2.1.1.1. Sơ lược về vị trí địa lí, lịch sử huyện Yên Mỹ
Vị trí địa lý: Yên Mỹ nằm ở trung điểm phía Bắc của tỉnh Hưng Yên,
cách thành phố Hưng Yên khoảng 30 Km, cách thủ đô Hà Nội 30 Km; huyện Yên Mỹ có các huyết mạch giao thông chính như quốc lộ 5A, 39A, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Hà Nội - Hưng Yên và một số huyết mạch giao thông quan trọng khác; có ranh giới địa lý với 5 trong số 10 huyện, thị của tỉnh Hưng Yên. Với vị trí địa lý của Yên Mỹ tạo cơ hội thuận lợi để liên doanh, liên kết với các tỉnh và huyện bạn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Mỹ có 89 dự án đầu tư, trong đó có 82 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động.
Lịch sử huyện Yên Mỹ: Huyện Yên Mỹ đã có từ rất lâu đời, nằm trên
vùng Bãi Sậy của Hưng Yên với nhiều cái tên đã đi vào lịch sử, nhưng Yên Mỹ chỉ trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện kể từ khi thành lập đạo Bãi Sậy năm 1890. Khi đạo này bị giải thể, Yên Mỹ trở thành một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên.
Tháng 8/1945, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Mỹ đã tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi, giải phóng toàn bộ huyện Yên Mỹ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược, thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời do Dương Tự Cờ làm chủ tịch.
Năm 1999, huyện Yên Mỹ được tái lập từ huyện Mỹ Văn có 17 đơn vị hành chính xã, thị trấn (gồm: 16 xã và 1 thị trấn): xã Đồng Than, xã Hoàn
Long, xã Liêu Xá, xã Minh Châu, xã Ngọc Long, xã Nghĩa Hiệp, xã Tân Lập, xã Tân Việt, xã Thanh Long, xã Lý Thường Kiệt, xã Giai Phạm, xã Trung Hưng, xã Trung Hoà, xã Việt Cường, xã Yên Hoà, xã Yên Phú và Thị trấn Yên Mỹ.
Yên Mỹ là nơi sản sinh ra những danh nhân nổi tiếng như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, nhà sử học Phạm Công Trứ, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, nhà chính trị Nguyễn Văn Linh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Mỹ đã đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, hàng vạn thanh niên đã lên đường tòng quân cứu nước; hàng trăm người con của Yên Mỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Qua hai cuộc kháng chiến, toàn huyện có 2.081 liệt sỹ, 895 thương binh và nhiều bệnh binh, 69 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
2.1.1.2. Khái quát thực trạng phát triển kinh tế- xã hội
Phát huy truyển thống lịch sử hào hùng, trong những năm qua thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước định hướng phát triển KT-XH mà Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra, người dân Yên Mỹ không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất nhằm biến những tiềm năng về tự nhiên, xã hội thành nội lực phát triển KT-XH bền vững.
Lĩnh vực kinh tế: Kinh tế phát triển nhanh và tương đối ổn định, tốc độ tăng
trưởng bình quân đạt 19,93% . Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo Hướng tăng
nhanh công nghiệp và dịch vụ: nông nghiệp 19,28% - công nghiệp, xây dựng 42,82% - thương mại, dịch vụ 37,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 22
triệu đồng.
Lĩnh vực văn hoá xã hội và giáo dục:
Các hoạt động văn hoá, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào xây dựng gia đình, làng, cơ quan, đơn vị văn hoá được quan tâm chỉ đạo
và thực hiện đạt kết quả tốt, có 74/85 làng văn hoá, đạt 87%; 90% gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa; có 10 xã đạt 100% số làng văn hoá.
Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%. Công tác đào tạo nghề cho người lao động được quan tâm, tỷ lệ lao động
trong độ tuổi qua đào tạo đạt trên 30% ; hàng năm tạo việc làm mới cho từ
2.000 - 2.500 lao động. Các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và pháp luật.
Duy trì thường xuyên 100% Trạm Y tế xã, thị trấn có bác sỹ khám và điều trị; có 11/17 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế, chiếm gần 65% . Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình được quan tâm, tỷ lệ phát triển dân số 0,95%, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao, các quyền trẻ em được đảm bảo.