Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của cả nước, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ thuộc châu thổ sông Hồng. Trong hơn mười năm gần đây, kinh tế của Hà Nội đã có những bước phát triển tương đối khá, được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm không ngừng tăng, giai đoạn 1990-1999 bình quân đạt 11,85%/năm (cả nước đạt 7,7%), giai đoạn 2000-2005 đạt 9,8%/năm (cả nước đạt 7,5%). Tỷ trọng GDP của Hà Nội so với cả nước không ngừng tăng, năm 1990 là 5,5%, lên 6,1% vào năm 1995, lên 7,1% năm 1999 và 8,4% năm 2004. Hà Nội cùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ GDP/người cao nhất cả nước.
Có được những thành tựu trên là do Thành phố đã rất cố gắng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp giải quyết việc làm cho người có đất bị thu để cho phát triển CN, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị. Những biện pháp thành phố Hà Nội đã áp dụng là:
- Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình việc làm, tiến hành nắm bắt thực tế nguồn nhân lực, khả năng giải quyết việc làm của các dự án mới được xây dựng, khả năng của các cơ sở sản xuất kinh doanh để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sở Kế hoạch và Đầu tư tìm biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố.
- Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tạo cơ chế tổ chức triển khai thực tế như chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển các thành phần kinh tế, nhất là khuyến khích phát triển kinh tế ngoài quốc doanh. Trong chính sách phát triển nông nghiệp, Thành phố
thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, vốn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào trồng trọt và chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại. Chính quyền Thành phố đã triển khai chính sách phát triển các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động thuộc diện di dời, giải toả.
- Tổ chức và thực hiện Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm gắn với chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Các hội, đoàn thể của Thành phố như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên cũng có những hoạt động thiết thực nhằm giải quyết việc làm cho con em và hội viên của mình.
- Thành phố áp dụng hai mức độ hỗ trợ là: hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo (đây là chủ yếu) và hỗ trợ hoàn toàn. Hỗ trợ chủ yếu bằng hình thức cấp kinh phí để người lao động tự tìm nơi đào tạo. Các cơ sở sử dụng đất thu hồi cũng có tham gia vào việc hỗ trợ này, tuy nhiên ở mức thấp hơn so với một số tỉnh khác. (Ví dụ, Bình Dương là một tỉnh chú trọng nhiều đến đào tạo tại doanh nghiệp và tại các trung tâm đào tạo nghề; còn Hà Nội chủ yếu là hỗ trợ kinh phí để người lao động tự tìm đến học tập tại các trung tâm dạy nghề).
- Các chủ dự án đầu tư được giao sử dụng đất Nhà nước thu hồi đã có những cố gắng hỗ trợ người dân trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với những lao động trẻ và những người dưới 35 tuổi, nhằm giúp họ kiếm được việc làm mới trong công nghiệp hoặc dịch vụ với thu nhập cao hơn và ổn định hơn.
Kết quả là chỉ tính từ khi có chủ trương xây dựng KCN (năm 1992) đến nay, Hà Nội đã thu hồi được 1.624,47 ha đất nông nghiệp và một phần đất ở để xây dựng được 24 KCN và cụm CN, với vốn đầu tư xây dựng là 275,85 triệu USD và 3.317,1 tỷ đồng Việt Nam, chiếm 6,1% tổng diện tích xây dựng các KCN của cả nước. Nhiều người dân bị thu hồi đất đã có việc làm mới, thu nhập và đời sống của họ được cải thiện hơn trước.
Tuy đã có nhiều giải pháp tích cực, nhưng vấn đề giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi ở Hà Nội vẫn còn nhưng hạn chế bất cập, làm nảy sinh một số phức tạp. Trong đó nổi lên là đất thu hồi thì nhiều, nhiều cơ sở CN, KCN, khu ĐTM được ra đời, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu lao động lại diễn ra không phù hợp với xu thế phát triển đó, tỷ lệ lao động quay trở về làm nông nghiệp vẫn còn lớn (53.0%), tỷ lệ các nghề không cơ bản, ít đào tạo như nghề xe ôm, cửu vạn vẫn còn cao… Nói cách khác là nguồn lực đất đai đã dịch chuyển theo hướng CNH, HĐH thì nhanh, nhưng cơ cấu nguồn lực lao động thì chưa chuyển dịch kịp xu hướng này.
Việc đào tạo nghề cho người lao động diễn ra không có bài bản, thiếu chiến lược và kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Nghiên cứu tại 16 trọng điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết chỉ có 13% lao động nông thôn bị thi hồi đất được đào tạo. Dường như địa phương nào, đơn vị nào có gì làm nấy, có khả năng đến đâu làm đến đó. Về mặt này, Hà Nội vẫn chưa thật sự chú trọng hỗ trợ cho người bị thu hồi đất trong việc đào tạo nghề để tìm kiếm việc làm mới. Số lao động mất đất, không có nghề, cần đào tạo thì nhiều, nhưng đào tạo không được bao nhiêu và việc làm của người mất đất về cơ bản vẫn chưa có tiến triển mấy, chưa được như mong muốn. Trên thực tế, mức độ đào tạo mà người lao động nhận được từ các đơn vị nhận đất và Nhà nước là rất thấp, các hộ bị thu hồi đất vẫn tự đào tạo là chính.
Không ít người lao động bị thu hồi đất được đào tạo nghề không phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo nghề thấp. Kết quả phỏng vấn điều tra của trường Đại học kinh tế quốc dân tháng 8/2005 cho biết trên địa bàn thành phố Hà Nội, người bị thu hồi đất có tỷ lệ những người đánh giá sự không phù hợp của đào tạo là 57,3%, chất lượng đào tạo thấp là 55,3%. Điều này làm cho số người được thu hút vào các cơ sở đầu tư trên đất thu hồi ít. Hiện còn có sự chênh lệch khá cao giữa trình độ chuyên môn kỹ thuật của những người lao động ở vùng bị thu hồi đất với mức chung của Hà Nội theo hướng người lao động bị thu hồi đất bị bất lợi trong tìm kiếm việc
làm. Số lao động sau khi thu hồi đất không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ 70,2%, mức chung của Thành phố là 38,56%, tức là gần gấp 2 lần; số người bị thu hồi đất có trình độ công nhân kỹ thuật và học nghề là 11,2% thì mức chung của Thành phố là 26,81%, cao hơn 2 lần [24].
Kết quả tuyển dụng sau đào tạo, do số lượng đào tạo ít, lại không hợp lý cao và chất lượng đào tạo thấp, nên tuyển dụng những lao động bị thu hồi đất vào làm việc trong các cơ sở thấp, chỉ có 19,4% số người lao động bị thu hồi đất sau đào tạo được tuyển dụng, còn phần đông là không được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn (80,6%).
Số lao động được đào tạo chủ yếu là do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp của họ. Các cơ quan khác cũng có tuyển dụng, song với số lượng rất không đáng kể. Các hộ bị thu hồi đất đã tự bỏ kinh phí ra để đi đào tạo (tuy họ lấy trong phần nhà nước bồi thường thông qua giá bồi thường đất), song số được tuyển dụng rất hạn chế so với số họ tự đi đào tạo. Theo một kết quả điều tra, thì số lao động bình quân 1 hộ tự đào tạo của Hà Nội là 0,19 người, nhưng chỉ có 0,09 người được tuyển dụng, tức là cứ 1.000 hộ mất đất chỉ có 190 người tự bỏ tiền ra học nghề, nhưng mới chỉ có 90 người trong số đó được tuyển dụng, còn 100 người không tìm được việc làm. Đây cũng bài học kinh nghiệm cho các tỉnh khác.