8. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Quản lý và quản lý công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp
1.2.3.1. Khái niệm quản lý
Quản lý là một hoạt động rất phổ biến trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế và đời sống xã hội loài người. Khi một nhóm hay một tổ chức cộng đồng người cùng làm việc với nhau để đạt được mục tiêu chung nào đó thì cần đến sự quản lý để điều khiển và điều hoà mọi hoạt động của từng thành viên, hướng những hoạt động chuyên biệt riêng vào hoạt động chung và đạt đến mục đích chung nhất đã được xác định trước. Như vậy, ở bất cứ đâu, trong bất kỳ lĩnh vực nào mà có sự hợp tác của nhiều người thì ở đó cần có quản lý, bởi vì mọi hoạt động chung của nhiều người, nhiều thành tố tham gia đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp với nhau dù dưới bất kỳ hình thức nào. Ăng Ghen khẳng định: "Quản lý là tất yếu khi nhiều người cùng hoạt động chung với nhau, khi có sự hợp tác của một số người, khi có sự phối hợp của nhiều người".
Có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý. Dưới đây là một số khái niệm chủ yếu:
- Theo cách tiếp cận hệ thống: quản lý là sự tác động của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm tổ chức, phối hợp hoạt động của con người trong quá trình sản xuất xã hội để đạt được mục đích đã định.
Các nhà lí luận quản lý Quốc tế như: Frederich William Taylor (1856 - 1915), Mỹ; Henry Fayol (1841 - 1925), Pháp; Max Weber (1864 - 1920), Đức đều khẳng định: quản lý là khoa học và đồng thời là nghệ thuật thúc đẩy sự phát triển xã hội.
- Theo tác giả Trần Quốc Thành: quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý để chỉ huy, điều khiển hướng dẫn các quá trình xã hội, hành vi và hoạt động của con người nhằm đạt tới mục đích, đúng với ý chí nhà quản lý, phù hợp với quy luật khách quan [40].
- Theo quan điểm quản lý hiện đại: quản lý là cách tổ chức phối hợp thực hiện 4 chức năng cơ bản: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Bốn chức năng này liên quan mật thiết với nhau tạo thành chu trình quản lý.
Các khái niệm quản lý tuy khác nhau, song chúng có chung những dấu hiệu chủ yếu sau đây:
+ Hoạt động quản lý được tiến hành trong một tổ chức hay một nhóm xã hội.
+ Hoạt động quản lý là những tác động có tính hướng đích.
+ Hoạt động quản lý là những tác động phối hợp nỗ lực của các cá nhân nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức.
Như vậy, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm chung nhất cho quản lý: quản lý là một quá trình tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm sử dụng hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đề ra trong điều kiện biến động của môi trường.
Quản lý là một khoa học sử dụng tri thức của nhiều môn: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời nó còn là nghệ thuật thu phục nhân tâm.
1.2.3.2. Khái niệm quản lý công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên
Từ khái niệm quản lý, chúng ta có thể hiểu quản lý công tác giáo dục ĐĐNN là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục ĐĐNN đạt kết quả mong muốn một cách hiệu quả nhất.
Quản lý công tác giáo dục ĐĐNN là phải hướng tới việc làm cho mọi lực lượng giáo dục nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động giáo dục ĐĐNN, tích cực tham gia vào quá trình giáo dục ĐĐNN. Quản lý công tác giáo dục ĐĐNN là quản lý cả mục tiêu, nội dung, hình thức phương pháp giáo dục ĐĐNN, huy động đồng bộ lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục ĐĐNN, phát huy năng lực tự giáo dục của sinh viên.
Quản lý công tác giáo dục ĐĐNN là quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lý tới các thành tố tham gia vào hoạt động giáo dục ĐĐNN nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục ĐĐNN.