* Với Quốc hội, Chính Phủ:
Đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung, sửa đổi luật Ngân sách do:
- Luật Ngân sách chưa quy định giới hạn thời gian được phép điều chỉnh, bổ sung dự toán nên dẫn đến tình trạng dự toán điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm.
- Thực tế việc điều chỉnh, bổ sung dự toán thường thực hiện vào tháng 12 hàng năm làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong sử dụng ngân sách của các đơn vị dự toán.
- Mặt khác, do điều chỉnh, bổ sung ngân sách dồn vào cuối năm nên nhiều trường hợp đơn vị không đủ thời gian để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đó, dẫn tới số chi chuyển nguồn sang năm sau rất lớn.
* Với Bộ tài chính:
- Đề nghị quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng những nội dung được phép chuyển nguồn sang năm sau và thời hạn hoàn thành việc triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn sang năm sau.
- Hiện nay có rất nhiều văn bản hướng dẫn kiểm soát chi ngân sách cho từng đối tượng đơn vị sử dụng ngân sách khác nhau, gấy nhiều khó khăn cho Kho bạc Nhà nước trong việc kiểm soát chi. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách xã, đề nghị Bộ tài chính nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thống nhất hướng dẫn kiểm soát chi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và áp dụng các quy định trong kiểm soát, thanh toán các khoản chi của ngân sách xã, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước và hiệu quả quản lý chi ngân sách Nhà nước.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách, chế độ phân cấp quản lý ngân sách xã theo thẩm quyền của Bộ trong phạm vi luật ngân sách Nhà nước cho phép đang còn tồn tại, vướng mắc.
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính quyền xã và những chế độ đối với cán bộ xã.