Con người thuần lí trí, “cơ giới hóa” bản năng, “vôi hóa” cảm

Một phần của tài liệu giọng điệu giễu nhại trong tiểu thuyết của thuận (Trang 112 - 115)

xúc

Quan điểm đề cao lối sống thực tế để phù hợp với những biến động nhanh nhạy thời mở cửa đã kéo theo sự ra đời của những con người thuần lí trí đến hành xử một cách máy móc, ngay cả trong những mối quan hệ gia đình: vợ với chồng, bố mẹ với con cái, anh chị em với nhau,…

Hai nhân vật bố và mẹ của “tôi” là hai nhân vật thuần lí trí điển hình trong Chinatown. Bởi vì hôn nhân với họ là một trò chơi đã có sự thỏa thuận: “Bố tôi một giường. Mẹ tôi một giường. Hai cái màn. Hai cái lưng. Cứ như thế cho đến sáng… Tôi không biết có phải vì tôi, vì tương lai của ba chúng tôi, mà bố mẹ tôi quên bẵng những cái phát vào đùi, những cái véo vào mông, những cái cấu, những cái chí, những cơn ghen, dù cơn nào cũng vô thức như cơn nào”. Rõ ràng hôn nhân giữa hai người được duy trì không phải bằng thứ tình yêu “ông chăm bà, bà chăm ông” mà bằng một tương lai mà cả hai đang cố gây dựng thông qua đứa con duy nhất là “tôi”. Giữa họ không tồn tại những hành động, những cử chỉ bình thường mà đáng ra một đôi vợ chồng dù lớn tuổi đi chăng nữa phải có mới là bình thường. Sự bất thường diễn ra ngay cả trong thứ quan hệ cơ bản nhất của mỗi người khiến người đọc phải suy nghĩ, phải thắc mắc. Cái họ cần là một kết quả của quá trình lí trí thuần túy, họ không biết đến cái gọi là giá trị tinh thần của những con người trong một gia đình, viết thư cho “tôi” lúc đang du học tại Pháp, họ chỉ viết ba nội dung,

một để hỏi thăm về Vĩnh, một để hỏi thăm về hắn, và một còn lại dành cho tiến độ bằng tốt nghiệp cao học của “tôi”, và dường như cái họ thật sự quan tâm chính là tấm bằng cao học của “tôi” cùng với một cuộc hôn nhân Pháp – Việt mà từ lâu họ vẫn ao ước: “Tôi ngờ ngay từ khi gặp hắn lần đầu tiên, bố mẹ tôi đã bắt đầu xây dựng tương lai của tôi và hắn, tương lai của tôi và hắn từ giờ phút ấy trở thành tương lai của cả bốn chúng tôi”. Thuần lí trí một cách cứng nhắc đã khiến họ dứt khoát không đến tham dự đám cưới của đứa con gái duy nhất, khiến họ không chút động lòng mà còn lấy làm may mắn khi cuộc hôn nhân Hoa – Việt của con gái nhanh chóng đi vào bi kịch và đổ vỡ, trong lúc đứa con gái mới sinh và một mình nuôi con, họ nhanh chóng tìm hiểu và ép “tôi” phải đậu hạng nhất cuộc thi giành học bổng du học cao học Pháp vì họ hi vọng rằng “năm năm sẽ làm tôi quên Thụy”, thậm chí ông đọc, bà đánh máy đơn xin li hôn và bằng mọi cách buộc con gái phải kí vào, khiến họ không chút suy nghĩ cho con mình khi vừa mới hôn nhân không thành mà đã thúc giục vào một cuộc hôn nhân mới với họ là xứng đáng cho gia đình. “Tôi” cũng không còn lạ gì với cách suy nghĩ của bố mẹ mình: “Bố mẹ tôi có biệt tài duy lý trí. Bố tôi với mẹ tôi là một. Từ thú vui hàng ngày (cả hai đều thích ăn xu hào luộc) đến các tham vọng (trước là cái bằng màu đỏ Liên Xô, sau là luận án cao học Pháp) […]. Bố tôi với mẹ tôi là một, là một trong khả năng không bao giờ mon men lại giường của nhau”. Đúng là lí trí sẽ giúp con người có động lực tiếp tục làm những công việc mà họ thấy có ích và cần thiết cho mục đích cuối cùng của họ: “Bố mẹ tôi làm gì cũng hoàn hảo. Cũng từ A đến Z. Cũng hoàn hảo trong việc chia đều tình yêu của tôi cho tất cả các bộ môn, chia đều tình yêu của mẹ tôi thành những cốc chè đỗ đen, tình yêu của bố tôi thành những óc lợn hấp”. Thế nhưng cũng với tư duy duy lí đó mà con người trở thành những cỗ máy, triệt tiêu những cảm xúc, và biến cuộc sống của họ thành một quỹ đạo được lập trình và vận hành một cách phản tự nhiên, xơ cứng, và nguy hiểm hơn là bị trói buộc vào trong guồng quay mà

chính mình tạo nên. J. Jacques Rouseau khẳng định “Con người duy lí chính là một loại sinh vật đã thoái hóa”.

Cũng thuộc tập thể lí trí thuần túy, cuộc hôn nhân giữa “tôi” – người đàn ông nhảy tàu và Loan là minh chứng hùng hồn cho kết quả của một cuộc sống vô cảm và đầy tính toán. Loan thẳng thắn với “tôi” rằng: “bạn cô ấy là nhà báo, bạn cô ấy nhận định vẽ tranh là nghề dễ sống nhất hiện nay, hơn cả buôn bán bất động sản, hơn cả mở ngân hàng tư thương” khi “tôi” đề nghị suy nghĩ kĩ trước khi cả hai quyết định tiến đến hôn nhân. Lúc bắt đầu, hôn nhân của họ đã quá tính toán và vật chất, bởi vậy “giữa chúng tôi, ngay từ đêm tân hôn đã hình thành một hợp đồng: Loan gánh vác bên tinh thần, còn tôi chịu phần vật chất”. Thậm chí đứa con là sợi dây kết nối tình cảm của vợ chồng cũng trở thành một đối tượng vô tri, mà bố hoặc mẹ nó nghĩ rằng nó đang phục vụ lợi ích cho một trong hai người còn lại: “Con gái chúng tôi, phôi thai sau cái đêm ấy ba tháng, cũng có trách nhiệm trong bản hợp đồng của ba người. Nó luôn đóng vai cảnh sát, nhắc nhở chúng tôi không được quên bổn phận của từng cá nhân”. Nhìn vào đứa con gái mới sinh, người bố ấy chỉ có một suy nghĩ duy nhất: nó là bản sao của Loan, nó chính là nguyên nhân khiến Loan sẽ buộc chặt mình vào trách nhiệm, vào bản hợp đồng mà mình sẽ không cách nào thoát ra được, chỉ bởi vì, đứa bé quá giống Loan, nó giống mẹ nên nó sẽ làm việc cho mẹ nó. Tư duy thuần lí trí đã giết chết thâm tình một cách tàn nhẫn. Mối liên hệ gia đình “tôi” bị đứt gãy và chỉ còn duy trì bởi sự ràng buộc của một bản hợp đồng xoay quanh vấn đề vật chất lạnh lùng đến đáng sợ và khó tin: “Từ hai năm nay hợp đồng của chúng tôi là hai ngày một tranh. “Tôi” có nhiệm vụ sản xuất. Loan có nhiệm vụ chuyển nó thành đô la”. Họ có vẻ bi kịch hơn bố mẹ “tôi” trong Chinatown, bởi cuộc chơi hôn nhân của họ không bị những yếu tố khác chẳng hạn như danh dự một gia đình trí thức Hà Nội chi phối, họ thuộc tầng lớp bình dân sống tự do, khá giả lên nhờ xu thời và nhạy cảm thị trường. Do vậy đến khi họ cảm thấy bản hợp đồng vô hiệu lực thì họ

quyết định để cuộc chơi kết thúc. Sự kết thúc khiến họ thanh thản dù bằng bất cứ cách nào, “tôi” sẵn sàng trở thành bệnh nhân nứt hộp sọ vô phương cứu chữa bằng cách lấy cắp bệnh án người hàng xóm trong bệnh viện để Loan không còn cách nào khác phải kí đơn li hôn (“tôi” cũng biết Loan sẽ kí), và mong chờ cái ngày được tự do trong sự khấp khởi vui mừng: “Tôi chỉ biết một điều: năm mươi ngày nữa, buổi sáng thức dậy, tôi sẽ thấy cô ấy biến khỏi đời tôi, biến vĩnh viễn, như thể chúng tôi chưa từng gặp nhau, như thể năm năm qua chỉ là cơn ác mộng”. Mong muốn được tự do và thoát khỏi người bạn đời mãnh liệt đến mức biến họ thành những con người lạnh lùng, họ chỉ còn cảm giác mình là một tù nhân và chờ đợi người quản ngục chẳng may chết đi hay biến mất để được tự do hoàn toàn, đó là lí do mà “tôi” đã hết sức bàng hoàng và thất vọng “khi nhìn thấy Loan nằm trên giường, tươi cười, tôi thấy tối tăm mặt mũi. Chưa bao giờ tôi thất vọng đến thế”!

Qua cuộc chơi hôn nhân của các cặp vợ chồng, Thuận đã chứng minh cho độc giả thấy thuần lí trí đã giết chết lí trí thực sự của chúng ta là như thế nào.

Một phần của tài liệu giọng điệu giễu nhại trong tiểu thuyết của thuận (Trang 112 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)