngời xanh, xanh biếc, biếc xanh, vỗ bờ trời xanh, non tơ lộc biếc, hót cùng tươi xanh, lá môn xanh xanh, lộc non thêm biếc, núi như là xanh thêm... Tất cả những màu xanh đó nhà thơ gọi là “màu thiêng liêng”: Cây trong vườn nhiều loại/ Mỗi loài một tên riêng/ Dáng hình và sắc lá/ Nhuộm chung màu thiêng liêng/ Cây trong vướn lặng lẽ/ Tự lớn lên bao giờ/ Đơm hoa rồi kết trái/ Ngon ngọt cùng ấu thơ... Màu xanh mang đến hy vọng, là màu của lá, của sự sống đang đâm chồi nảy lộc, màu của niềm tin, nhà thơ muốn gửi gắm đến bạn đọc một tinh thần khoẻ khoắn của sắc màu xanh non, xanh biếc, đó cũng như sự xuất hiện và tồn tại của những đứa trẻ hồn nhiên trên trái đất này. Các em chính là màu xanh của cuộc đời, màu xanh của hy vọng mai sau. Qua gam màu, người đọc cũng nhận ra một nhà thơ Phùng Ngọc Hùng giàu sức sống, tràn đầy niềm tin và yêu đời.

Bên cạnh các từ chỉ màu sắc thì các từ chỉ âm thanh cũng được vận dụng khá thành công: âm thanh của những chú gà con, gà mẹ “khiếp khiếp”, “cục cục”, của tiếng chim chích “rích rích rích”, “rộn rã tiếng chim kêu”, là tiếng “thì thầm” nói chuyện cùng nhau của lá hoa, trời sao...; âm thanh “rập rình” của tiếng trống, là tiếng cười “nắc nẻ” của cháu mình, âm thanh của tiếng vỗ tay đì đẹt, rền vang, nổ giòn... Tất cả được lắng nghe như nhịp đập của cuộc sống, tạo nên một thế giới rộn rã, tươi vui trong thơ Phùng Ngọc Hùng.

Có ai trải qua tuổi thơ mà quên được những hương vị của cây trái trong vườn?. Phùng Ngọc Hùng không chỉ nắm bắt những màu sắc thiên nhiên mà còn lắng nghe những âm thanh và đưa đến cho người đọc, đặc biệt là trẻ thơ hương vị của cây trái, của hoa cỏ:

Đu đủ ngọt lim, mía thường ngọt lâu Mật ngọt sắc, xoài ngọt màu

Ngọt cam, ngọt bưởi nhớ câu mặn mà Chôm chôm vú sữa hồng na

Lặng im quả đọng lời ca nắng vàng Quýt mơ chua ngọt dở dang

Nửa phần chanh, nửa phần cam nửa phần Khế me treo dấm trên cành

Có bao đứa trẻ đi rình tìm nhau

(Hương vị của cây)

Hay vị chua của cây sấu Hà Nội:

Me sấu vào mùa chua Chúng mình vào mùa nhớ

(Hà Nội vào hè)

Và những mùi thơm rất đặc trưng của những loài hoa:

Trời thu chẳng của riêng ai Gió se se lạnh bờ vai một người Bâng khuâng hoa sữa lưng trời

Hương thơm níu giữ tháng mười cho nhau (Tháng mười I)

Tháng ba mùa sấu ra hoa

Hương thơm dìu dịu món quà trời cho (Tháng ba hoa sấu)

Màu sắc, âm thanh, hương vị đã tạo nên một thế giới thơ Phùng Ngọc Hùng đặc sắc, đa màu đa thanh, như bức tranh tươi vui của cuộc sống, tạo nên một thế giới vừa thực, vừa như mơ, không chỉ cho trẻ con mà còn dẫn dụ cả những người đã qua thời con trẻ bước vào thế giới đó. Sự vận dụng khéo léo ngôn từ chỉ các gam màu, âm thanh và hương vị khiến cho thơ Phùng Ngọc (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hùng luôn tươi tắn, trong trẻo và tràn đầy sức sống.

Trong vận dụng sáng tạo ngôn ngữ thơ, Phùng Ngọc Hùng còn kết hợp những các biện pháp như: sử dụng các từ láy, kết hợp với đảo ngữ tạo nên những từ ngữ lạ, sự “lạ hóa” ngôn từ là một cách thể hiện cảm xúc của mình:

sóng sánh mây, sóng sánh trời, nặng nhẹ nụ cười, ngày lung linh, lõm đất,

chiều ngơ ngác, dĩa lá, rung rinh nắng, lung linh trời...

Là một nhà thơ hiện đại, với cái nhìn đa chiều về cuộc sống, Phùng Ngọc Hùng quan tâm đến những vấn đề của xã hội với những trăn trở, băn khoăn trước những cảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ… Thơ Phùng Ngọc Hùng không chỉ có những vần thơ êm ái, dịu dàng mà còn đó những vần thơ đầy tâm trạng xót xa, thương cảm.

Để thể hiện được điều đó, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, nhà thơ còn sử dụng ngôn ngữ kể như là một yếu tố để có thể trực tiếp nói hết hiện thực:

Lời rao như là bán mình/ Nhưng không phải/ Mà để sống/ Ai bánh mì/ Gạo rượu thuốc tẩy/ Lẫn vào đời/ Xoáy vào trời đất/ Lời rao ở lại/ Cả gánh xu hào/ Ngang giá một lon bia/ Người rao/ Như bán mình/ Để sống (Lời rao)

Sự vất vả của cuộc sống thường nhật, sự ngang giá giữa “gánh xu hào” và “một lon bia” khiến cho người đọc thấy nỗi vất vả và mệt nhọc chồng chất lên nhau, để thấy xã hội còn nhiều thứ cần phải “sắp xếp” lại…

Khi viết cho các em nhỏ những câu chuyện cổ tích, hay những sự vật xung quanh, ngôn ngữ kể đã được nhà thơ phát huy tác dụng. Có thể nhận ra ngôn ngữ kể trong các bài thơ: Đôi cánh, Lưỡi, Chùa Tiên, Giếng tiên; Ngày xửa ngày xưa, Thiên tướng...

Ngôn từ chính là chất liệu của thơ, vận dụng ngôn từ thành công, phong phú và đa dạng để cấu thành tác phẩm nghệ thuật sẽ mang lại giá trị cho mỗi

tác phẩm. Nhà thơ càng am hiểu cuộc sống, có vốn kiến thức rộng lớn sẽ có những sự vận dụng sâu sắc, linh hoạt và phong phú, vừa giữ gìn được bản sắc tiếng Việt, vừa làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Thơ Phùng Ngọc Hùng không quá cách tân về ngôn ngữ, ông chọn con đường giữ gìn và phát huy những giá trị hiện có của ngôn ngữ tiếng Việt. Vừa là đặc trưng thơ thiếu nhi, vừa mang âm hưởng trữ tình nên ngôn ngữ thơ Phùng Ngọc Hùng gần gũi, trong sáng, giản dị như thanh âm của cuộc sống, đó là vốn quý đáng trân trọng của một nhà thơ hiện đại.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 71)