Hình tượng người phụ nữ

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 47)

Có nhà thơ đã từng viết những câu thơ rất nổi tiếng về người phụ nữ:

Trời không ánh nắng hoa nào nở/ Dạ vắng yêu thương những cảnh sầu/ Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ/ Anh hùng thi sỹ hỏi còn đâu?. Người phụ nữ từ xa xưa đến nay luôn khơi nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thi sỹ, nhạc sỹ, bởi lẽ, mỗi người phụ nữ luôn là một tác phẩm đẹp mà tạo hoá ban tặng thế giới này.

Xuất hiện trong thơ văn, phần lớn hình tượng người phụ nữ luôn đẹp, không cách này thì cách khác, họ luôn được miêu tả vẻ đẹp từ hình thức cho đến tâm hồn. Vốn người phụ nữ có được cái nhìn ưu ái, nâng niu đó là do hình tượng người phụ nữ được lấy cảm hứng từ những người con gái ngoài đời thực, là người con, người em, người chị, người mẹ, người bà và cả người yêu... của văn nhân, thi nhân đã luôn lo lắng, hy sinh cho gia đình, người thân, và cho chính họ.

Ca dao xưa ca tụng người phụ nữ vừa đẹp: Cổ tay em trắng như ngà/ Đôi mắt em sắc như là dao cau, lại là những người vợ luôn hy sinh cho chồng, cho con dù da mềm tay yếu: Vì chồng em phải gắng công/ Nào em da sắt mình đồng chi đây.

Đến thơ ca trung đại Việt Nam, do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, chế độ phong kiến chi phối cuộc sống khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Có thể thấy hình ảnh người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm, người thiếu phụ đẹp nhưng lại

đau khổ trong nỗi nhớ chồng tha thiết khi chồng tham gia chiến tranh. Họ vẫn đẹp, vẻ đẹp “chim sa cá lặn”, đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, không những đẹp, người phụ nữ còn “Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”, nổi bật là hình ảnh chị em Thuý Kiều, Thuý Vân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mặc dù tài sắc vẹn toàn nhưng những người phụ nữ ấy lại bạc phận, ba chìm bảy nổi trong cuộc đời. Với thái độ bênh vực người phụ nữ, Nguyễn Du xây dựng hình tượng người phụ nữ đẹp mặn mà, sắc sảo nhưng không thoát ly thực tại, họ vẫn phải chịu sự chi phối của chế độ phong kiến hà khắc, chà đạp, bóp nghẹt và kìm hãm những ước mơ, quyền sống của họ nên cuộc đời của những người con gái tài sắc vẹn toàn ấy rơi từ nỗi đau này đến nỗi đau khác. Thơ Hồ Xuân Hương cũng viết nhiều về người phụ nữ, những người phụ nữ luôn có thái độ muốn chống lại sự trói buộc, chà đạp của xã hội phong kiến nghiệt ngã kìm hãm những ước mơ của họ, vì thế họ luôn rơi vào trạng thái đau đớn, vật vã, bi kịch: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non bởi chế độ chưa cho phép người phụ nữ khẳng định mình. Vì vậy, người phụ nữ trong thơ ca cổ điển mang vẻ đẹp đài các, kiêu sa, là những tiểu thư, những cung nữ, thi thoảng lại có hình ảnh người vợ đảm đang chịu khó, hy sinh cho chồng cho con như ở thơ Tú Xương nhưng tất cả dường như luôn phải chịu thiệt thòi, không dám mơ hạnh phúc cho bản thân, luôn chịu những đắng cay, thiệt thòi.

Bước sang thơ ca Việt Nam hiện đại, hình tượng người con gái xuất hiện trong thơ ca mang nét đẹp dịu dàng, giản dị, sống cuộc sống rất đời thường và hưởng hạnh phúc mà vốn dĩ họ đáng được hưởng. Đó là cô gái trong thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử...

Khi xã hội chuyển mình, đất nước bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, số phận con người thay đổi, hình ảnh người phụ nữ bước vào thơ hiện đại không còn yếu đuối, nhỏ bé lặng thầm, họ hiện lên như những tượng đài bất tử với những hy sinh, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ đấu tranh chống

kẻ thù để giữ gìn độc lập tự do hạnh phúc của đất nước. Những người phụ nữ không những khoẻ khoắn, rắn rỏi mà còn là những cô gái thanh niên xung phong “mình đồng da sắt”, là những khoảng trời đầy tự hào dù ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em toả sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hoá thành những làn mây trắng...(Khoảng trời – hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ). Những người phụ nữ kiên gan bền chí, những mẹ Tơm, mẹ Suốt lặng thầm hy sinh cho sự nghiệp của toàn dân tộc, xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhà thơ Huy Cận trong bài thơ Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam (1966) viết: Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử/ Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ, họ chính là khúc hát hào hùng, là ánh nắng chói ngời những trang lịch sử vẻ vang của đất nước, và họ cũng cũng chính là nguồn cảm hứng tạo nên những tác phẩm hay và đẹp.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh người mẹ, người vợ, cô con gái bé bỏng yêu thương... mà hình tượng người phụ nữ trong thơ Phùng Ngọc Hùng gây nhiều ấn tượng đáng nhớ.

Có thể thấy, người phụ nữ hiện lên đầy ám ảnh, gây xúc động khi đọc thơ Phùng Ngọc Hùng là người mẹ. Phùng Ngọc Hùng là người con trong gia đình cách mạng, hai anh trai hy sinh ở chiến trường không tìm được mộ nên hơn ai hết, nhà thơ thấu hiểu nỗi đau của người mẹ phải chịu đựng. Khi khắc hoạ người mẹ, Phùng Ngọc Hùng dành những tình cảm thiêng liêng, với lòng biết ơn vô hạn: Nếu như không có mẹ/ Làm sao có chúng con/ Nếu như không có mẹ/ Mặt đất kia chẳng còn.... Mẹ xuất hiện trong thơ Phùng Ngọc Hùng luôn âm thầm lặng lẽ lo lắng cho con, không chút thở than: Có một thời gian tròn/In hình vào tóc mẹ/ Chỉ đêm là thấy được/ Âm thầm mẹ lặng xem. Mẹ là người sinh ra và nuôi lớn nhà thơ, nhưng với nhà thơ, mẹ luôn là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, không bao giờ thở than, luôn âm thầm, lặng lẽ hy

sinh cho hạnh phúc của con cái.

Hình ảnh mẹ trong thơ Phùng Ngọc Hùng khiến người ta ám ảnh không phải ở hình dáng mà ở tinh thần, hình ảnh bà mẹ luôn chịu đựng nỗi đau mất những đứa con: Có một thời gian tròn/ Trên mộ người lính trẻ/ Chỉ cỏ là biết được/ Bước chân mẹ mòn đi. Mẹ trong thơ ông là người mẹ cụ thể, mỗi lần đến nghĩa trang liệt sỹ với mẹ, nhà thơ không khỏi xót xa khi đi bên cạnh bà và thấy: Nước mắt nhoà mẹ nhìn không rõ nữa/ Dòng chữ nào mẹ cũng ngỡ có tên con, đó là những hình ảnh rất chân thực, rõ nét, cụ thể. Dù vậy, hình tượng người mẹ không chỉ cụ thể, mà đó còn là hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời đi tìm con mỏi mòn sau những trận chiến: Mẹ đến tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn/ Lưng mẹ còng trên hàng mộ chí dù biết, con sẽ không bao giờ về. Cả đời vất vả, cho đến tận tuổi già, mẹ vẫn âm thầm làm bóng mát bao bọc, che chở cho con mình trước những hàng mộ chí:

Mẹ lặng nhìn hàng mộ chí không tên/ Bóng mẹ nhoà trong bóng thông bóng núi. Sự ám ảnh người đọc không chỉ ở nỗi đau trên thể xác mà ở tận cõi sâu trong tinh thần, nỗi đau đó không gì có thể đánh đổi được khi đến mộ con mẹ nhưng vẫn không biết ở đâu, mẹ chỉ tìm thấy con, từng đứa một trên hàng mộ chí không tên. Nhưng dù cho bao gian khó đè nặng, bao mất mát đau thương, dẫu cho tấm thân gầy yếu, mẹ vẫn luôn là người phụ nữ vững vàng, tiềm tàng một sức mạnh lớn lao: Mẹ đến tìm con nhưng gặp lại mình/ Bao vất vả suốt đời mẹ chịu/ Đôi vai gầy đòn gánh đè nặng trĩu/ Mẹ đứng lên gánh cả trời chiều (Tìm con ở nghĩa trang Trường Sơn). Bởi vậy, khi đọc thơ Phùng Ngọc Hùng, hình ảnh người mẹ lại ám ảnh người đọc bởi sự mất mát là quá lớn, mẹ trong thơ ông cũng là hình ảnh phản chiếu những bà mẹ Việt Nam anh hùng vĩ đại của dân tộc.

Bên cạnh hình ảnh mẹ, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng vốn có một người yêu và sau này cũng là người vợ mang tên loài hoa đẹp, hoa Ngọc Lan. Bà vừa xinh đẹp lại rất dịu dàng, đó là “bóng hồng” xuyên suốt những vần thơ

viết về nhân vật em của Phùng Ngọc Hùng. Ở nhân vật em toát lên một sự đáng yêu, hồn nhiên: Mặt trời đã thức/ Em đang ngủ/ Anh nửa tỉnh nửa mê/ Nắng tràn trề/ Lên môi lên má/ Dưới mặt trời/ Em ngủ hồn nhiên/ Như cây như lá (Ngủ dưới mặt trời - Khoảng trời thầm) và trẻ trung, tươi mới Có một chiều Hà Nội là em/ Anh nghĩ thầm như thế/ Đôi mắt trẻ đựng bầu trời rất trẻ/ Và nụ cười sóng sánh hồ Tây (Có một chiều Hà Nội là em - Mùa thơ Hà Nội). Nhân vật em, một người con gái mang đậm chất miền Trung xứ Nghệ, yêu ghét rõ ràng, nhưng lại vô cùng ấm áp và chín chắn, không đỏng đảnh như những cô gái mới lớn, không giận hờn vu vơ kiểu trẻ con, mà đảm đang, tháo vát song vẫn lãng mạn vô cùng. Những vần thơ duyên dáng nhà thơ viết về người phụ nữ ấy được nhạc sỹ Trần Hoàn lấy ca từ phổ thành nhạc phẩm

Giận mà thương nổi tiếng: Anh xa em nghe câu dân ca/ Giận mà thương sao mà da diết thế/.../ Một nắng hai sương đội trời đạp đất/ Bao vất vả bàn tay em lo hết/ Bao đổi thay anh chưa thể hiểu/ Ơi câu ca rằng giận mà thương...

(Giận mà thương - Khoảng trời thầm). Nhân vật em cũng là người con gái dịu dàng, hiền hậu, là điểm tựa tinh thần, cũng là cánh tay đắc lực hỗ trợ cho người chồng, gánh vác bổn phận làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy các con lớn khôn khi chồng đi vắng. Hình ảnh người yêu, cũng là vợ đã tạo nên những cảm xúc đẹp để nhà thơ sáng tác những thi phẩm hay dành tặng người mình yêu dù thời gian bao la, không gian cách trở và những khó khăn của đời sống thường ngày.

Hình ảnh người bà - cũng chính là mẹ tác giả và là bà của những đứa con nhà thơ, hình ảnh bà rất đời thường chân thực như trong chính cuộc sống, bà luôn bên cạnh chăm lo cho cháu mình. Bọn trẻ con thì hiếu động, còn người lớn bận làm việc, hình ảnh bà trong thơ Phùng Ngọc Hùng lại gây xúc động cho người đọc, đó là sự cô đơn, mong ngóng: Nhắc nhiều lần cháu vẫn đi chơi/ Lứa tuổi ấy nhắc hoài vẫn thế/ Bà cặm cụi với căn nhà lặng lẽ/ Mong cháu bên mình bớt chút đơn côi (Bà)... những vần thơ như thế một lần nữa nhắc nhở chúng ta có trách nhiệm và luôn dành thời gian quan tâm đến những

người mẹ, người bà luôn khao khát tình cảm, sự quan tâm của con cháu. Hình ảnh người bà được tác giả viết nhiều trong các bài thơ Lẳng lặng bà, Bà ru cháu, Bà, Chị gánh vườn đi...

Cô con gái bé bỏng đáng yêu cũng là hình tượng người phụ nữ dễ thương trong thơ Phùng Ngọc Hùng, những thiên thần đang lớn dần để trở thành những người phụ nữ dịu dàng, những nàng thơ của lớp thi sỹ trẻ sau này được nhà thơ đặc biệt yêu thương, lo lắng.

Người phụ nữ bán hàng rong, những người phụ nữ không đẹp kiêu sa, không ngát hương như nhân vật em nhưng lại tạo một cảm giác khắc khoải, đầy cảm thương, lam lũ, chịu khó. Là một trái tim đa cảm, Phùng Ngọc Hùng xót xa trước sự vất vả của những người phụ nữ chân yếu tay mềm, phải bận bịu lo toan, khản tiếng rao để giành giật miếng cơm manh áo lo toan cho gia đình.

Có thể thấy, khi nhà thơ Phùng Ngọc Hùng viết về người phụ nữ, ông ít khi miêu tả vẻ đẹp hình thể của họ mà chỉ tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp tâm hồn, tính cách. Nhà thơ dành những tình cảm đẹp, những vần thơ biết ơn, ca ngợi đầy tự hào người mẹ suốt đời hy sinh cho con cái, cho tổ quốc. Ca ngợi người phụ nữ đảm đang, dịu dàng, đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, người phụ nữ mang đặc trưng của xứ Nghệ: giận mà thương rõ ràng, sâu sắc, chắc chắn, lam lũ, kiên cường và mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng (Trang 47)