Thực tiễn công tác quy hoạch đô thị tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nội dung tạp chí xem tại đây (Trang 56 - 57)

Trong những năm vừa qua, công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Bộ mặt các đô thị cũng như nông thôn Việt Nam ngày càng khang trang hơn. Hệ thống đô thị, làng xã nông thôn phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Đến nay cả nước ta có trên 770 đô thị (tính đến tháng 6 năm 2014), trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại I, 11 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 63 đô thị loại IV, còn lại là các đô thị loại V. Dân số đô thị là 29,72 triệu người, chiếm gần 33,47% số dân toàn quốc. Đô thị đã đảm nhiệm được vai trò là trung tâm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các vùng lãnh thổ khác nhau trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua cũng phát sinh nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, nông thôn như:

- Hệ thống pháp luật nói chung còn thiếu để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường nên nảy sinh nhiều tiêu cực. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng làm phát sinh những hậu quả xấu.

- Quá trình đô thị hóa gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, do chú trọng quá nhiều vào việc “công nghiệp hóa” cộng với chất lượng quy hoạch không cao, nên quá trình này đang bộc lộ nhiều bất cập đáng lo ngại. Cụ thể là số lượng các đô thị tăng lên nhanh chóng và sự gia tăng dân số đô thị thiếu kiểm soát với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém. Đô thị hóa các làng truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến quỹ di sản kiến trúc dân gian quý giá. Mất đất sản xuất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực cho các khu vực đô thị, thất nghiệp và đói nghèo ở nông thôn.

- Về quy hoạch, trên thực tế các địa phương chưa quản lý được việc mở rộng quá mức không gian đô thị, mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển đảm bảo đô thị phát triển bền vững liên tục xẩy ra. Hiện tượng các đô thị được nâng cấp khi còn thiếu các điều kiện theo tiêu chuẩn phân loại đô thị còn phổ biến, xu thế phát triển từ tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương đang như là một hội chứng trong phát triển đô thị ở nước ta. Việc lập các quy hoạch chi tiết, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị- nông thôn còn tràn lan, chưa có kế hoạch nên nảy sinh hiện tượng “quy hoạch treo” và khắp nơi đều có công trường xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và việc vận hành của đô thị.

- Quản lý đô thị- nông thôn ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của cơ chế bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc định sẵn, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường, thiếu cách tiếp cận quy hoạch đa ngành, tình trạng chồng chéo trong quản lý phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ về tổ chức quản lý đất đô thị, bao gồm: quản lý địa giới hành chính và hồ sơ địa chính; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; quản lý tài chính đất đai và giá đất đang được nhiều bộ ở cấp Trung ương quản lý, như Bộ Tài nguyên và Môi trường (quản lý tài nguyên đất đai và định giá đất); Bộ Quốc phòng và Bộ Công

an (quản lý đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh); Bộ Xây dựng (quản lý quy hoạch và sử dụng đất đô thị; phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý thị trường bất động sản); Bộ Tài chính (quản lý tài chính về đất đai và đền bù thiệt hại khi thu hồi đất). Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phần đất nông nghiệp trong phạm vi đô thị.

- Vấn đề thị trường bất động sản đô thị : Công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa có sự chú ý đúng mức cần thiết, chính quyền các đô thị và các nhà hoạch định chính sách chỉ quan tâm chủ yếu đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch. Do đó, luôn luôn tồn tại sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị, hay nói cách khác là quy hoạch không còn chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị.

Một phần của tài liệu Nội dung tạp chí xem tại đây (Trang 56 - 57)