Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 39 - 40)

1.3.1.1. Điều kiện tự nhiên

Điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý, địa hình sẽ là nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu chi của ngân sách cấp xã. Phạm vi diện tích lãnh thổ của địa phương lớn hơn sẽ đòi hỏi chi công tác quản lý Nhà nước lớn hơn, chi đảm bảo an ninh, quốc phòng lớn hơn và chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn,… Nếu diện tích rộng và địa hình phức tạp cộng với yếu tố thời tiết khắc nghiệt sẽ làm tăng chi khắc phục thiên tai, cứu trợ xã hội, làm tăng chi phí đầu tư XDCB.

Điều kiện địa lý và địa hình sẽ khiến khó khăn hay thuận lợi cho việc phân bổ cơ sở cung cấp dịch vụ công và liên quan tới chi phí mở rộng cơ sở và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra những yếu tố này còn khiến cho việc phân bổ cơ sở hạ tầng và cũng như dịch vụ cung cấp cho khách hàng, nó còn khiến cho chi phí của người sử dụng cao hơn.

Những nơi có điều kiện thuận lợi thì dân cư tập trung đông đúc, việc phát triển kinh tế - xã hội được thuận lợi, tạo ra nhiều nguồn thu hơn và chi ngân sách cũng cao hơn những nơi ít thuận lợi.

1.3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Sự phát triển kinh tế - xã hội tác động cả hai phía đầu vào và đầu ra của công tác quản lý chi ngân sách cấp xã.

Về đầu ra, sự phát triển kinh tế - xã hội này sẽ tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ công, hạ tầng cơ sở có chất lượng, hay nói cách khác, quá trình này đòi hỏi phải có những dịch vụ công chất lượng, cơ sở hạ tầng đảm bảo để cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống dân cư. Mặt khác, sự phát triển kinh tế khi các cơ sở kinh tế và điểm dân cư mở rộng và điều chỉnh đòi hỏi không chỉ mở rộng mà còn xây dựng nhiều cơ sở mới, tạo ra nhiều dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu cao hơn của nền kinh tế. Tình hình xã hội cũng tác động nhiều tới sự phát triển cơ sở hạ tầng. Quy mô và tốc độ tăng dân số nhanh ở các nước đang phát triển làm tăng đáng kể nhu cầu dịch vụ cơ sở hạ tầng, làm tăng nhu cầu chi cho đảm bảo xã hội.

Về phía đầu vào, khi sự phát triển kinh tế - xã hội cao sẽ giúp cho nền kinh tế có nhiều hơn nguồn lực đóng góp vào ngân sách và do đó có nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

1.3.1.3. Phân cấp quản lý và điều hành chi NSNN

Phân cấp quản lý ngân sách là cách tốt nhất để gắn các hoạt động NSNN với các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo sự chủ động và nâng cao tính tự chủ của địa phương với mục tiêu tập trung đầy đủ, kịp thời các nguồn lực tài chính quốc gia và phân phối, sử dụng công bằng, hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách cấp trên, góp phần làm giảm bội chi NSNN, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phân cấp quản lý ngân sách đúng đắn và hợp lý không chỉ làm tăng tính chủ động, tự chủ của địa phương, đảm bảo cho việc duy trì, phát triển hoạt động của các cấp chính quyền địa phương mà còn tạo điều kiện phát huy được các lợi thế nhiều mặt của từng vùng, từng địa phương; cho phép quản lý và kế hoạch hóa tốt hơn, điều chỉnh mối quan hệ giữa các cấp chính quyền cũng như mối quan hệ giữa các cấp ngân sách được tốt hơn; thúc đẩy phân cấp quản lý kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách xã trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 39 - 40)