Những hạn chế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 73 - 76)

Qua phân tích kết quả điều tra, khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến công tác chi ngân sách xã và ý kiến của cán bộ cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý chi NSX trên địa bàn huyện Thạch Hà ta thấy rằng: Bên cạnh những ưu điểm, mặt mạnh cần được phát huy, công tác quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh còn có những hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Những hạn chế này chủ yếu nằm ở các nội dung của quy trình quản lý chi ngân sách xã. Cụ thể:

* Trong phân cấp quản lý chi ngân sách cấp xã:

- Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách ở Thạch Hà còn hạn chế, quyền tự chủ, quyền tự quyết của cấp dưới trong đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình, dự án lớn,… đều phụ thuộc vào cơ quan chức năng ở Trung ương. Vì vậy khó thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra.

- Việc phân cấp quản lý chi NSNN cho các cấp ở địa phương chưa xứng tầm với khả năng và điều kiện cụ thể của các cấp địa phương, tập trung nhiều ở ngân sách cấp tỉnh, chưa phát huy tốt tính sáng tạo, tự chủ và tính chịu trách nhiệm của cấp dưới. Do đó, chưa phát huy đầy đủ các nguồn lực phát triển và sức mạnh tổng hợp của các cấp chính quyền địa phương.

* Trong lập dự toán chi ngân sách cấp xã:

- Còn nặng về hình thức, còn nặng về phân bổ dự toán từ trên xuống, coi nhẹ nhu cầu chi tiêu ở cấp dưới và chưa xem xét đúng mức đặc điểm, tình hình cụ thể trong kỳ kế hoạch. Điều này, dẫn đến dự toán được duyệt chưa công bằng giữa các xã.

- Trong lập dự toán ở xã, việc hướng dẫn và thông báo số kiểm tra về dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới chưa cụ thể. Do vậy, tính hiện thực và tính khoa học của việc lập dự toán bị hạn chế.

- Việc lập, quyết định, phân bổ giao dự toán chi ngân sách cấp xã phần lớn là do Phòng tài chính, Phòng kế hoạch đầu tư làm tham mưu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chủ quan của cơ quan tham mưu, có thể dẫn đến các quyết định thiếu chuẩn xác.

- Cơ quan tài chính cấp xã chưa thực hiện đầy đủ việc xem xét dự toán của các đơn vị cơ sở được tổng hợp từ dưới lên và nghe giải trình của đơn vị thụ hưởng ngân sách để tham mưu cho UBND trình HĐND xét duyệt dự toán ngân sách cho phù hợp với thực tế.

* Trong chấp hành dự toán chi ngân sách cấp xã:

- Sự kết hợp giữa cơ quan tài chính các cấp chưa chặt chẽ trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi trong chấp hành chi ngân sách cấp xã.

- Một vài xã có những quy định về mức chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.

- Việc chi đầu tư XDCB còn dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát còn nhiều; do còn tồn tại cơ chế “xin - cho”.

- Quản lý chi thường xuyên đối với đơn vị thụ hưởng ngân sách vẫn còn phổ biến tình trạng “bao cấp” làm cho đơn vị thiếu tự chủ về tài chính, dễ phát sinh tiêu cực, kém hiệu quả.

- Cơ quan có thẩm quyền ban hành định chế tài chính thiếu quan tâm rà soát các chế độ, tiêu chuẩn, định mức hàng năm để ban hành cho phù hợp với

tình hình thực tế, dẫn đến tình trạng rất phổ biến là các chế độ, tiêu chuẩn, định mức không phù hợp với thực tế.

- Các cơ quan chức năng quản lý chi ngân sách cấp xã đối với các đơn vị thụ hưởng đôi khi chưa thống nhất đã gây phiền hà, khó khăn cho đơn vị cơ sở.

- Quản lý chi ngân sách cấp xã theo chương trình mục tiêu vẫn chưa bám sát tiến độ và hiệu quả.

- Quản lý chi qua Kho bạc Nhà nước ở Thạch Hà khá tốt, song cũng còn hạn chế là việc kiểm soát chi qua chứng từ quá nặng nề gây phiền hà, khó khăn cho đơn vị, đôi khi còn thiếu công bằng trong xử lý.

* Trong quyết toán chi ngân sách cấp xã:

- Đội ngũ làm công tác chuyên môn tài chính, nhất là cán bộ cấp xã còn khoảng 10% chưa có chuyên môn theo đúng quy định, do cán bộ tài chính xã còn có thể thay đổi theo nhiệm kỳ của HĐND xã.

- Trình tự phê duyệt tổng quyết toán chi ngân sách cấp xã chưa được xem xét; phân tích, đánh giá chưa xác thực việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các xã.

* Trong kiểm tra, thanh tra chi ngân sách cấp xã:

- Kiểm tra, thanh tra trong quản lý chi ngân sách cấp xã từ khâu lập dự toán do cơ quan tài chính đảm nhận và còn nặng theo tiêu chí phân bổ dự toán, chế độ, tiêu chuẩn, định mức có phần không phù hợp với thực tế. Do vậy, việc kiểm tra, thanh tra xét duyệt ở một số đơn vị chưa phù hợp, chưa hiêu quả.

- Việc kiểm tra, thanh tra trong khi chi ngân sách cấp xã được cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước kiểm tra, xét duyệt khá nghiêm ngặt về tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ nhưng ít quan tâm đến hiệu quả chi tiêu.

- Việc kiểm tra, thanh tra sau khi chi ngân sách cấp xã do các cơ quan chức năng còn chồng chéo. Điều này làm cho đơn vị phải làm việc nhiều với cơ quan kiểm tra, thanh tra, với nhiều kết luận khác nhau; gây phiền hà cho hoạt động của đơn vị trong năm kế hoạch. Hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra còn hạn chế.

Quản lý chi ngân sách cấp xã thường chưa quan tâm đến các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nên thiếu tính động viên, khuyến khích trong quản lý chi tiêu ngân sách.

Xử lý vi phạm trong việc quản lý chi ngân sách cấp xã đôi khi chưa minh bạch, chưa công bằng, còn chủ quan làm cho đơn vị bị xử lý không tôn trọng về kết quả xử lý vi phạm.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 73 - 76)