Nhân vật nhà văn với sự giải thoát trong sáng tác

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh nhìn từ phân tâm học (Trang 104 - 108)

Nói về nhân vật nhà văn cũng có nghĩa là chúng ta nói về nhân vật Kiên ở thời hoà bình, thời hậu chiến. Hoà bình trở về, người lính trinh sát dũng cảm kiên cường năm nào đã trở thành một nhà văn với thiên mệnh: sống để viết và chỉ có viết mới mong tìm được sự giải thoát, sự thanh thản trong cuộc đời.

Tại sao rời quân ngũ, về với hoà bình, Kiên lại trở thành một nhà văn, lại chủ yếu chỉ viết về chiến tranh, chỉ sống lại với quá khứ khổ đau của chiến tranh và của tình yêu? Để lý giải điều này, chúng ta có thể cần đến ánh sáng của Phân tâm học.

Như đã đề cập, nhân vật Kiên có quá nhiều ám ảnh từ cuộc chiến tranh khốc

liệt, tàn bạo. Cuộc chiến ấy anh phải sống những chuỗi ngày cực khổ, mà “chiến

tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng gióng con người”[78, tr.39, 40]. Nơi mà anh đã chứng kiến bao nhiêu cái

chết, bao nhiêu người đã hy sinh để cho anh được sống bởi lẽ rất đơn giản: “mình

chết thì bạn mình được sống”. Ngay cả với tình yêu, Kiên đã có một tình yêu thật đẹp với Phương từ thủa học trò nhưng mối tình ấy cũng đã bị chiến tranh chia cắt, để lại trong anh một nỗi buồn mêng mang, một sự ám ảnh không dứt.

Theo Freud, sang chấn luôn để lại những ám ảnh trong cuộc đời mỗi con người.Cuộc đời của Kiên là như vậy:“Chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó, với những móng vuốt của nó, với những sự thật trần trụi bất nhân của nó sẽ chỉ đơn thuần có nghĩa là một thời buổi và một quãng đời mà bất kỳ ai đã phải trải qua, đều mãi mãi bị ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình thường, mãi mãi không thể tự tha thứ cho mình”[78, tr.257,258]. Hoà bình trở về, mà “hoà bình ập đến phũ

phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui”[78, tr 131]. Kiên không thể hoà đồng, không thể tìm niềm vui trong cuộc sống ấy. Anh luôn sống với những ám ảnh, dằn vặt và hình ảnh cuộc chiến tàn khốc cùng nỗi buồn mênh mang của tình yêu ấy cứ trở đi trở lại trong Kiên. Và như thế, anh chỉ tìm thấy sự giải toả, sự giải thoát qua việc viết những trang văn về những con người ưu tú nhất đã phải ngã xuống trong chiến tranh, viết về tình yêu của bản thân mình với nỗi buồn mênh mang. “Phải viết thôi! Kiên thường tự nhủ một cách nghiêm trang và quả quyết, một cách thôi thúc và nôn nóng như thế, như thể thầm hô lên một khẩu hiệu để giục lòng mình (...)Phải viết thôi! Đời anh từ bấy lâu nay còn gì hơn là viết, mặc dù phải viết khổ viết sở, như đập đầu vào đá, như là tự tay tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái con người mình ra...(...) Phải viết thôi! Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà sống”[78, tr 187].

Những sang chấn của chiến tranh là quá lớn đối với Kiên, Kiên không thể tự thoát ra khỏi sự ám ảnh của nó. Anh phải viết về nó như là sự giải thoát mình khỏi những ám ảnh. Và thế là những trang viết của anh xuất hiện. Đầu tiên là những hình

ảnh tàn khốc của chiến tranh: “Sách anh đầy rẫy những tử thi. Những xâu lính Mỹ

trẻ măng mình mẩy không chút xây xát ngồi ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn thu (...) Những lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm cây bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy giòi và mùi da thịt khắm lặm của nình (...) những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi (...) sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt một mái nhà lợp bằng thây người”[78, tr 109]. Viết về những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh, nhà văn Kiên đã góp phần lên tiếng phản đối chiến tranh tàn khốc đối với cuộc sống của con người.

Không những thế, Kiên còn viết về những con người cụ thể, những đồng đội của anh, những người đã hy sinh để anh được sống, được trở về và được cầm bút

như ngày hôm nay.“Trong đêm đen của hồi tưởng, Kiên nhìn đăm đăm vào bóng tối

người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình được sống!”[78, tr. 241]. Anh viết về họ là một lần nữa tri ân họ, những con người đáng sống hơn bất cứ ai trên cõi đời này. Trong trang viết của anh bắt đầu xuất hiện những cái tên một thời thân thuộc như Thịnh“con”, Thịnh“nhớn”, Cừ, Tạo“voi”, Quảng, Hoà và cả Can nữa... Anh viết về họ với nhưng trang văn trang trọng nhất,

tôn kính nhất:“Dòng máu đặc sệt của Từ vọt toé lên mặt Kiên thay cho một tiếng

thét, thay cho một lời giục giã (...) Oanh đã che chắn cho Kiên khỏi hứng phải loạt đạn của kẻ bắn lén...”[78, tr. 242].

Bên cạnh hình ảnh những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường khốc liệt, Kiên còn viết cả về những người lính sau chiến tranh, những người lính trong cuộc chiến của thời kỳ hậu chiến. Họ đã buông súng trở về với hoà bình nhưng dư âm của chiến tranh đã không cho họ sống yên ổn trong hoà bình. Đó là Trần Sinh: bị liệt do vết thương ở chiến trường, anh như bị chiến tranh cầm tù và chỉ có ước muốn đơn giản là chết cho xong cuộc đời. Đó là Vượng“tồ”, người lính lái xe tăng trong chiến trường, nhưng hoà bình rồi mà anh không bao giờ bước ra khổi miệng hố chiến tranh để rồi phải tìm sự bình yên trong rượu cồn, trốn tránh cuộc đời.

Đó còn là hình ảnh những người phụ nữ bên rìa cuộc chiến tranh nhưng chiến tranh cũng không buông tha cho họ. Hình ảnh mẹ Lan ở Đồi Mơ sống trong lầm lũi và suốt ngày mong ngóng tin tức của hai đứa con chiến đấu ở chiến trường. Nhưng thật oan nghiệt, hoà bình đã về rồi mà trong một ngày mẹ nhận cả hai giấy báo tử của hai người con của mình. Sức tàn phá của chiến tranh đã cuốn mẹ đi ngay cả khi đã hoà bình. Lan cũng vậy, sống cô đơn, lầm lũi ở Đồi Mơ khi chiến tranh đã lấy đi của cô tất cả gần như cùng một lúc.

Không chỉ viết về chiến tranh, Kiên đã dành một số lượng đáng kể để viết về tình yêu- một tình yêu buồn mênh mang mà Phương luôn là nỗi ám ảnh. Tình yêu ấy đã khắc những vết rãnh sâu vào trái tim Kiên ngay từ những ngày đầu Kiên bước vào đời lính. Chiến tranh đã chia cắt họ, đẩy họ ra xa nhau và mất nhau mãi mãi,

mất nhau ngay cả khi đang ở bên nhau. Những ám ảnh đó giằng xé trái tim Kiên,

buộc anh phải viết về nó như thể “tự tay tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái

con người mình ra”[78, tr. 187].

Và cứ như thế hằng đêm, anh lại đối diện với ký ức, với những ám ảnh khủng khiếp để viết. Anh viết để trút bớt gánh nặng của quá khứ, viết như để trả nợ cuộc đời, viết để mà sống. Dưới ánh sáng của Phân tâm học, chúng ta có thể lý giải được những ẩn ức những ám ảnh từ những sang chấn của Kiên trong sâu thẳm tâm hồn.Việc Kiên viết như là sự giải thoát cũng chính là quá trình tự giải toả những ẩn ức, những ám ảnh đã hằn sâu trong vô thức của chính mình. Đó cũng là quá trình đi tìm lại bản thể người của nhân vật. Qua đó, Bảo Ninh cũng khẳng định với bạn đọc một điều rằng: tính bản thiện luôn tồn tại trong mỗi con người.

Chƣơng 3

CÁC THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN

CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH NHÌN TỪ PHÂN TÂM HỌC

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh nhìn từ phân tâm học (Trang 104 - 108)