Các dạng cấu tứ trong thơ Phùng Ngọc Hùng 1 Khái niệm cấu tứ

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 57 - 58)

3.1.1. Khái niệm cấu tứ

Khái niệm cấu tứ (tứ thơ) xuất hiện cách đây đã hơn một nghìn năm (trong chương Thần tứ ở tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp). Qua các công trình và các bài viết của nhiều tác giả về tứ thơ như Thẩm Nhân Khang, Hoàng Bội Ngọc (Trung Quốc), Xuân Diệu (Tìm tứ cho một bài thơ), Hà Mình Đức (Vấn đề sáng tạo tứ thơ), Nguyễn Xuân Nam với Suy nghĩ về thơ, Phan Huy Dũng (Tứ thơ - hạt nhân kết cấu của hình tượng thơ trữ tình)... có thể thấy đã có những kiến giải nhất định về tứ thơ.

Trong bài viết “Tứ thơ - hạt nhân kết cấu của hình tượng thơ trữ tình”, PGS.TS Phan Huy Dũng đã chỉ ra những khía cạnh liên quan đến tứ thơ: vai trò của tứ, trạng thái tồn tại của tứ, cấu trúc của tứ, các cấp độ của tứ, loại hình tứ, tính phổ quát của hiện tượng tứ… Theo Phan Huy Dũng, “tứ thơ là hạt nhân kết cấu hình tượng thơ trữ tình, hạt nhân tức là nằm ở vị trí trung tâm của quá trình sáng tạo thi ca, chi phối sự liên kết tất cả các yếu tố của bài thơ lại thành một chỉnh thể thống nhất. Tứ thơ chính là chất kết dính, là sợi dây xâu chuỗi các ý, hình ảnh, cảm xúc tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Tứ thơ vừa có tính chất “khải thị” giúp nhà thơ trong một phút giây nào đó phát hiện được bản thân và bản chất của thế giới vừa quy định sáng tạo của nhà

thơ”[16]. Nói đến tầm quan trọng của tứ thơ, Xuân Diệu viết “Ngôn từ, lời, chữ vần rất quan trọng. Nhưng đó là cái quan trọng thứ hai. Cái quan trọng thứ nhất, làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài”[16], tìm được tứ thơ tức là tìm được chiếc chìa khoá để mở hết các cánh của dẫn vào thế giới nghệ thuật của một bài thơ.

Tuy nhiên, nói như Chế Lan Viên “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”… Để có tứ thơ, người làm thơ buộc phải có vốn sống, kinh nghiệm, cảm xúc phong phú và có bề dày ngôn ngữ mới mong có được những tứ thơ hay, xuất thần, tạo nên những thi phẩm hoàn chỉnh. “Tứ thơ không phải chỉ được tạo nên bằng một cảm xúc, một tưởng tượng chân thực mà nó có sự đóng góp trực tiếp của năng lực phân tích, suy luận” (Hà Minh Đức). Và “cả ba mặt cảm xúc, liên tưởng suy luận là nền tảng của tứ thơ, thống nhất với nhau làm một trong tứ thơ, để đến lượt nó, tứ thơ trở thành một động lực lớn bên trong, thôi thúc nhà thơ sáng tạo hình tượng thơ - tức là cái mà người đọc có thể tri giác được thông qua các phương tiện ngôn từ”[16]. Như vậy, để làm thơ, nhà thơ buộc phải có sự liên tưởng, điều đó chỉ có thể có được nhờ cảm xúc và suy luận, mới mong tìm ra tứ.

Là hạt nhân kết cấu của hình tượng thơ trữ tình, tứ thơ cũng tồn tại ở nhiều cấp độ, tương ứng với các cấp độ hình tượng. Vì vậy, tứ thơ tồn tại nhiều dạng trong một bài thơ: tứ thơ có thể là tứ lớn toàn bài, xuyên suốt cả bài thơ từ đầu tới cuối, có khi tứ thơ của cả bài lại được thể hiện trong một câu, một khổ nào đó của bài thơ. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của dạng tứ cục bộ của từng đoạn, từng khổ, thậm chí trong từng câu. Nhưng không phải lúc nào tứ trong từng đoạn, từng khổ, hay trong một câu lại là tứ của cả bài, nó chỉ là tứ của khổ, của đoạn hay của câu đó. Tứ cục bộ cho phép người đọc thơ cảm nhận tứ ở cấp độ nhỏ hơn tứ của toàn bài.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 57 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w