học sinh trong các trường phổ thông trung học
1.2.3.1. Xây dựng lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, yêu nhân dân
Trong quan hệ đạo đức thì mối quan hệ của mỗi người đối với đất nước, đối với nhân dân, dân tộc mình là quan hệ lớn nhất. Yêu tổ quốc, yêu nhân dân chính là trung với nước, hiếu với dân là một phẩm chất đạo đức quan trọng nhất, bao trùm nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Để giáo dục đạo đức cho thanh niên thì phẩm chất này càng không thể thiếu được. Theo dòng chảy của thời gian, Trung và Hiếu đã thâm nhập vào nước ta và đã trở thành một trong những chuẩn giá trị của các triều đại phong kiến. Hồ Chí Minh tiếp nhận Trung - Hiếu ở một tầm nhận thức mới. Người đã gọt bỏ nội dung cũ của Nho giáo là trung với vua và đưa vào đó nội dung mới. Hồ Chí Minh yêu cầu "Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp" [39; 471]. Trong thư gửi thanh niên ngày 2-9-1965, Người căn dặn thanh niên: "Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước, hiếu với dân" nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng
hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước" [40; 619].
Ngoài tri thức đạo đức thì tình cảm đạo đức cũng là nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức. Những giá trị đạo đức thu nhận được bằng lý trí dù có tốt đẹp đến đâu, nếu không có được một tình cảm đạo đức trong sáng và sâu sắc thôi thúc thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận thông tin, chưa đủ cơ sở để biến thành hành vi đạo đức. Điều này giải thích tại sao trong giáo dục đạo đức cho thanh niên, ngoài các giá trị đạo đức, Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng tình cảm đạo đức. Người khẳng định nhiệm vụ “cốt nhất” của nhà trường là:
“Phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ... Cố nhiên, trong lúc dạy, chớ nên làm cho học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít, vị quốc nghĩa là chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước người. Cũng phải tránh cách nói vu vơ, như có người nói chuyện với các em nhi đồng, mà đem "tân dân chủ" và "cựu dân chủ" ra mà nói. Nói tóm lại: Trong chương trình học, phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại”. [31; 120].
Với Hồ Chí Minh, cống hiến cho Tổ quốc, phục vụ cho nhân dân là nét đẹp của đạo đức cách mạng. Người dạy thanh niên: “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” [36; 453]. Muốn hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì thanh niên cần phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân là “chỉ biết mình béo, mặc thiên hạ gầy”, chỉ muốn “mọi người vì mình ” mà không biết “mình vì mọi người”. Mặt khác, thanh niên còn phải ra sức rèn luyện và thực hành chủ nghĩa tập thể. Nói chuyện với học sinh các trường trung học ở Hà Nội, Người chỉ rõ nhiệm vụ chính của thanh
niên học sinh là học tập. Mục đích của việc học không phải vì danh vọng của cá nhân, cốt được mảnh bằng để làm ông nọ, bà kia. Thanh niên cần phải xác định động cơ, mục đích học tập cho đúng. Học là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Thật xúc động biết bao khi đọc lại những tâm sự lúc cuối đời của Người: “ Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” [41; 615]. Cuộc đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là gương sáng cho các thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau học tập noi theo.
1.2.3.2. Xây dựng các chuẩn mực thể hiện lập trường chính trị cho thanh niên, học sinh
- Có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, yêu quê hương đất nước
Lý tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Lý tưởng là trạng thái hoàn hảo nhất mà người ta mong muốn đạt tới. Lý tưởng thôi thúc con người hành động để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích. Thanh niên học sinh là lớp trẻ khát khao lý tưởng và hành động, thực hiện lý tưởng, hướng tới các giá trị xã hội, nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm để lựa chọn các giá trị theo sự chỉ dẫn sáng suốt của lý trí. Vì thế, thanh niên rất cần sự giáo dục của nhà trường, xã hội và gia đình để định hướng cho họ thực hiện lý tưởng mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn. Lý tưởng mà Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục cho thanh niên là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội toàn thắng trên đất nước ta và trên thế giới. Theo Hồ Chí Minh có giáo dục lý tưởng mới giúp cho thanh niên hiểu được lý tưởng. Với ý nghĩa đó, giác ngộ lý tưởng cho thanh niên là giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu
được nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và cho mọi người niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” [27; 496]. Giáo dục lý tưởng cách mạng là một nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Lý tưởng mà Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tức là chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người căn dặn cán bộ, đảng viên và thanh niên: “Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới” [40; 467].
Lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ kế tục nhau. Do vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cần phải giáo dục cho thanh niên nhận thức đúng lý tưởng cao đẹp, giá trị của độc lập dân tộc, bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội chính là trang bị cho họ vũ khí tinh thần, từ đó họ xác định được ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên Hồ Chí Minh lưu ý cần phải tránh để thanh niên hiểu lý tưởng một cách đơn giản, không chỉ dừng lại ở mục đích cuối cùng mà phải tiến tới mục tiêu cao hơn của từng giai đoạn cách mạng. Người đã nhiều lần chỉ rõ, nếu chỉ nhìn thấy mục tiêu trước mắt mà không thấy mục tiêu lâu dài là thiển cận. Nhưng, chỉ thấy mục đích cuối cùng, mà không biết giành thắng lợi từng bước cho mục tiêu trước mắt, thì mục đích cuối cùng chắn chắn không bao giờ có thể đạt tới.
Theo Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng, ý chí và tinh thần chỉ có thể được duy trì trên cơ sở nền tảng đạo đức cách mạng. Nói một cách khác, người có lý tưởng và chí khí cách mạng phải là người có đạo đức cách mạng với những yêu cầu chuẩn mực cần thể hiện là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếu thiếu chuẩn mực này con người sẽ dễ rơi vào chủ nghĩa cá nhân.
Do đó, song song với việc giáo dục lý tưởng cho thanh niên, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải bồi dưỡng khí phách cách mạng cho thanh niên. Đó chính là ý chí, nghị lực, khí phách của người cách mạng, là tính kiên trì, nhẫn nại, vượt khó. Không có chí khí cách mạng thì thanh niên không thể vượt qua bao khó khăn gian khổ, trên con đường cách mạng để thực hiện lý tưởng.
- Có lòng tự hào dân tộc chính đáng
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác hồ luôn luôn chăm lo giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Người quan niệm, việc kế thừa và phát huy những truyền thống dân tộc phải dựa trên cơ sở những nhận thức cần thiết về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Trong những lớp huấn luyện cán bộ thời tiền khởi nghĩa, Người đã soạn ra những bài diễn ca rất dễ hiểu, dễ nhớ về lịch sử và địa lý để giáo dục truyền thống dân tộc. Bài diễn ca lịch sử nước ta mở đầu bằng câu:
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Người đau xót nhắc lại, có những tri thức Việt Nam đào tạo dưới thời pháp thuộc, biết mọi chuyện trên thế giới mà lại “mù tịt” về lịch sử và địa lý nước nhà. Người nói: “Trước kia, khi thực dân Pháp còn cai trị nước ta, có những người tri thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy Lạp và La Mã. Nhưng hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình, hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt” [41 ; 671].
Người đòi hỏi, người Việt Nam cần “hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báo của mình”. Bác Hồ cũng nêu cao nhiều truyền thống tốt đẹp tiêu biểu cho tâm hồn và phẩm giá dân tộc kết tinh những giá trị của nền văn hóa dân tộc. Về phương diện này, lịch sử Việt Nam với hàng năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy gian nan thử thách nhưng rất quang vinh rạng rỡ, với nền văn hóa lâu đời mang đậm tính nhân văn và tính dân tộc, để lại cho chúng ta một di sản vô giá, luôn luôn là nền tảng cho mọi
công cuộc phục hưng dân tộc, Bác Hồ đã nói đến tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta, nhân dân ta rất cần cù, thông minh, khéo léo. Trong các truyền thống quý báo của dân tộc, Bác Hồ đặc biệt nêu cao chủ nghĩa yêu nước, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” và tinh thần đoàn kết dân tộc. Người nói: “Dân ta có một lòng yêu nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báo của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sống vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Tự hào trước những trang sử giữ nước oai hùng những chiến công hiểm hách của dân tộc. Người nhắc nhở mọi người phải biết ơn và ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc: “Chúng ta phải ghi nhớ công lao công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”. Người cũng rất coi trọng truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa các thành phần dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân yêu nước vì đại nghĩa dân tộc, vì lợi ích thiêng liêng của dân tộc. Người đã đúc kết thành như một quy luật của lịch sử: Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [39 ; 120].
Bác Hồ rất quan tâm giáo dục và vun trồng những truyền thống mới, cách mạng và hiện đại, nhất là cho thế hệ trẻ, không những về lý tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, mà cả về lối sống tập thể, có tổ chức và có kỷ luật, về những thói quen khoa học, tác phong công nghiệp. Tuổi trẻ là tuổi của sức sống, của sáng tạo, rất nhạy cảm với cái mới. Bác Hồ đã khen ngợi thế hệ trẻ của thời đại chúng ta là “mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” [41 ; 612]. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ không phải là gò bó họ vào những khuôn cứng nhắc, biến họ thành nô lệ của truyền thống, mà là bồi dưỡng vun trồng cho họ những phẩm giá tốt đẹp của dân tộc và của cách mạng, tạo nên bệ phóng và bản lĩnh vững vàng để chấp cánh cho
tuổi trẻ bay cao, đi đầu trong cuộc đấu tranh cải tạo thế giới cũ, xây dựng thế giới mới và luôn luôn vươn tới những chân trời sáng tạo của cách mạng và của khoa học kỹ thuật.
- Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và đường lối của Đảng và Nhà nước. Để thanh niên kiên định mục tiêu, lý tưởng, cần phải hình thành cho thanh niên niềm tin vào tương lai của cách mạng. Niềm tin chỉ được hình thành trên cơ sở của lý trí, của tri thức khoa học. Chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao của tri thức nhân loại được Hồ Chí Minh và Đảng ta chọn làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đây là cơ sở khoa học để Đảng xác định mục tiêu, đề ra đường lối, chủ trương cho cách mạng Việt Nam. Do đó, thanh niên cần phải có niềm tin vào tương lai của cách mạng. Giáo dục cho thanh niên thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, trang bị cho thanh niên thế giới quan duy vật và nhân sinh quan cách mạng nhằm làm cho họ nhận thức rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Con đường đó vừa đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cả dân tộc vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Như vậy, giáo dục cho thanh niên nắm bắt và nhận thức đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, tạo lập niềm tin cho thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thắng lợi của cách mạng. Từ đó giúp cho thanh niên có ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, giữ vững lập trường, không dao động bi quan khi gặp khó khăn, vững bước trên con đường cách mạng, quyết tâm đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng.
1.2.3.3. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức hướng đến tự hoàn thiện bản thân
Theo Hồ Chí Minh, thanh niên cần rèn luyện lối sống giản dị, trung thực, siêng năng, biết hối hận, biết tự kiềm chế. Giản dị là phong cách sống của con người mới. Sống giản dị thì “cách ăn mặc phải sạch sẽ, đơn giản, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt” [31 ; 117]. Nghĩa là phải biết sống chừng
mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, ít lòng ham muốn về vật chất. Người dạy thanh niên trong lúc nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn thiếu thốn mà cá nhân chỉ muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp là không có đạo đức. Vì thế, làm Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn ở nhà gỗ đơn sơ, mặc quần áo vải, cơm rau đạm bạc. Người còn dạy thanh niên phải sống trung thực. Sống trung thực luôn luôn được tôn trọng, yêu lẽ phải, ghét sự giả dối. Rèn luyện lối sống trung thực cho thanh niên phải bắt đầu từ chính bản thân. Nếu không trung thực với bản thân thì không thể trung thực với mọi người. Trung thực phải đi liền với dũng cảm. Có dũng cảm thì thanh niên mới dám thừa nhận những sai lầm thiếu sót của bản thân, mới có quyết tâm sửa chữa.