Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại ngân hàng ngoài quốc doanh việt nam hải phòng (Trang 30 - 32)

Môi trường pháp lý

Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là cơ sở để phát triển thị trường tín dụng an toàn, thúc đẩy các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao cho dân cư, đảm bảo quyền lợi cho cả ngân hàng và khách hàng. Do yếu tố rủi ro rất lớn trong cho vay tiêu dùng mà yêu cầu về một môi trường pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng là rất cần thiết. Hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay thường được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng hay là quy chế cho vay.

Ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm và chịu những quy định rất chặt chẽ của pháp luật bởi vì khủng hoảng trong hoạt động ngân hàng sẽ gây ra sự suy giảm trầm trọng và có tác động hệ thống tới toàn bộ nền kinh tế. Ngân hàng nhà nước điều hành chính sách tiền tệ đưa ra những văn bản , chính sách hay các quy định nhằm thắt chặt hay mở rộng tiền tệ. Những điều này tác động trực tiếp tới hệ thống ngân hàng, có thể buộc ngân hàng thắt chặt hay mở rộng hoạt động cho vay, từ đó tác động gián tiếp tới hoạt động cho vay tiêu dùng. Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa

thực sự đồng bộ và còn chứa nhiều mâu thuẫn nên gây khó khăn trong hoạt động ngân hàng khiến các ngân hàng chưa thực sự tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.

Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế là một trong những yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Cho vay tiêu dùng là hoạt động có tính nhạy cảm theo chu kỳ kinh tế. Doanh số cho vay tiêu dùng tăng lên khi nền kinh tế phát triển, khi người dân cảm thấy an tâm về tương lai cũng như nhìn thấy được những nguồn thu đem lại khả năng chi trả cho những nhu cầu trong hiện tại. Khi nền kinh tế ổn định, đặc biệt là ổn định về lạm phát, giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái làm cho các ngân hàng thương mại yên tâm hơn khi cho vay vốn.

Ngược lại, nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, không ổn định hoặc tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng sẽ hạn chế hoạt động hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính bởi vì môi trường kinh tế không ổn định se tác động xấu đến các khoản tín dụng và dễ dẫn tới đổ vỡ tín dụng. Hơn nữa, thu nhập dự kiến của người dân trở nên bấp bênh, người tiêu dùng khó có khả năng kiểm soát và dự đoán tình trạng thu nhập của mình nên họ sẽ hạn chế các khoản vay để tiêu dùng.

Như vậy nếu có một nền kinh tế phát triển ổn định thì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng cũng như các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động này và ngược lại.

Nhân tố thuộc khách hàng

Những nhân tố thuộc về khách hàng có thể xét trên hai khía cạnh sau đây:

+) Nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng

Nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng là cá nhân, hộ gia đình thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố như yếu tố văn hóa, xã hội, yếu tố cá nhân và yếu tố tâm lý.

Yếu tố văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến hành vi của người vay tiêu dùng. Đối với nền văn hóa chủ yếu là văn hóa tích lũy do chịu ảnh hưởng của thời bao cấp với tâm lý tích lũy, tiết kiệm, hoạt động cho vay tiêu dùng rất khó phát triển. Còn trong nền kinh tế thị trường, người dân không còn tâm lý tích trữ, tuy vẫn quan tâm tới tiết kiệm nhưng tâm lý tiêu dùng đang thịnh hành trong một bộ phận lớn dân cư.

Yếu tố xã hội bao gồm các nhóm liên quan như gia đình, vai trò, địa vị…Ở những nơi có thói quen tiêu dùng mạnh hơn sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với vay tiêu dùng. Nhu cầu vay tiêu dùng ở thành thị sẽ lớn hơn so với nông thôn. Ở những nơi có trình độ dân trí cao, nhu cầu về hưởng thụ lớn và mức tiêu dùng sẽ cao hơn. Gia

đình cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi vay tiêu dùng bởi vì quyết định vay tiêu dùng có thể được tất cả các thành viên trong gia đình ủng hộ, còn vai trò và vị trí của một cá nhân trong xã hội là một yếu tố xác định khả năng hoàn trả nợ.

Yếu tố đặc điểm cá nhân như tuổi tác, giai đoạn của chu kỳ đời sống, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, phong cách sống, nhân cách…Tỷ lệ những người trẻ có xu hướng vay nợ với tốc độ nhanh hơn so với những người lớn tuổi, hay như giới trẻ giàu có là những khách hàng tiềm năng của dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ cho vay tiêudùng của ngân hàng nói riêng.

Yếu tố tâm lý cũng chi phối hành vi của người tiêu dùng. Động cơ vay tiêu dùng của khách hàng thường là động cơ thúc đẩy khách hàng hưởng thụ và thể hiện. Các khách hàng khi vay tiêu dùng lo ngại về khả năng trả nợ trong tương lai, đối với những khách hàng có thu nhập cao họ thường sợ bị lộ thông tin về thu nhập, còn đối với các khách hàng có thu nhập thấp thì họ lại mặc cảm và không dám giao dịch.

+) Khả năng chi trả và yếu tố đạo đức của khách hàng

Nhiều khách hàng có xu hướng giấu đi những thông tin có thể gây bất lợi đối với họ, và có những khách hàng không có ý muốn hoàn trả cho ngân hàng các khoản nợ đó gây ra những rủi ro cho ngân hàng xuất phát từ đạo đức của chính khách hàng. Do đó ngân hàng cần tìm hiểu và đánh giá rõ về khách hàng vay vốn.

Khả năng chi trả của khách hàng quyết định đến việc khách hàng có thể hoàn trả số tiền vay cho ngân hàng hay không. Nó thường phụ thuộc vào thu nhập của khách hàng. Với những khách hàng có thu nhập tốt, ổn định thì ngân hàng có thể yên tâm về khả năng hoàn trả của khách hàng. Tuy nhiên đối với các khách hàng gặp khó khăn về tài chính, thu nhập không đủ để có thể trả nợ thì ngân hàng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi cho khách hàng đó vay vốn. Mức thu nhập của khách hàng và sự ổn định trong thu nhập là hai nhân tố quan trọng để ngân hàng xem xét cho vay.

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại ngân hàng ngoài quốc doanh việt nam hải phòng (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w