* Quản lý của Hiệu trưởng
- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông là người đứng đầu cơ sơ giáo dục, là người chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động của nhà trường và chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi sự quản lý đó. Hiệu trưởng là người dẫn dắt thực hiện sứ mệnh cao cả của nhà trường. Do vậy Hiệu trưởng để thực hiện công tác quản lý tốt thì đòi hỏi không chỉ có kiến thức về lý luận quản lý giáo dục mà còn đòi hỏi người hiệu trưởng có các năng lực quản lý. Trước hết người hiệu trưởng phải có kiến thức và nghiệp vụ quản lý, nắm bắt và xử lý thông tin tốt. Hiệu trưởng phải có năng lực phân tích, dự báo và tầm nhìn đối với sự phát triển của nhà trường. Những năng lực này được thể hiện trong việc xây dựng các kế hoạch của nhà trường như kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường và các kế hoạch tác nghiệp trong từng lĩnh vực của nhà trường. Hiệu trưởng là người tổ chức và dẫn dắt nhà trường thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Hiệu trưởng cần giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình quản lý, là trung tâm của sự đoàn kết tập thể sư phạm nhà trường. Hiệu trưởng đóng vai trò như là một thủ lĩnh đi tiên phong nhưng cũng như là một người với vai trò là người thúc đẩy, động viên các thành viên tiến lên. Hiệu trưởng phải là người biết đánh giá và thực hiện công bằng đối với mọi thành viên, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó hiệu trưởng cần thể hiện rõ kỹ năng liên nhân cách, giao lưu-truyền thông, hòa mình vào tập thể, để hiểu rõ những tâm tư tình cảm của các thành viên, phải biết mình, biết tự đánh giá đúng bản thân. Hiệu trưởng phải biết thu thập thông tin và xử lý thông tin kịp thời chính xác; có năng lực truyền thông và nhạy cảm đối với môi trường, hoàn cảnh xung quanh.
* Năng lực quản lý điều hành của tổ trưởng
Tổ trưởng chuyên môn là người trực tiếp quản lý điều hành tổ chuyên môn. Tổ trưởng vừa thực hiện nhiệm vụ như là một GV vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý theo Điều lệ trường trung học quy định và thực hiện một số nhiệm vụ khác do hiệu trưởng ủy quyền. Bởi vậy, tổ trưởng cần có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng, có năng lực thực tiễn giảng dạy và có kiến thức sâu về bộ môn giảng dạy. Cùng với đó tổ trưởng cần có những năng lực nhất định về quản lý để có thể quản lý điều hành tổ một cách có hiệu quả. Tổ trưởng phải có năng lực lập kế hoạch hoạt động như: kế hoạch Tổ chuyên môn, kế hoạch chuyên đề … hướng dẫn các cá nhân trong tổ xây dựng kế hoạch cá nhân. Tổ trưởng thực hiện kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình môn học, hoạt động CM của tổ. Tổ trưởng CM thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường, tập hợp, đoàn kết các thành viên trong tổ thực hiện tốt chủ trương đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chủ trương chính sách về Giáo dục - đào tạo cũng như các quy định, nếp sống văn hoá ở địa phương nơi cư trú. Tổ trưởng CM cùng với thành viên trong tổ xây dựng bầu không khí tâm lý, môi trường sư phạm thân thiện, cộng tác hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
* Năng lực và tinh thần làm việc của giáo viên
Các cá nhân trong tổ là những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của tổ chuyên môn, các cá nhân trong tổ quyết định đến chất lượng dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn. Các yếu tổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chuyên môn là:
- Trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của đội ngũ GV trong tổ. Tổ chuyên môn với đội ngũ GV có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức nhà giáo, có kinh nghiệm giảng dạy và chất lượng CM tốt sẽ là yếu tố thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn.
- Tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tổ chuyên môn của mỗi tổ viên là điều kiện để tổ hoạt động hiệu quả. Các thành viên tích cực
trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp tạo bầu không khí ấm áp, thân tình trong tổ tạo động lực cho các cá nhân hăng say lao động.