Về ý thức nhìn nhận lại chính mình để tự hoàn thiện

Một phần của tài liệu giọng điệu giễu nhại trong tiểu thuyết của thuận (Trang 102 - 104)

Một trong những chức năng cơ bản của văn nghệ là giáo dục con người. Các sáng tác của Thuận cũng hướng đến mục đích ấy nhưng Thuận không mang đến cho người đọc những bài thuyết giảng đạo đức, mà là những bức tranh biếm họa với những đường nét phóng túng và màu sắc táo bạo để tác động mạnh mẽ đến quá trình tri nhận của người đọc.

Trước hết, người đọc bị ấn tượng bởi hiện thực “cực thực” gồm nhan nhản những thành phần trong xã hội, la liệt những thói hư tật xấu của đời sống hiện đại hình thức và thực dụng. Từ những ấn tượng đầu tiên đó, chúng ta bật cười trước sự lật tẩy của Thuận bằng giọng điệu hài hước, giễu cợt. Rồi từ cái cười người đời, mỗi chúng ta hướng cái nhìn về mình như một phản xạ tự nhiên. Đó là khả năng nhân đạo hóa của văn học. Thuận đặt ra các vấn đề:

Thứ nhất, con người phải tự trung thực với chính bản thân mình.

Khả năng nhân đạo hóa bộc lộ ở sự tự ý thức về bản thân, tự nhận diện bản thân trước những điều xấu, tốt, thiện, ác… mà tác phẩm gợi lên. Điều này có thể hiểu như sự “thanh lọc” tâm hồn của văn học, hay hình thức “sám hối” của bản thân trước lương tâm trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Do vậy, khi độc giả bật cười trước sự lén lút của người anh trai Liên khi anh ta vào phòng khóa cửa và bật phim sex; ngoài việc liên tưởng đến những người trí thức hiện đại luôn tạo cho mình vẻ ngoài đạo mạo nhưng vẫn không thể che đậy đời sống “trụy lạc”; cũng là khi chúng ta bất giác nghĩ đến những lúc chính lí trí chúng ta cũng đầu hàng trước bản năng của mình, nụ cười thích thú khi nãy đã chuyển thành cái cười thầm ẩn ý.

Thứ hai, con người phải vững vàng đối diện với những biến tướng của cuộc sống

Thuận muốn mỗi độc giả nhìn thấy được hiện thực đa chiều về cuộc sống từ thế giới trong tác phẩm mà Thuận tạo ra. Có những điều vì một lí do nào đấy mà chúng không được phép phô bày, không được phép nói thẳng, nói thật. Chúng ta đã quen với việc nhìn thấy nhưng không chịu thừa nhận, hoặc né tránh, không muốn chấp nhận đó là sự thật. Có lẽ vì để sự nhạy cảm của con người không phải bị tổn thương khi va chạm với mặt trái của cuộc sống, Thuận chọn cách làm họ cười bằng chất giọng hài hước vốn có của mình. Theo lẽ thường, tình yêu và tình cảm gia đình là thành trì kiên cố của chuẩn mực đạo đức xã hội, và nhất là của đời sống tinh thần con người. Việc bóc mẽ và phơi bày sự biến tướng của điều đó làm đổ vỡ hoàn toàn niềm tin của con người. Cười có thể sẽ giúp chúng ta lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Chúng ta đã luôn tin về một cái kết có hậu theo kiểu đoàn viên của những tình yêu bị thử thách, nhưng Phượng và Thụy mãi mãi không bao giờ tìm thấy nhau, tình yêu của họ bị thử thách bởi định kiến xã hội (đây không phải là điều nan giải trong các tiểu thuyết tình yêu), Thụy trốn chạy, đầu hàng và bỏ cuộc, kể cả chối bỏ trách nhiệm với vợ con. Chúng ta trách xã hội hà khắc – đây chỉ là thói quen phản xạ một chiều, vì dù muốn dù không cũng phải thừa nhận sự yếu đuối và kém bản lĩnh của con người. Sự biến tướng lan rộng trong mọi mặt của cuộc sống, từ đám tang được tổ chức long trọng cho phù hợp với vị trí hiện tại của người con trai trưởng trong Thang máy Sài Gòn

(mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhỏ, chỉ thiếu những giọt nước mắt hiếu thảo và cái tâm chân thành của những người khách đến viếng); đến đám cưới được tổ chức một cách hời hợt kiểu thủ tục: “Chúng tôi không tổ chức đám cưới, không gửi giấy mời cho ai, xong việc đăng kí ở tòa thị chính, cả bốn người - gồm tôi và T cùng hai người quen làm nhân chứng - đi ăn trưa trong một tiệm ăn ngay bên cạnh, do tôi đặt chỗ từ trước”,một cuộc

hôn nhân không được mọi người chứng kiến và chúc phúc, kể cả những người thân trong gia đình cũng không có mặt. Tất cả mọi vấn đề trong tiểu thuyết của Thuận đều không hoàn hảo, thậm chí biến tướng về bản chất như vậy. Qua đó, Thuận muốn chúng ta không mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, mà phải vững vàng và bản lĩnh để đối diện với nó, và hơn hết là để thay đổi nó.

Một phần của tài liệu giọng điệu giễu nhại trong tiểu thuyết của thuận (Trang 102 - 104)