Các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 81 - 87)

A. MỞ ĐẦU

2.5.3. Các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá

Di tích đền thờ và lăng mộ Tướng công Hoàng Bùi Hoàn là một trong số ít những di tích còn giữ nguyên được các hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá mang tính nghệ thuật cao. Tất cả các tác phẩm đều được tạo tác từ đá núi Nhồi hiện còn trong tình trạng tốt. Núi Nhồi là núi không cao nằm ở phía Đông Nam huyện Đông Sơn, thuộc địa bàn hai xã Đông Hưng và Đông Tân (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Núi nằm giữa đồng bằng cách đền thờ- mộ Hoàng Bùi Hoàn theo đường chim bay khoảng 3km. Đá ở đất Thanh Hóa có khá nhiều loại: đá ba gian, đá voi, đá cuội... nhưng chỉ có đá Nhồi là tốt nhất cho các nghệ nhân tạo tác, sử dụng. Tài năng của người thợ đá dân gian Nhồi trong lịch sử đã được thể hiện qua việc chế tác các tác phẩm mang tính nghệ thuật. Trong sử sách chưa từng thấy ghi chép tên tuổi cụ thể của những nghệ nhân, nhưng tài năng của họ đã được triều đình biết đến, sử dụng họ cho các công trình kiến trúc, điêu khắc bằng đá. Các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá ở đền thờ Hoàng Bùi Hoàn cũng vậy. Tất cả đều được tạc bằng đá nguyên khối và chế tác ngay trên công trường khai thác hoặc vận chuyện vật liệu về địa phương rồi mới tiến hành điêu khắc. Nhưng dù bằng phương thức nào đi nữa thì những tác phẩm này vẫn mang những giá trị về mặt điêu

khắc đá truyền thống, ghi lại được dấu ấn và mang trong mình những thông điệp nghệ thuật của thời đại.

Hai bia ở đền thờ Hoàng Bùi Hoàn đều được làm bằng đá nguyên khối đặt đối xứng nhau có kích thước tương tự nhau: cao 1,83m, rộng 1,25m, dày 5,90m. Cả hai bia dựng năm Bảo Thái thứ 5 (1724).

*Bia Tướng Công:

Cấu tạo bia gồm 3 phần (từ trên xuống) gồm Mũ bia, thân bia và đế bia. Mũ bia: Mũ bia chia làm 2 phần (từ trên xuống) gồm khay đài chóp bia (phần trên cùng) và chóp bia. Khay đài chóp bia: Có hình dáng tương tự như mũ vua (mũ bình thiên), phía trên phình ra, phía dưới dật 6 cáp thu nhỏ dần, bề mặt khay dài có chiều dài 0,58m x 0,26m x cao 0,12m, khay đài cấu tạo tách biệt, được gắn với chóp bia bởi lỗ mộng chìm; Chóp bia: Liền khối với thân bia, từ trên xuống dưới nở phình ra chóp bia có chiều cao 0,44m, bề mặt chóp liền khối với thân bia có kích thước 1,13m x 0,44m chờm ra khỏi thân bia, có tác dụng như mái che bia, làm hạn chế sự tác động của nước mưa vào thân bia. Chóp bia được trang trí 3 lớp chạm nổi. Lớp trên cùng tiếp giáp với khay đài, chạm khắc đường gờ chỉ song song với bề rộng bia tạo thành gờ nổi trên khiến chóp bia đó có được dáng chắc khỏe. Kế tiếp là lớp hoa văn dưới cùng gồm ba hình lá đề với đường cong uốn lượn, hai lá đề ở cạnh bên kéo dài nét chạm mềm mại, phủ chờm lên đường tiếp giáp hai mặt chóp bia.

Thân bia được bố cục như một cái khay, phần viết văn bia là một mặt phẳng chìm, được viền bởi khung hình chữ nhật cao hơn. Đường khung tiếp giáp với mũ bia là trán bia dài 0,91m, cao 0,125m, được chia làm 6 ô vuông, 4 ô khắc chữ Hán kiểu chữ chân “Tướng công bi ký”, 2 ô còn lại chạm hình long hóa với kỹ thuật chạm nổi. Hai đường khung riềm dọc bia, mỗi đường dài 1,17m, rộng 0,92m, chia làm 15 ô, trong đó phô chạm nổi chữ Hán, 8 ô để trống.

Văn bia được khắc ở mặt trước và mặt sau bia, chữ khắc chìm, nét khắc sắc gọn, còn đọc rõ. Mặt trước có 33 hàng chữ, hàng nhiều nhất có 44 chữ, tổng số mặt trước của bia có 1500 chữ, cơ bản còn đọc được. Mặt sau bia khắc gia phả dòng họ Hoàng Bùi, có 34 hàng khắc chữ Hán, hàng nhiều nhất có 49 chữ, tổng số mặt sau có 1660 chữ.

Đế bia gồm 3 cấp, cấp thứ nhất dài 1,35m, rộng 0,71m; cấp thứ hai dài 1,51m, rộng 0,87m; cấp thứ ba dài 1,62m, rộng 0,98m.

* Bia ký Tướng công họ Hoàng Bùi:

Bia cao 1,87m, rộng 1,15m, dày 0,37m, có 32 hàng chữ, hàng nhiều nhất có 38 chữ, trang trí phần riềm trán bia ở hướng Đông có nét khác với riềm trán tấm bia trước. Các họa tiết long hóa gồm đầu, mũi, mắt rồng được nghệ sĩ chạm rõ nét. Đây là hiện tượng ít thấy trong các đồ án trang trí trên bia ký thuộc về “bề tôi”, bởi rồng vốn là hình tượng chỉ được chạm trên các bia ký thuộc các bậc vua chúa (thiên tử).

Cả hai tấm bia đều có đế lùa được tạo tác giống nhau: Đế là khối đá tách biệt được nối với thân bia bởi chốt mộng chìm vững chắc. Tạo tác các gờ chỉ nổi, dật cấp thấp dần và xòe rộng từ cạnh dưới thân bia tới mặt trên, tạo thế vững chắc cho bia. Hai tấm bia dựng vào mùa hè năm Bảo Thái thứ 5 (1724) do Tiến sĩ Lê Vĩ soạn.

Có một nét tương đồng nhất quan trong phong cách nghệ thuật trang trí giữa ngôi đền và hai tấm bia đá là ít hoặc không chạm trổ các đề tài hoa lá, mà chú trọng tập trung vào tạo đường nét bằng kỹ thuật soi gờ chỉ nổi, tạo các đường viền trên các cột đá chân tảng, các thành phần vật liệu gỗ như vì kèo, đấu kê, xà trong đền. Hai tấm bia đá cũng vậy,ở đây, tư tưởng chủ đạo khi xây dựng, người xưa quan tâm tới tính hợp lý về hình khối, đường nét của từng bộ phân cấu thành công trình, tạo nên vẻ đẹp khỏe trong sự giản dị, đấy

cũng là phong cách mang đến nhận thức và sự sáng tạo, không cần viện dẫn các mô típ nghệ thuật trừu tượng khác.

Loại bia đá có chóp mũ, tạo đường viền nổi quanh thân bia như ở đền thờ Tướng công Hoàng Bùi Hoàn là phong cách điển hình của loại bia đá được dựng vào thế kỷ XVII- XVIII và sau này nhà Nguyễn tiếp thu khá phổ biến ở thế kỷ XIX.

*Bàn sắp lễ:

Tại cửa ra vào gian giữa nhà tiền đường, ở hai bên đặt 2 bàn đá đối xứng nhau có kích thước như nhau, trang trí hoa văn giống nau, được tạo tác từ hai khối đá liền. Bề mặt bàn đá có chiều dài 1,14m, rộng 0,46m, cao 0,7m. Cấu tạo chia làm 3 phần:

Phần 1: Chiều dài mặt bàn chạm gờ chỉ, giật 5 cấp nhỏ dần từ trên xuống dưới.

Phần 2: Đai viền che kín đường tiếp giáp mặt bàn với phần chân quỳ dạ cá. Đao viền là dải hoa văn gồm 17 bông hoa chanh nằm trong 17 ô, giữa các ô để trống.

Phần 3: Chân quỳ dạ cá, chạm hoa văn vân mây phủ một phần chân quỳ và toàn bộ bề mặt dạ cá, ở vị trí chính giữa dạ cá chạm bông hoa 5 cánh có đài nhụy hoa, toàn bộ hoa văn chạm nổi nét kép.

Phía trên xà thượng treo bức đại tự đề hàng chữ Hán: “Quận Trọng

Triều”, nghĩa là “Quận công quan trọng trong triều đình”, sơn son thếp

vàng, không trang trí cầu kỳ.[28, 9] *Sập thờ:

Tại gian giữa nhà hậu cung đặt sập thờ bằng đá nguyên khối, trang trí hoa văn mặt trước, 3 mặt để trơn. Sập thờ có kích thước dài 1,73m, rộng 1,25m, cao 0,275m, được tạo tác theo kiểu chân quỳ dạ cá. Các mô típ hoa văn hình lá đề vân mây xoắn, vân mây hình đao mác chạm nổi trên mặt chính

diện. Bốn chân quỳ chạm hoa văn hình đao mác phủ kín bằng kỹ thuật chạm nổi, nét kép. Mặt có ke 4 góc, mỗi ke được khắc 8 trụ đá nhỏ, có chiều cao 0,08m. Mỗi trụ đá cách nhau 0,04m, là nơi bài trí long ngai bài vị của tướng công Hoàng Bùi Hoàn. Có thể nói sập thờ bằng đá là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tiêu biểu đặc sắc đầu thế kỷ XVIII còn nguyên vẹn về hình dáng và hoa văn.

*Đôi hạc đứng trên lưng rùa:

Đôi hạc đứng chầu ngay sát cạnh hương án được tạo tác bằng đá nguyên khối cao 1,85m, rộng 0,40m, đứng trên lưng rùa, bằng chốt mộng chìm rất vững chãi. Rùa đội hạc cũng được tạc từ khối đá nguyên, chia thành hai phần rõ nét: đế và rùa. Phong cách chạm chim hạc và rùa theo lối tả thưc, chi tiết, đường chạm sâu thể hiện rõ từng bộ phận. Chim Hạc có mỏ, móng vuốt, lông vũ, lông mào nổi to rõ. Mai rùa chạm trổ hình khối như cánh hoa sen, 4 chân to khỏe duỗi thẳng, cổ ngay ngắn hướng về phía trước.

*Hai ngựa đá:

Hai con ngựa trong tư thế đứng chầu, thân ngựa dài 1,75m, rộng 0,62m, cao 1,39m, đứng ngay ngắn trên bệ có kích thước nhỏ hơn, cổ đeo lục lạc, chuông gồm 7 quả, yên, cương được trang trí bởi nghệ thuật chạm tinh tế, hoa văn nổi rõ như tranh vẽ trên yên ngựa, hình giống lá đề, có đường viền riềm rộng bản bao quan, trang trí 5 bông hoa cách điêu, bàn đạp buông thẳng giữa phần bụng, hình độc long uốn khúc như ôm lấy bàn đạp trong không gian, tựa như đám mây cuộn tròn. Liền kề yên ngựa có mảng trang trí trên tấm che phủ mông ngựa vắt qua lưng bởi hai sợi dây và kéo dài tới tuận khuỷu chân sau. Đuôi ngựa dài quá khuỷu, yên ngựa uốn cong ôm sát trên lưng và bụng có 7 chấm tròn bố cục dọc chiều dài yên ngựa tạo dáng chắc khỏe.

*Hai voi đá:

Hai voi có kích thước khác nhau đôi chút, có lẽ nghệ sĩ xưa muốn thể hiện quy luật tương hỗ Âm (con cái nhỏ) - Dương (con đực lớn hơn) được đặt đăng đối hai bên đường thần đạo.

Tượng voi bên hữu dài 1,72m, rộng 0,70m, cao 1,15m, (bên tả to hơn) trong tư thế quỳ phục, hai chân sau quỳ gập, hai bàn chân ngửa hướng về phía đuôi. Đuôi nhỏ ngắn vắt lên liền khối với mông. Hai chân trước duỗi thẳng song song sát mặt đất, vòi voi uốn cong để nhẹ trên bàn chân trước bên phải, riêng chiếc vòi là để một khoảng hổng trước cổ, nằm giữa đôi ngà mập ngắn. Đôi tai to chảy về phía thân, lộ rõ những nếp da tựa như những chiếc nan của chiếc quạt giấy. Mắt voi to, nhìn thẳng, cổ đeo vòng.Toàn bộ voi ngay ngắn hướng về phía trước. Nhìn tổng thế toàn bộ tác phẩm là những đường cong, dáng tả thực, không bị nặng nề. Voi là con vật bản địa được các nghệ nhân xưa sử dụng nhiều trong nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.

*Hai chó đá:

Ngay vào cổng được đặt 2 chó đá ở hai bên có kích thước và tư thế tương tự nhau. Mỗi con có chiều cao 0,9m, dài 0,6m, rộng 0,3m. Chó đá trong tư thế ngồi chầu, hai chân sau thu về phía bụng, hai chân trước chống thẳng, mắt mở to nhìn thẳng, lộ rõ vành mắt, đôi tai to hơi cúp, miệng ngậm, thân hình mập, ngồi trên bệ đá liền khối, cổ đeo vòng có chuông lục lạc. Toàn thân con vật được tạo bằng những khối tròn nhẵn, toàn thân đóng kín, cấu trúc vững chãi, bố cục chặt chẽ. Con chó này như đang ngồi nghe ngóng, dáng nhanh nhẹn. Chắc hẳn nghệ sĩ khi tạc chó hiểu rất rõ đặc điểm sinh học nên tạo hình rất sinh động.

2.5.4. Các hiện vật trong di tích

Số thứ tự Tên hiện vật Số lượng

1 Bia đá 02 bia 2 Hương án 01 cái 3 Bàn sắp lễ 01 cái 4 Sập thờ 01 cái 5 Hạc đá 01 đôi 6 Ngựa đá 01 đôi 7 Voi đá 01 đôi 8 Chó đá 01 đôi 9 Đại tự 01 bức

10 Long ngai 01 cái

11 Bài vị 01 cái

[28, 21]

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số đền, chùa tiêu biểu trên địa bàn huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w