Các cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước, có chức năng thực thi công tác quản lý của Nhà nước, hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, kinh phí quản lý hành chính là tất yếu khách quan, là điều kiện quan trọng để bảo đảm duy trì hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Về nhận thức: Các Bộ, địa phương đều thống nhất đánh giá công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho thủ trưởng các đơn vị chủ động trong việc sử dụng biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, chủ động quản lý sử dụng kinh phí được giao một cách thiết thực có hiệu quả; cán bộ công chức trong cơ quan có ý thức thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai dân chủ trong việc sử dụng lao động, biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã tạo sự đồng thuận cao, hạn chế những ý kiến thắc mắc trong cơ quan đơn vị.
- Về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công việc và sử dụng kinh phí được giao:
Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ động sử dụng kinh phí được giao để hoàn thành nhiệm vụ; hạn chế tối đa tình trạng thủ trưởng đơn vị
cấp dưới chờ xin ý kiến của cơ quan cấp trên cho phép mới triển khai thực hiện như trước đây; đã từng bước hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên can thiệp quá sâu, quá chi tiết vào công việc của cơ quan cấp dưới; chủ động trong việc điều hành nhiệm vụ chi tại đơn vị, từ đó công việc được giải quyết nhanh hơn, chủ động hơn.
Do được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng kinh phí được giao nên thủ trưởng cũng như cán bộ công chức trong cơ quan đã sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả hơn, không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu cho hết, mặc dù việc chi tiêu đó chưa thực sự cần thiết.
Lãnh đạo cơ quan đã tăng cường công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động quản lý tài chính của đơn vị mình; đồng thời đã tạo điều kiện cho toàn thể cán bộ, công chức phát huy tính dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện quyền giám sát trong thực thi công vụ và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hạn chế việc sử dụng trang thiết bị của cơ quan cho mục đích cá nhân.
- Về sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế:
Về cơ bản thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã thúc đẩy các bộ ngành hạn chế tăng biên chế, thực hiện đúng các chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Một số địa phương do khối lượng công việc phát sinh nhiều cần phải có cán bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao, nên sau khi sắp xếp lại cán bộ số còn thiếu thực hiện bổ sung thêm nhân lực bằng cách ký hợp đồng lao động. Trong cơ quan công tác tự chủ tự chịu trách nhiệm đã góp phần thúc đẩy sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu suất làm việc.