Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm

Một phần của tài liệu quá trình phát triển giáo dục trung học phổ thông ở tỉnh phú yên từ năm 1989 đến năm 2010 (Trang 57 - 63)

M ỤC LỤC

6. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

2.2.1.2. Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm

Nhận thức được vai trò của CSVC trường lớp, trang thiết bị là một động lực để phát triển giáo dục một cách toàn diện ngành giáo dục Phú Yên đã có những chương trình sau:

Chương trình chống xuống cấp CSVC

Chương trình tăng cường CSVC cho các trường học.

Mặc dù tỉnh Phú Yên còn nghèo, hàng năm phải nhận trợ cấp của TW cho nên để phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh phải huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn thu của ngành giáo dục chủ yếu dựa trên ngân sách nhà nước rót xuống. Ngoài ra ngành đã huy động các địa phương và nhân dân cùng làm.

Bảng 2.2: Phân bổ ngân sách nhà nước cho cấp THPT - Đơn vị: Triệu đồng

Năm 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 Triệu đồng 457 640 1237 1349 1613 2878 4779 5000

Nguồn: Báo cáo tổng kết và đánh giá 7 năm đổi mới giáo dục- Đào tạo Phú Yên (1989-1996).

Theo bảng thống kê 2.2 thì trong vòng từ 1989 đến 1996 ngân sách nhà nước chi cho hoạt động giáo dục THPT tăng lên rất nhiều lần (xấp xỉ 11 lần). Do nhu cầu xây dựng CSVC, trường lớp ngày càng tăng vì số lượng HS ngày càng nhiều nên kinh phí đầu tư cho GD THPT phải tăng lên tương ứng.

Từ 1993 đến 1996, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 45 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa và 6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường. Trong đó, nguồn vốn xây dựng cơ bản do ngân sách nhà nước cấp và huy động nguồn vốn từ Xổ số kiến thiết, chiếm 21,2% tổng kinh phí đầu tư xây dựng toàn ngành, tập trung xây dựng các trường mới như trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, trường THPT Phan Đình Phùng. Nguồn vốn chương trình quốc gia về Giáo dục – đào tạo, chiếm 44,1% tổng kinh phí đầu tư xây dựng toàn ngành. Nguồn vốn này đã đầu tư xây dựng được trường Nội trú dân tộc tỉnh. Ngoài ra còn phân phối về các địa phương, các trường để hỗ trợ, kích thích sự đóng góp của nhân dân và các nguồn kinh phí khác. Nguồn kinh phí sự nghiệp, mặc dù nội dung chính của nguồn kinh phí này là dùng để chi lương, các khoản phụ cấp theo lương cho cán bộ, giáo viên và chỉ dùng cho các hoạt động trong nhà trường và các hoạt động chung trong toàn ngành, nhưng Sở Giáo dục đã chỉ đạo các trường tiết kiệm chi tiêu để đầu

tư xây dựng, tu sửa, mua sắm tăng cường CSVC trường học chiếm 8,1% tổng kinh phí đầu tư xây dựng trong ngành.

Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai thực hiện Thông tư 30 của Liên Bộ Tài Chính- Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, Sở giáo dục- đào tạo trích khoản 6% tổng kinh phí giao cho ngành để mua sách và thiết bị. Nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp theo Quyết định 248 TTg chiếm 10,1 % tổng số kinh phí đầu tư xây dụng toàn ngành. Nguồn kinh phí này cùng với các nguồn kinh phí khác của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ 4,5 % đã kịp thời sửa chữa kịp thời các phòng học xuống cấp nặng nề, xây được dãy phòng học và làm việc của trường THPT Lê Trung Kiên, xây dựng được các công trình phụ trợ nhưng rất cần thiết như giếng nước, nhà vệ sinh…góp phần làm cho bộ mặt các trường khang trang, sáng sủa, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tình hình xây dựng và phát triển trường lớp của cấp THPT trong giai đoạn 1989-2000 như sau.

Bảng 2.3: Quy mô phát triển trường, lớp cấp THPT từ 1989-2000.

Năm 1989-1990 1995-1996 1999-2000 Số Trường 14 18 22 Lớp Phòng Tỉ lệ lớp/ phòng 159 127 1,25 248 200 1,24 457 319 1,43

Nguồn: Cục thống kê Phú Yên, Niên giám thống kê từ 1989-2000.

Số lượng trường trong bảng 2.3 từ năm 1989 có 14 trường đến năm 2000 tăng lên 22 trường. Số liệu trên tính luôn các trường cấp II-III, bán công (BC), dân lập (DL).

Theo chủ trương của Nhà nước, tỉnh thực hiện hoạt động xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình trường học, cho nên ngoài các trường PTTH công lập còn có các loại hình trường BC, DL được xây dựng khá nhiều.

Trong 2 năm đầu mới tái lập tỉnh, mặc dù có chủ trương cần đa dạng hóa các loại hình trường lớp được đưa ra trong Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng

(Khóa VI) ngày 29/3/1989 nhưng tỉnh chưa có điều kiện triển khai. Bắt đầu từ năm học 1991-1992, tỉnh triển khai thực hiện chủ trương này, các trường BC, DL được mở ra thu nhận gần 100% học sinh có nhu cầu học THPT vào lớp 10. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 6 trường BC, DL trong tổng số 15 trường THPT với số lượng HS chiếm 41,9% trong tổng số HS THPT. Thực tiễn đã khẳng định đây là mô hình tốt đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể bao cấp cho toàn bộ hệ thống trường THPT.

Năm học 1991-1992, tỉnh chỉ đạo hình thành mạng lưới trường cấp II-III. Ban đầu có 7 trường, năm học 1995- 1996 tăng lên 11 trường, đến 5 năm sau số lượng giảm xuống chỉ còn 6 trường. Số lượng loại hình trường cấp II - III tăng nhanh trong những năm 1991-1997, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của HS các địa phương liên xã, liên huyện, trong những năm cuối thế kỉ XX số lượng giảm đi vì nhiều trường đã có đủ điều kiện tách thành trường THCS, THPT hoạt động riêng biệt.

Vì đặc thù riêng của một số địa phương như khó khăn về điều kiện địa lý, cơ sở vật chất, số lượng HS, GV quá ít chưa thể thành lập trường PTTH riêng biệt nên vẫn còn tồn tại loại trường phổ thông cấp II-III (sau này gọi là trường THCS &THPT). Loại hình trường hai cấp (II, III) thực hiện được do tính chất, nội dung hai cấp học gần gũi nhau, có thể hỗ trợ cho nhau nên trong giai đoạn 1989 -2000 ở Phú Yên đã tồn tại rất nhiều trường theo loại hình này. Loại hình trường cấp II-III đã đáp ứng được nhu cầu học tập của HS, tránh được tình trạng bỏ học của các em nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Số lượng trường trong hơn 10 năm đã tăng lên hơn 1,57 lần. Các trường được xây trong những năm đầu thập niên 90 chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4. Có trường còn thiếu diện tích sinh hoạt, thiếu phòng làm văn phòng, thiếu nhà vệ sinh, giếng nước, tường rào...Trường xây dựng chủ yếu tạm thời đáp ứng với tình hình nên bình quân khoảng 2 lớp/ phòng học. Bàn ghế cho học sinh lẫn GV vẫn còn ọt ẹp, cũ kỹ, số bàn ghế đóng mới không đáp ứng đủ số lượng HS tăng lên theo từng năm nên tận dụng lại số cũ. Một số trường đã xuống cấp. Nhưng

đến các năm cuối thập niên 90, nhiều trường đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới trở nên kiên cố, khang trang, đẹp hơn. Nhiều trường đã đủ khuôn viên vui chơi, bồn hoa, sân thể thao, xây tường rào bao quanh đảm bảo an ninh tốt. Một số trường cấp III là trường cao tầng như trường chuyên Lương Văn Chánh, trường Nội trú dân tộc tỉnh.

Số phòng học, lớp học biến động theo từng năm nhưng hầu hết là tăng. Năm 1995 -1996 có khoảng 200 phòng đến năm 1999- 2000 tăng lên 319 phòng. Từ 154 lớp trong năm 1989-1990 tăng lên 454 lớp trong năm 1999- 2000. Tỉ lệ lớp/phòng dần dần giảm xuống 1,25 (1995-1996), 1,42 (1999-2000). Các phòng học đều có quy mô từ cấp 4 trở lên.

Tình hình trường lớp ở khu vực các huyện miền núi cũng được ngành quan tâm rốt ráo.

Từ khi tái lập tỉnh (7/1989), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, UBND tỉnh đã có những quan tâm sâu sát đối với giáo dục miền núi và dân tộc.

Ba huyện miền núi (Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân) sau năm 1975 chỉ có 5 trường cấp I và 1 trường cấp II ở Đồng Xuân với tổng cộng khoảng 700 học sinh, chưa có trường cấp III.

Năm học 1992-1993, huyện Sông Hinh chỉ có 13 học sinh lên lớp 10 nên chưa đủ điều kiện thành lập trường cấp III. Để tạo điều kiện thuận lợi việc dạy và học của cán bộ, GV và học sinh miền núi, tháng 9/1992, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập trường cấp II-III Sông Hinh do thầy Nguyễn Đoàn làm Hiệu trưởng.

Năm 1995, tại thị trấn La Hai (Đồng Xuân), tỉnh mở thêm trường cấp II-III. Ở nông trường Sơn Thành (huyện Tuy Hòa) đã có trường Phổ thông Lao động cấp II- III vừa học, vừa làm. Tuy nhiên các huyện miền núi, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học còn phổ biến. Do vậy, số lượng học sinh phát triển chậm, chất lượng yếu kém.

Việc xây dựng, phát triển CSVC trường, lớp cấp THPT cũng như toàn ngành GD tỉnh gặp phải khó khăn do thiếu kinh phí, lại bị thiên tai, bão lụt hằng năm cản

trở. Trận bão khủng khiếp năm 1993 đổ vào Phú Yên, toàn ngành GD có 1016 phòng học bị sập, 23 em HS bị chết, nhiều tài liệu và thiết bị khác bị cuốn trôi trị giá trên 20 tỷ đồng. Nhưng do nhu cầu phát triển giáo dục, học sinh ngày càng tăng về số lượng nên các cấp Đảng ủy, chính quyền, ngành GD cùng nhân dân tỉnh khắc phục khó khăn, thiệt hại để mở rộng quy mô trường lớp. Đầu tư xây dựng làm tăng số lượng phòng học hàng năm nhưng trên thực tế vẫn chưa tương xứng với quy mô HS.

Cùng với chủ trương tích cực xây dựng hệ thống trường lớp thì vấn đề đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập cũng được tỉnh chú ý.

Lãnh đạo ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo các ngành, các cấp đầu tư kinh phí, vận động nhân dân đóng góp để mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa, sách tham khảo, sách giáo viên cho các cấp.

Riêng hệ thống các trường THPT, nhằm thực hiện đúng phương châm dạy đủ, dạy đúng theo nguyên lý “học đi đôi với hành”, tỉnh chú ý đầu tư trang thiết bị, các phòng thí nghiệm có các bộ dụng cụ thí nghiệm cho các trường phục vụ các bộ môn khoa học Lý – Hóa –Sinh. Tranh ảnh, bản đồ, lược đồ để phục vụ giảng dạy ở tất cả các bộ môn. Trang bị sách giáo khoa cho HS, sách tham khảo, sách nâng cao, các sách luyện thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học, Cao đẳng. Phấn đấu ở mỗi trường đều có tủ sách dành cho GV, HS tham khảo. Đối với các trường lớn, trọng điểm đều có thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy, tìm hiểu của HS, GV. Tuy nhiên do kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư cho một số trường chưa kịp thời, số lượng trang thiết bị vẫn chưa đủ cho tất cả các khối lớp.

Đặc biệt đối với các trường thí điểm phân ban, tỉnh chú ý đầu tư trang thiết bị, dụng cụ thực hành, đồ dùng dạy học nhiều hơn để đáp ứng chuyên sâu từng ban như trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

Đến năm 2000 các trường THPT trong tỉnh đã trang bị được phòng máy vi tính, phòng LAB. Tất cả các trường đều tương đối có đủ sách giáo khoa, sách tham khảo dành cho giáo viên, học sinh. Có trường đã xây dựng thư viện, có trường có tủ sách dùng chung. Nhìn chung các trường đều có sử dụng các thiết bị đồ dùng dạy

học nhưng chưa hết công suất, hiệu quả chưa cao. Một số trường sử dụng, bảo quản, tu sửa, trang thiết bị còn yếu, có nơi thiếu tinh thần trách nhiệm. Thói quen đến thư viện đọc sách, mượn sách trong HS vẫn chưa phổ biến.

Mặc dù qui mô đầu tư xây dựng CSVC, trang bị đồ dùng dạy học cho cấp THPT ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đủ so với yêu cầu phát triển của cấp học này. Tuy vậy, nó đã phục vụ hết sức có hiệu quả cho công cuộc phát triển sự nghiệp giáo dục THPT. Đó là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy giáo dục THPT tỉnh nhà phát triển.

Một phần của tài liệu quá trình phát triển giáo dục trung học phổ thông ở tỉnh phú yên từ năm 1989 đến năm 2010 (Trang 57 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)