Nguyên tắc giáo dục HSCN

Một phần của tài liệu thực trạng quản lí hoạt động giáo dục học sinh chưa ngoan ở các trường thcs quận bình tân, thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)

Nguyên tắc giáo dục là những luận điểm cơ bản có tính quy luật của lí luận giáo dục, có tác dụng chỉ đạo việc lựa chọn và vận dụng nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục, nhằm thực hiện tốt mục đích và nhiệm vụ giáo dục [13].

Giống như các hoạt động giáo dục khác thì hoạt động giáo dục HSCN cũng cần phải tuân theo hệ thống các nguyên tắc giáo dục, vì hoạt động giáo dục HSCN là một bộ phận của hoạt động giáo dục. Bởi thế trong quá trình giáo dục nói chung và giáo dục HSCN nói riêng cần thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc đảm bảo tính mục đích của giáo dục: hoạt động giáo dục phải nhằm hướng tới mục đích đào tạo những con người phát triển toàn diện. Trong quá trình giáo dục thông qua các loại hình hoạt động nội khóa và ngoại khóa phải giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan khoa học biện chứng và các phẩm chất nhân cách cho học sinh; giáo dục ý thức và năng lực tham gia tích cực các hoạt động xã hội, qua các loại hình hoạt động và giao lưu, các em sẽ nhận thức được ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, có thái độ đúng đắn và rèn luyện được những hành vi, thói quen hành vi hướng tới sự hoàn thiện nhân cách theo những chuẩn mực mà xã hội đã quy định [13].

Như vậy nguyên tắc đảm bảo tính mục đích trong quá trình giáo dục là nguyên tắc quan trọng, nó có vai trò chỉ đạo và định hướng cho mọi hoạt động giáo dục thông qua việc xác định các nhiệm vụ giáo dục cụ thể; việc lựa chọn và đổi mới nội dung; việc vận dụng phối hợp các phương pháp, các hình thức giáo dục nhằm đạt kết quả giáo dục mong muốn.

Nguyên tắc giáo dục phải gắn liền với cuộc sống, với lao động: trong thực tiễn giáo dục cần tạo điều kiện để học sinh có thể hòa nhập với thực tiễn cuộc sống, tránh tình trạng tách rời quá trình giáo dục với cuộc sống, với thực tiễn. Làm sao để từng bài học đạo đức mang hơi thở của cuộc sống thực tế, đồng thời có thể áp dụng ngay vào thực tế cuộc sống. Trong sách và trong đời phải hòa quyện vào nhau [13].

Nguyên tắc giáo dục trong tập thể và bằng tập thể: đây là nguyên tắc cần thiết phải sử dụng một cách khéo léo và linh hoạt để giáo dục học sinh đặc biệt là những HSCN. Tập thể vừa là môi trường sư phạm, vừa là phương tiện giáo dục, rèn luyện, hình thành và phát triển nhân cách. Trong tập thể, mỗi cá nhân chịu sự ảnh hưởng tác động của bạn bè, của dư luận một cách thường xuyên để không ngừng tự giáo dục tự hoàn thiện mình về phẩm chất nhân cách, về năng lực, về tình cảm, hành vi, thói quen [13].

Nguyên tắc này thể hiện ở cả 3 nội dung: dìu dắt học sinh trong tập thể để giáo dục; Giáo dục bằng sức mạnh tập thể; giáo dục học sinh tinh thần vì tập thể.

Để thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi nhà trường THCS phải tổ chức tốt các tập thể lớp, tập thể chi đội…Nhà trường phải cùng với Đoàn - Đội làm tốt phong trào xây dựng các chi đội mạnh trong trường học.

Nguyên tắc tôn trọng nhân cách của học sinh kết hợp với yêu cầu cao đối với các em: quá trình giáo dục muốn đạt được kết quả cao, nhà giáo dục trước hết phải tôn trọng nhân cách đối tượng giáo dục của mình dù đó là học sinh ngoan hay chưa ngoan. Nhà giáo dục phải tôn trọng nhân cách của học sinh, đặc biệt là tôn trọng đời sống nội tâm với những nét cá tính, những tình cảm riêng tư. Bằng việc tôn trọng, tin tưởng và đánh giá đúng bản chất đối tượng giáo dục của mình, nhà giáo dục sẽ nâng cao lòng tự trọng, tự tin, kích thích tính tích cực phấn đấu vươn lên của học sinh và sẽ có cơ hội đạt được hiệu quả giáo dục mong muốn [13].

Song, càng tôn trọng nhân cách của học sinh bao nhiêu thì càng phải đưa ra những yêu cầu cao đối với các em bấy nhiêu. Đó là những yêu cầu hợp lí về năng lực, về phẩm chất, về ý thức tổ chức kỷ luật, về lối sống, tình cảm và niềm tin. Nhưng yêu cầu caophải có tính khả thi, có khả năng mang lại hiệu quả giáo dục và tự giáo dục khi đối tượng giáo dục quyết tâm và nỗ lực tối đa.

Hoạt động giáo dục cho HSCN phải lấy việc phát huy ưu điểm là chính, trên cơ sở đó mà khắc phục khuyết điểm.

Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS là thích được khen, thích được thầy, bạn bè, cha mẹ biết đến những mặt tốt, những ưu điểm, những thành tích của mình. Nếu giáo dục đạo đức quá nhấn mạnh về khuyết điểm của học sinh, luôn nêu cái xấu, những cái chưa tốt trong đạo đức của các em thì sẽ dễ đẩy các em vào tình trạng tiêu cực, chán nản, thiếu tự tin, thiếu sức vươn lên.

Để thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi người thầy phải hết sức trân trọng những mặt tốt, những thành tích của học sinh dù chỉ là những thành tích nhỏ, dùng những gương tốt của học sinh trong trường và những tấm gương người tốt việc tốt khác để giáo dục các em, đặc biệt làm tấm gương của chính bản thân nhà giáo dục. Giáo

dục là đem ánh sáng đến để bóng tối (khuyết điểm, nhược điểm) tự rút lui, chứ không phải xua đuổi bóng tối để có ánh sáng.

Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội: nhà trường, gia đình và xã hội là những môi trường giáo dục quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ. Sự phát triển nhân cách luôn bị chi phối bởi những tác động, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, thường xuyên, tự phát và có mục đích của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.Trong những ảnh hưởng. tác động phức hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội đó, tác động giáo dục có mục đích, có kế hoạch, có nội dung, có phương pháp của nhà trường nói chung, của giáo viên chủ nhiệm lớp nói riêng giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục gia đình và các lực lượng giáo dục của các đoàn thể xã hội cũng có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Tất cả phải thống nhất trong sự chủ đạo của giáo dục nhà trường [13].

Nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức và tính cá biệt trong quá trình giáo dục: sự phân hóa trình độ phát triển nhân cách ở các đối tượng khác nhau theo các lứa tuổi khác nhau, thậm chí ngay trong cùng một độ tuổi, là quy luật tất yếu khách quan. Vì thế mọi tác động có phương pháp sư phạm của nhà giáo dục phải phù hợp với đặc điểm đối tượng, phải vừa sức, phù hợp với đặc điểm nhân cách, đặc điểm cá biệt, phù hợpvới nhịp độ phát triển riêng của từng cá nhân học sinh [13].

Một phần của tài liệu thực trạng quản lí hoạt động giáo dục học sinh chưa ngoan ở các trường thcs quận bình tân, thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)