Về công nhiệp, xây dựng: Hậu Giang đang vận động đầu tư để khởi công xây dựng các công trình quy mô như: Các khu công nghiệp tập trung (cụm công nghiệp tập trung Sông Hậu, cụm công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh), khu công nghiệp Vị Thanh, trung tâm công nghiệp địa phương. Đối với ngành xây dựng, chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng tại các khu, cụm
công nghiệp. Vốn ngân sách trung ương và địa phương tập trung vào xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội và đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2007 là năm ngành công nghiệp gặt hái được nhiều thành công lớn do có một số thuận lợi về thị trường và giá cả. Công nghiệp quốc doanh với hai công ty dẫn đầu là Công ty Cafatex và Công ty Mía đường hoạt động rất mạnh. Các loại hình kinh tế tập thể, cá thể hoạt động sản xuất cũng thuận lợi, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi sang loại hình kinh tế hỗn hợp (công ty TNHH, công ty Cổ phần) có tốc độ phát triển khá cao và chiếm tỉ trọng rất lớn. Năm 2008 tình hình lạm phát xảy ra ngày càng cao làm cho giá xăng dầu, than, nguyên liệu, chi phí nhân công và khấu hao máy móc đều tăng cao; thêm vào đó, nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến khan hiếm…tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh.
Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Từ xa xưa vùng đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại. Những tháng đầu năm 2008, thị trường giá cả phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có nhiều biến động, đã gây khó khăn cho người sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, giá các loại thức ăn thủy sản cũng tăng cao, diện tích nuôi cá trên ruộng tăng, cá da trơn diễn biến phức tạp, nhìn chung ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Về thương mại, dịch vụ: Tỉnh rất quan tâm việc xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng chợ xã, chợ nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, mua, bán hàng hóa, đặc biệt là hệ thống siêu thị Co.opmark tại thị xã Vị Thanh. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, các mặt hàng có thế mạnh, cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm mới, củng cố và giữ vững được thị trường đã có và tìm kiếm thị trường mới. Mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình thương mại - dịch vụ. Đầu tư hoàn chỉnh các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối để làm vai trò đầu mối trung chuyển hàng hóa của một số chợ trung tâm. Tập trung xã hội hóa dịch vụ du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cấp mở rộng hệ thống nhà hàng, khách sạn nhằm đa dạng hóa
Về văn hóa – xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010; Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình giảm nghèo ở cấp ấp, xã và huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, giải quyết việc làm. Hoàn thành cơ bản xây dựng Trường Trung cấp nghề của tỉnh, Trường dạy nghề thị xã Ngã Bảy và các trung tâm dạy nghề ở các huyện. Đã chấn chỉnh công tác xuất khẩu lao động.
Tóm lại, tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đang tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Việc tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế - xã hội tỉnh góp phần quan trọng vào định hướng hoạt động của ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có thể đưa ra những quyết định kịp thời, những chiến lược phù hợp với tình hình kinh tế địa phương. Điều đó sẽ giúp cho hoạt động của ngân hàng rất nhiều cũng như góp phần phát triển tỉnh nhà ngày càng phồn vinh hơn.