8. Cấu trúc của luận văn
3.3. Mối liên hệ giữa các giải pháp
Giải pháp quản lý là những hoạt động quản lý nhằm tác động có hiệu quả đến khách thể quản lý để thực hiện các nhiệm vụ quản lý và đạt được những mục tiêu quản lý đã đề ra. Giải pháp quản lý là một hệ thống đa dạng, năng động không ngừng phát triển. Không có giải pháp nào là vạn năng, là hoàn hảo, do đó cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp khác nhau để phối hợp thực hiện nhằm giải quyết tốt các nhiệm vụ quản lý và đạt được mục tiêu quản lý đề ra. Phải tuỳ theo công việc, con người, hoàn cảnh, điều kiện, thời gian ... mà lựa chọn và kết hợp các giải pháp thích hợp. Mỗi giải pháp đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định, do đó tám giải pháp trên đều phải được thực hiện một cách sáng tạo, có hệ thống và đồng bộ, đó là những lý do mà chúng tôi mạnh dạn đưa ra trong luận văn này. Nó không có ý nghĩa khi thực hiện đơn lẻ từng giải pháp.
Trong tám giải pháp nêu trên thì giải pháp "Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên nhà trường về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục y đức cho SV" có ý nghĩa tiên quyết, tạo tiền đề để thực hiện có hiệu quả các giải pháp khác. Nhận thức định hướng cho hành động, nhận thức đúng là một trong những điều kiện cơ bản để có hành động đúng. Nhận thức đúng bao hàm cả tư tưởng đúng. Nếu nhận thức đúng vấn đề nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu lòng nhân ái, thiếu sự quan tâm, thiếu sự kiên trì sáng tạo thì không thể chuyển hóa nhận thức thành hành động thực tế và hoạt động giáo dục y đức chỉ được thực hiện bởi một bộ phận cán bộ như Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm còn các lực lượng giáo dục khác chỉ tham gia một cách thụ động, hình thức.
Các giải pháp "Kế hoạch hóa hoạt động giáo dục y đức" và "Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch" là giải pháp then chốt trong một chu trình quản lý nhằm hoàn thiện các mục tiêu của hoạt động giáo dục y đức cho SV. Giải pháp "Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng giáo dục" và giải pháp "Cải tiến việc đánh giá kết quả rèn luyện" là những giải pháp đòn bẩy. Các biên pháp còn lại cũng không kém phần quan trọng vì chúng tạo điều kiện để các nhà quản lý phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm, điều kiện thực tế của từng trường mà các giải pháp nêu trên có vị trí, vai trò tầm quan trọng khác nhau, nhưng chúng tôi có thể khẳng định nếu biết vận dụng, phối hợp đồng bộ, sáng tạo các giải pháp đã nêu thì sẽ đạt được hiệu quả giáo dục y đức cho SV như mong muốn, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường Y hiện nay.