Công tác giao đất lâm nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả công tác giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1995 đến 2010 (Trang 29 - 31)

4. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI

1.3.4.Công tác giao đất lâm nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn

Thực tế từ năm 1993, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung đã được giao đất giao rừng theo Nghị định số 02/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ dân đều đã được cấp Hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng đất rừng (sổ bìa xanh).

Canh tác trên nương rẫy là một tập quán của đồng bào vùng cao ở Lạng Sơn nhằm giải quyết nhu cầu lương thực có hạt tại chỗ, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nhanh chóng diện tích rừng tự nhiên, làm biến đổi môi trường sống. Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2204/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư hỗ trợ người dân miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy không những có ý

nghĩa quan trọng về khai thác tiềm năng kinh tế đồi rừng mà còn có tác động rất lớn về mặt xã hội và phục hồi môi trường sinh thái.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 13 nghìn ha đất rừng đã sử dụng làm nương rẫy, trong đó có 8.483ha nương rẫy của cư dân nằm trong quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Việc canh tác nương rẫy của đồng bào chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu định hướng nên diện tích bị xói mòn nghiêm trọng, đất đai bị thoái hóa càng làm cho diện tích nương rẫy mới tăng lên, chất lượng cây trồng thấp và sản lượng giảm dần, dẫn đến canh tác không bền vững, giá trị ngày công lao động thấp. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy gây suy giảm khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường và là một trong những nguyên nhân lớn gây nên lũ lụt, sạt lở đất vào những tháng mùa mưa, gây cháy rừng vào những tháng mùa khô. Đây cũng là một trong những yếu tố hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của các địa phương trong tỉnh.

Để giúp người dân miền núi thay đổi tập quán canh tác thiếu bền vững và tạo điều kiện về nguồn vốn cho nhân dân chuyển đổi nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng. Năm 2010, dự án đã được triển khai trên diện tích được lựa chọn chuyển đổi sang trồng rừng là 8.000ha nương rẫy có giá trị canh tác thấp, phân bố trên địa bàn của 95 xã thuộc 10 huyện, thành phố, trong đó có 8.078ha rừng sản xuất và 405ha rừng phòng hộ để người dân kịp thời trồng rừng vụ xuân năm 2010. Các hộ tham gia dự án được hưởng suất đầu tư tương tự như suất đầu tư của các nội dung trong Dự án 661, cụ thể là đối với trồng rừng sản xuất, suất hỗ trợ đầu tư là 2 triệu đồng/ha và 10 triệu đồng/ha đối với chuyển đổi sang trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ kỹ thuật khuyến lâm với mức 200 nghìn đồng/ha/năm trong thời gian 3 năm. Ngoài ra các hộ gia đình tham gia dự án còn được hỗ trợ gạo với mức không quá 700 kg/ha/năm, thời gian hỗ trợ từ 3 - 5 năm. Đây là một mức hỗ trợ khá hấp dẫn để khuyến khích người dân, đảm bảo được đời sống của các hộ gia đình trong

thời gian chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng, thúc đẩy phong trào trồng rừng phát triển nhanh và bền vững, đồng thời tạo cơ hội cho người dân có tài sản giá trị trên diện tích nương rẫy [16].

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả công tác giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1995 đến 2010 (Trang 29 - 31)