Thiên nhiên là một trong những hình tượng được rất nhiều thi sĩ lựa chọn trong sáng tác của mình, qua thiên nhiên, người đọc có thể thấy tâm hồn nhà thơ đối với thế giới xung quanh, quan niệm thẫm mỹ của thi nhân cũng như tư tưởng, tình cảm của người nghệ sỹ.
Nếu như trong thơ cổ điển, hình tượng thiên nhiên được nói đến đó là tùng trúc cúc mai, đại điện cho vẻ đẹp của người quân tử, thiên nhiên được miêu tả bằng nét bút chấm phá điểm nhãn: Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa... Trong thơ mới, hình tượng thiên nhiên được giải phóng, thi nhân say đắm cảnh vật, thiết tha rạo rực với đời và thiên nhiên cũng nhuốm màu tâm trạng: ly hương, mất nước... Trong thơ đương đại, thiên nhiên trở thành người bạn tri giao, thể hiện tâm trạng của thi sỹ, thiên nhiên đẹp, quyến rũ, các thi nhân lựa chọn thiên nhiên để ca ngợi nét đẹp, sức sống của đất nước. Thiên nhiên cũng được lấy làm biểu tượng để miêu tả những xúc cảm của con người trong thơ đương đại.
Thiên nhiên trong thơ Phùng Ngọc Hùng được đề cập hầu hết các tập thơ trong sự nghiệp sáng tác của ông, thiên nhiên trước hết là bầu bạn của con người, là bạn của những đứa trẻ, của những tâm hồn thi sỹ lúc cô đơn, lúc nỗi nhớ ngập tràn.
Hình tượng thiên nhiên hiện lên trong thơ Phùng Ngọc Hùng có thể thấy trước hết là hình ảnh vùng quê biển êm đềm, là cát trắng, bầu trời trong xanh nơi quê hương Cửa Lò, Nghệ An. Biển xuất hiện trong thơ Phùng Ngọc Hùng là nơi nhà thơ sinh ra, vừa ấm áp, vừa lạ lẫm, nhưng lại thân thuộc: Mẹ sinh con ở biển/Muối thấm vào mồ hôi/ Từng giọt nước mắt rơi/ Cũng là từng giọt muối.... Biển gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ, hát khúc hát của những con sóng: Quê em có Cửa Lò/ Bốn mùa con sóng vỗ/ Chẳng bao giờ sóng ngủ/ Hát ru bờ biển xanh. (Cứa Lò quê em). Biển trong thơ Phùng Ngọc Hùng không có lúc dịu dàng như một người thiếu nữ, có khi lại hầm hồ dữ tợn trong những cơn gió: Gió/ Bạt áo người/ Bợt cánh buồm/ Tơi tả về đâu/ Gió mượt mà phi lau/ Cát in hình sóng/ Mắt người màu biển động…(Gió). Thiên nhiên gắn với biển là gắn với nỗi nhớ quê, là niềm tự hào về quê hương, đó cũng chính là tình cảm mà nhà thơ gửi gắm về nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Hình ảnh thiên nhiên xuất hiện nhiều trong thơ Phùng Ngọc Hùng còn là những vầng trăng đẹp, trăng vừa là bạn của những đứa trẻ, vừa là hình ảnh tượng trưng cho sự long lanh, ánh sáng kỳ diệu của màn đêm, vừa là những gương mặt của trẻ thơ. Có lúc, ánh trăng lẻ loi giữa trời khuya, nhìn thấy đàn
cá rước đèn lung linh nước: Cô đơn không chịu được/ Trăng hoà vào biển khơi. Có lúc mặt trăng lại: Bé giấu mặt trăng/ Vào trong trái bưởi/ Trăng không chịu nổi/ Đã bay lên trời/ Trăng chia ánh sáng/ Đều khắp nơi nơi… Sự chan hoà của những yếu tố thiên nhiên khiến cho thơ Phùng Ngọc Hùng luôn có sự giao hoà, tương đồng về cảnh vật và tâm trạng, tạo nên những bức tranh sống động về cảnh vật, nó không tĩnh tại, khép kín mà luôn muốn mở rộng biên độ, giao thoa lẫn nhau.
Thiên nhiên trong thơ ông là lời thì thầm của cây lá hoa trời và sao:
Gió thì thầm với lá Lá thì thầm cùng cây Và hoa và ong bướm Thì thầm điều chi đây? Trời mênh mông đến vậy Đang thì thầm với sao Sao trời tưởng im lặng Lại thì thầm cùng nhau...
(Thì thầm)
Bài thơ viết cho các em thiếu nhi, tuy giản dị nhưng cho thấy một cái nhìn mang giá trị thẩm mỹ của nhà thơ với thiên nhiên, nhà thơ không đao to búa lớn kêu gọi bảo vệ thiên nhiên mà nhỏ nhẹ, thì thầm với người đọc rằng, hãy lắng nghe sự linh diệu của thiên nhiên, chúng đang nói, đang thì thầm với nhau như con người, đó là cảm thức nhạy cảm của nhà thơ trước cảnh vật, đồng thời nhà thơ rất trân trọng, tôn trọng thiên nhiên, một cách ứng xử mang tính nhân văn của nhà thơ trước thiên nhiên.
Bên cạnh việc miêu tả những hình tượng thiên nhiên bằng các hình ảnh, Phùng Ngọc Hùng còn chú ý đến những đặc trưng của vùng miền, những nét thiên nhiên đặc trưng của Hà Nội đi vào thơ một cách tự nhiên, tinh tế. Nhà
thơ say sưa ngắm cảnh vật, tận hưởng không khí của miền quê đang sống. Khác với nhà thơ trung đại, mùa thu không còn tĩnh mịch như thơ thu Nguyễn Khuyến, cũng không còn buồn như trong thơ mới của Xuân Diệu, mùa thu trong thơ Phùng Ngọc Hùng nhẹ nhàng, thanh thoát và gần gũi: Hà Nội vào thu/ Ngọn gió đổi mùa/ Khẽ lay trang giấy. Mùa thu đến kéo theo những ngọn gió “se se”, “hiu hiu gió”, “hiu hiu trời”, là mùa mà: Lá sấu vàng như nắng rắc rơi, mùa thu cũng là lúc: Với mùa người ta thương nhau/ Cốm non bùi dẻo sắc màu xanh yêu, mùa thu cũng hiện lên với những ánh nắng dịu dàng:
Ở trong tia nắng/ Và sắc biếc trời/ Nhuỵ vàng hoa cúc/ Bướm vờn rơi rơi (Mùa thu). Mùa thu trên đất nước Việt Nam, miền đất nhiệt đới, tạo không ít những thi phẩm nổi tiếng trong làng văn học, nhưng mỗi nhà thơ lại chọn cách thể hiện rất riêng. Nói đến thu trong thơ Phùng Ngọc Hùng, người ta nghĩ ngay đến thu Hà Nội:
Trời thu chẳng của riêng ai Gió se se lạnh bờ vai một người Bâng khuâng hoa sữa lưng trời
Hương thơm níu giữ tháng mười cho nhau (Tháng mười 1)
Dù là thu chẳng của riêng ai, nó trải đều khắp mọi ngã, nhưng chỉ ở Hà Nội, người ta mới thấy thơm lừng mùi hoa sữa, mùi hoa đặc trưng cho mùa thu Hà Nội. Nắm được nét đặc trưng, hấp dẫn riêng của vùng đất Hà thành nên thơ Phùng Ngọc Hùng viết về Hà Nội khiến người ta cảm thấy yêu mến mảnh đất nên thơ này nhiều hơn.
Hà Nội- thủ đô của đất nước, hội tụ những nét văn hoá độc đáo cũng như được làm nên bởi những loài cây cỏ, hoa lá đẹp đẽ. Đọc thơ Phùng Ngọc Hùng, người đọc dễ dàng bắt gặp những loài cây và hoa đặc trưng: sấu, hoa sữa, bằng lăng, hoa đào, hoa ngọc lan, và muôn vàn loài hoa trong phiên chợ hoa; những địa danh quen thuộc: Hồ Tây, Văn Miếu, thành cổ Hà Nội… Đó là
những loài hoa, những địa danh mang nét văn hoá dân tộc rất đặc trưng mà hễ nhắc đến là người đọc nhận ra ngay một Hà Nội rất thân quen, dù cho họ ở cách xa thủ đô tổ quốc đến mấy.
Có thể nói, thiên nhiên mang tinh thần, hồn cốt con người, khi diễn tả thiên nhiên, thi nhân như hoà mình trong đó, trước là để ngắm nghía, sau là để cảm nhận và bày tỏ cảm xúc, nhắn gửi tâm tình. Bằng một tình yêu thiên nhiên tha thiết, một cái tôi gắn bó với quê hương đất nước, qua thiên nhiên, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên bằng những hình ảnh giản dị, gần gũi, chân thực về thiên nhiên, xây dựng hình tượng thiên nhiên mang những đặc trưng riêng của Hà Nội, nhà thơ muốn ngợi ca vẻ đẹp của mảnh đất là thủ đô đất nước.
Chương 3