Mỗi tập thơ, tác giả luôn tìm một tên gọi để đặt cho hệ thống các bài thơ trong đó, nó như một dạng tứ lớn cho toàn tập, hay nói cách khác, tên gọi của tập thơ là sợi chỉ đỏ kết nối, xâu chuỗi các bài thơ lại để thể hiện dụng ý nhà văn đã đưa ra từ đầu. Việc đặt tên và sự sắp đặt của từng tập thơ đều có dụng ý của tác giả. Ý thức được điều đó, Phùng Ngọc Hùng đã chọn những cách đặt tên cho từng tập thơ một cách có chọn lọc và có dụng ý của mình.
Mỗi tập thơ, nhà thơ lựa chọn một nhan đề của bài thơ trong tập đó nhưng nó có tính khái quát, thể hiện tinh thần của tập thơ: May áo cho mèo,
Ngày xửa ngày xưa, Trẻ em và biển là ba tập thơ chủ yếu viết cho thiếu nhi, lựa chọn những cái tên dễ thương, giản dị, mở ra cho các em sự tưởng tượng gần gũi, thân quen để bước vào khám phá những bài thơ khác một cách tự nhiên. Mỗi tên gọi là một bài thơ mà khi lần giở các em sẽ vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp bài thơ mang tên gọi của cả tập thơ.
Khoảng trời thầm là tập thơ có giá trị khai thác về nghệ thuật đằng sau những tập thơ viết cho con trẻ. Đúng như tên gọi, nó là một khoảng trời thầm: nhỏ nhẹ, đậm chất triết lý lãng mạn, rất riêng của Phùng Ngọc Hùng, đó cũng như một khám phá mới về tâm hồn nhà thơ của thiếu nhi này nếu ai từng lần giở. Một nhà thơ hướng nội, dạt dào tình cảm và chan chứa yêu thương.
Mùa thơ Hà Nội lại cho người đọc sự tưởng tượng trước hết về một Hà Nội nên thơ, Hà Nội vào những mùa dễ khiến người ta xúc động, bùi ngùi. Cũng chính vì vậy, trong tập thơ Mùa thơ Hà Nội, người đọc dễ bắt gặp ngọn
gió heo may của mùa thu, những con sóng lăn tăn của Hồ Tây sương khói, màu hoa của Hà Nội với sắc đào ngày xuân, me sấu ngày hạ, ngọt ngào hoa sữa của phố phường và bắt gặp những nỗi nhớ của con người vào mùa đông...
Sự sắp đặt có dụng ý đã mang đến cho những tập thơ tính chỉnh thể nhất định, không quá cầu kỳ, kiểu cách mà nhẹ nhàng, ý nghĩa, sâu sắc giống như mỗi bài thơ nhà thơ mang lại cho độc giả.