Nghị quyết TW II khóa VIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định rõ: “đặc biệt đáng lo ngại là một bộ phận học sinh, sinh viên có tình trạng suy thoái về mặt đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp vì tương lai của bản thân và của đất nước” [10].
Một trong những nội dung đổi mới GD&ĐT hiện nay là tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, đặc biệt là HSCN và giảm nguy cơ bỏ học của học sinh, được thể hiện trong nghị quyết của Đảng, Luật giáo dục và các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật giáo dục đã xác định: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp cho học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân…”( Điều 23 - Luật giáo dục) [33].
Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 đã nêu rõ mục tiêu cụ thể của phát triển giáo dục là “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin
học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức”.