Chúng ta có thể khẳng định rằng: “Văn học không thể thiếu nhân vật, vì nó
chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về những vấn đề của thế giới hiện thực”[32, tr.126].
Đúng vậy, để thể hiện rõ được hiện thực tàn khốc của chiến tranh, Bảo Ninh cũng cần phải có sự tư duy nghiên cứu, chọn lựa những nhân vật phù hợp. Trong tất
cả những sáng tác của mình, đặc biệt là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh
đã đặc biệt quan tâm khắc hoạ đến ba đối tượng chính- đó cũng là ba loại nhân vật giúp tác giả thành công trong việc tột trần bản chất của cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là: nhân vật người lính, nhân vật người phụ nữ và nhân vật những người dân bình thường.
Sau năm 1986, văn học đã tiếp cận con người ở góc độ đời tư, cá thể. Mỗi người là một thế giới riêng, một số phận riêng. Chiến tranh vì thế cũng được nhận thức lại từ sự tác động ghê gớm của nó đến tính cách và số phận con người. Trên tinh thần đó, Bảo Ninh hướng ngòi bút của mình vào góc khuất của chiến tranh, viết về nó dưới góc nhìn hoàn toàn mới, góc nhìn từ thân phận con người. Các trang viết của ông man mác một nỗi buồn nhân bản gắn với thân phận con người bị buộc vào cái trục chiến tranh và bị cuốn theo vòng xoáy của nó.
Nói đến chiến tranh là nói đến cơn lốc huỷ diệt. Nó cuốn theo hàng vạn sinh linh, hất tung họ ra khỏi cuộc đời bình thường mà nạn nhân đầu tiên là những người lính. Trên trang viết, Bảo Ninh đặc biệt quan tâm tới số phận của họ. Với cái nhìn của một người trải nghiệm, ông cay đắng nhận ra rằng, người lính là phận con sâu cái kiến, bị buộc phải cõng chiến tranh trên lưng. Còn chiến tranh thì không ngừng tàn sát huỷ hoại họ cả nhân hình và có sức ám ảnh mạnh mẽ đến nhân tính.
Viết về số phận người lính trong chiến tranh, Bảo Ninh không dừng lại ở việc người lính bị huỷ hoại sự sống, nhân hình. Cái ông muốn xoáy sâu chính là sự ám ảnh mạnh mẽ tâm hồn, nhân tính. Đây là điểm mới trong ngòi bút của Bảo Ninh ngay ở thời điểm ông xuất hiện trên văn đàn. Ông luôn trăn trở về vấn đề sự ám ảnh
nhân tính của người lính trước sự huỷ diệt trong chiến tranh. Trong Nỗi buồn chiến
tranh rất nhiều lần Bảo Ninh đã để cho nhân vật của mình đưa ra những cảnh báo về nhân tính. Trước khi bước vào cuộc chiến, đa phần người lính là những thanh niên mười tám, đôi mươi, tâm hồn trẻ trung phơi phới. Sau ba tháng huần luyện chiến sỹ mới, họ được ấn vào tay súng đạn và chính thức bước vào chiến trường làm cái
công việc bất khả kháng là chém giết, dù những cuộc chém giết kinh hoàng đó là phục vụ cho sự sinh tồn của quê hương đất nước. Họ phải đổ máu, họ phải hi sinh dể dành chiến thắng, để chiến tranh chấm dứt, được trở về với cuộc sống bình yên. Thế nhưng, chiến thắng tiếp nối chiến thắng mà đường chiến tranh vẫn mịt mù thăm thẳm, hoà bình thì chỉ đến trong giấc mơ! Tâm hồn họ thì cứ xơ cứng dần theo thời gian cùng đạn bom, máu lửa và cái chết. Một phần trong số họ bắt đầu nảy sinh tâm lí hoài nghi, chán nản, ấm ức, bực bội, mâu thuẫn không sao giải toả nổi. Cảnh chết chóc, chém giết, máu lửa, đói khổ, bệnh tật luôn ám ảnh khiến họ rơi vào trạng thái sống lẫn lộn giữa thực tại và ảo giác. Họ thấy lo sợ cho nhân tính của mình.
Bên cạnh số phận người lính trong chiến tranh, Bảo Ninh còn quan tâm nhiều đến số phận người lính sau chiến tranh. Có lẽ đây là điểm mạnh nhất trong sáng tác của ông. Ở tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của Bảo Ninh, hiện thực khốc liệt sau chiến tranh hằn rõ trong hình tượng người lính trở về. Người “xanh cỏ” đã an phận một đằng, kẻ “đỏ ngực” giờ lại tiếp tục đối mặt với cuộc sống bộn bề ngang trái. Họ đã đợi chờ hoà bình đến mỏi mòn, quắt quay, họ đã giành lấy hoà bình bằng máu xương và nước mắt. Thế mà giờ đây, một phần lớn trong số họ đều rơi vào trạng thái bi kịch. Họ từng ôm ấp những lí tưởng, hoài bão cao đẹp, nó là cứu cánh của họ suốt một thời tắm trong máu lửa chiến tranh. Nhưng thắng lợi của cuộc chiến không mang lại những gì họ hằng tưởng. Khi đối mặt trước thực tại, lí tưởng đổ vỡ, hoài bão tiêu tan, họ chới với, hụt hẫng. Họ bị đánh bật ra khỏi guồng quay của cuộc sống, rồi rơi vào cô đơn đến tuyệt vọng. Họ thành kẻ lạc thời, lạc loài.
Cuộc đời người lính trong hoà bình đã minh chứng rằng chiến tranh chưa bị đẩy lùi vào dĩ vãng, nó còn hiện diện với những day dứt, ám ảnh không thôi về quá khứ cùng sự lạc lõng, cô đơn trong khát vọng hoà nhập vào cuộc sống hiện tại của họ.
Câu chuyện về số phận của người lính được Bảo Ninh kể mãi không dứt trong trang viết của mình. Nó có sự ám ảnh đặc biệt đối với người đọc. Bởi tác giả đã kể bằng tất cả những gì tâm huyết nhất tận đáy lòng, bằng giọng văn còn hằn nguyên nỗi đau thấm thía của một cựu binh trở về từ lửa đạn. Qua số phận người
lính, Bảo Ninh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại, nhân danh loài người mà lên án chiến tranh.
Văn học sau 1975 đã khai thác sâu hình tượng người phụ nữ ở góc độ đời tư cá nhân, các nhà văn quan tâm hơn đến khát vọng tình yêu, hạnh phúc, khát vọng bản năng của người phụ nữ. Những trang viết về họ không còn là những trang anh hùng ca nữa mà là những trang viết đượm buồn. Cuộc đời họ là một chuỗi những ngày dài mất mát, bi kịch, đặc biệt là những người phụ nữ đi qua chiến tranh.
Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, bên cạnh nhân vật người lính ông
dồn nhiều bút lực của mình để viết về nhân vật người phụ nữ. Trong suy nghĩ của mình, Bảo Ninh thấy rằng trước khi đặt chân vào vòng khói lửa chiến tranh họ đều là những cô gái trẻ trung yêu đời, có vẻ đẹp hình thể tràn trề nhựa sống. Chính điều đó khiến họ trở thành miếng mồi béo bở cho con mãnh thú chiến tranh. Nhân vật Phương là một điển hình cho người phụ nữ bị vùi dập như vậy. Cuộc đời đẹp như đoá hoa đang độ xuân sắc của Phương bỗng chốc bị chà đạp, nát tan. Trên chuyến tàu đưa Kiên vào chiến trường, Phương đã bị cướp đi đời người con gái trinh trắng của mình.
Sự tàn bạo của chiến tranh còn hằn in trên số phận bi đát của ba cô gái ở trại
tăng gia của Huyện đội 67 “bị chiến tranh cầm tù giữa rừng sâu núi thẳm”- Mây,
Thơm và Hơ Bia. Khi anh em trong tiểu đội trinh sát tìm được đến nơi, ngôi nhà nhỏ ba gian giữa rừng vẫn còn hương huệ. Mâm cơm chưa kịp ăn, bếp tro còn hơi ấm. “Cả ba cô gái, người trên nhà, người dưới bếp, người đang tắm, chẳng ai kịp trở tay”trước cuộc tập kích của bọn thám báo.
Cùng với số phận như các cô, Hoà - cô giao liên dẫn đường đoàn tải thương mà Kiên gặp ở Ngọc Bơ Rẫy cũng rơi vào tay bọn giã thú. Để cứu Kiên và đoàn thương binh khỏi sự đánh hơi của bọn chó săn, Hoà chạy đánh lạc hướng và bị khoảng chục tên Mỹ đa phần là da đen to khoẻ chộp được. Cảnh tượng quằn quại trong man rợ của Hoà mãi mãi đè nặng trong lòng Kiên một nỗi buồn mênh mang không gì nguôi được. Chiến tranh là như vậy, số phận người phụ nữ là như vậy. Lọt
vào tay kẻ thù, bất kỳ cô gái nào cũng bị những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc cưỡng hiếp man rợ.
Ngoài chiến trường đã thế, ở hậu phương số phận người phụ nữ cũng chẳng yên bình hơn. Mẹ của Lan - người con gái ở Đồi Mơ cũng tương tự. Vò võ ngóng tin con, mòn mỏi đợi hoà bình nhưng vừa hoà bình, cùng một ngày, buổi sáng buổi chiều mẹ nhận hai giấy báo tử của hai anh trai Lan, bị cú sốc quá lớn sau chuỗi ngày dài hy vọng, nhớ mong đã khiến mẹ không thể gượng dậy. Những lời tâm sự của Lan đã phản ánh một hiện thực phũ phàng, cảnh tỉnh những người có trách nhiệm trước dân chúng. Sự vô tâm của họ cũng là nguyên nhân gây nên bao nỗi bất hạnh cho cuộc đời này. Bản thân Lan cũng là một hiện thân khác của số phận người phụ nữ ở hậu phương: chồng hy sinh, đứa con trai vừa chào đời cũng bỏ cô theo bố, cả đời Lan sống trong cô đơn với nỗi khao khát làm mẹ đến cháy lòng.
Quan tâm đến số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh, Bảo Ninh nhận
thấy: “Cũng như cỏ cây, số phận con người mà bị khói lửa chiến tranh ngốn thì chỉ
thoáng chốc thôi là thành tro than”. Chiến tranh như con quái vật đang say máu đã vươn dài đôi tay bóp nát tuổi xuân, tình yêu, hạnh phúc, cuộc đời người phụ nữ. Cả đến lúc dãy chết nó vẫn còn cào móng vuốt vào cuộc đời họ để lại những vết thương không thể chữa lành. Bằng trải nghiệm xương máu và tấm lòng cảm thông sâu sắc với người phụ nữ, Bảo Ninh đã mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực và cảm xúc khó quên. Để rồi từ đó người đọc hiểu hơn về những mất mát đau thương mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu, hiểu hơn về giá trị con người, giá trị của cái đẹp trước sự tàn bạo của chiến tranh.
Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh của không biết bao nhiêu người vô tội. Người chết tan xương nát thịt đã là một nhẽ, người sống sót cũng không ra hình hài con người. Chiến tranh tràn qua đã biến những bản làng bình yên thành những vùng đất chết. Những cuộc thảm sát thường dân vô tội thường sảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là hiện thân cho những gì tàn bạo nhất mà cuộc chiến đã gây ra. Trong tác phẩm của mình, Bảo Ninh nhắc nhiều đến những cuộc xoá sổ những ngôi làng thường dân như thế. Đó là cái làng hủi, nơi vốn đã tập hợp
những con người bất hạnh nương tựa vào nhau lánh nạn tận xó rừng. Thế mà chiến tranh vẫn không buông tha. Trận đánh ác liệt vào mùa khô năm 1969 xoá sổ Tiểu đoàn 27, xoá luôn vết tích của ngôi làng. Khi đơn vị của Kiên quay lại, làng chỉ còn lại là một đống tro tàn, tịnh không một bóng người. Tất cả hoàn toàn bị thiêu rụi.
Cuộc chiến kết thúc nhưng câu chuyện về số phận về người dân của Bảo Ninh thì chưa kết thúc. Ông tiếp tục kể câu chuyện của họ trước bộn bề đổ nát, ngang trái sau chiến tranh. Thực tế khủng khiếp nhất mà họ phải đối mặt là cảnh cô đơn và nỗi đau mất người thân, mất con. Cuộc sống sau chiến tranh của gia đình ông Huynh là những chuỗi ngày dài chìm trong đau khổ. Đó cũng là nỗi đau của Lan và mẹ Lan…
Với cảm hứng “nhận thức lại”, Bảo Ninh đã hướng ngòi bút của mình vào
những miền khuất lấp của chiến tranh để khắc hoạ bức tranh chân thật nhất về cuộc chiến. Tuy nhiên, viết về chiến tranh Bảo Ninh không dừng lại ở việc phản ánh sự khốc liệt của nó, cái ông hướng đến chính là phản ánh số phận con người. Với tâm
thức “không được quên tất cả những gì sảy ra trong cuộc chiến tranh này, số phận
chung của chúng ta, cả người sống lẫn người chết”, Bảo Ninh đã mang đến cho người đọc những cảm xúc và những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam trong và sau chiến tranh. Dù còn nhiều buồn đau nhung nó lại chứa đựng những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời về đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng.