Dường như trong văn học, con người trong tiểu thuyết chưa bao giờ cô đơn như bây giờ. Cuộc sống hiện đại kéo theo nó sự gián cách giữa mỗi cá nhân trong một cộng đồng, thậm chí giữa những miền ẩn ức trong cùng một con người. Dù Thuận không tốn hao nhiều giấy mực để miêu tả về nội tâm nhân vật, nhưng bi kịch cá nhân của họ vẫn khiến chúng ta ám ảnh mỗi khi trải lòng mình, có khi còn gặp lại bản thân mình trên từng trang viết.
nhất hai con người trong cùng một bản thể. Con người thứ nhất đang từng ngày hiện diện, sống, tạo lập các mối quan hệ để tồn tại và hoàn thành phần nhiệm vụ của mình với xã hội. Con người thứ hai không được phép lộ diện mà phải gói ghém những tâm tư thầm kín của mình về những khao khát bản năng, những hạnh phúc thật sự không thể được thỏa mãn. Con người phải chịu đựng bao nhiêu ẩn ức trong cuộc đời? Trong sáng tác của Thuận, nhà văn vạch ra hai kiểu ẩn ức, mà có lẽ theo Thuận đó là hai kiểu ẩn ức khiến con người đau khổ, dằn vặt hơn hết.
1/ Con người với ẩn ức tình dục
Giấc mơ luôn là thế giới làm bộc lộ phần tâm lí nhạy cảm nhất của con người. Với Thuận, đó đều là những ẩn ức của những người phụ nữ cô đơn thời hiện đại. Liên trong Paris 11 tháng 8 luôn sống trong mặc cảm vì ngoại hình xấu xí, không có duyên, từ đầu đến hết tác phẩm, cô chỉ được nhấn mạnh nhiều nhất bởi chi tiết những cái mụn trứng cá thay nhau mọc trên mặt cô. Liên dần quen với điều đó, cho đến khi nỗi cô đơn khiến cô rơi vào những giấc mơ đầy những cảnh ái ân của những đôi nam nữ dù quen hay xa lạ. Quá lứa lỡ thì, Liên không bao giờ được biết đến tình yêu, tình dục với cô lại càng xa lạ; cô phải đối diện với những bức bối sinh lí và khát vọng tâm lí mãnh liệt cứ hành hạ cô từng đêm. Ẩn ức tình dục dày vò lên tâm hồn người phụ nữ di dân nhỏ bé. Cô cô đơn với chính nhu cầu thân xác một cách tự nhiên của một con người, nhưng không phải vì cô không được đáp ứng, mà vì cô không thể chạm đến được sự thỏa mãn từ trong vô thức bản năng, cô không cảm nhận được ý nghĩa thực sự khi hai con người cùng hòa điệu. Lẽ ra tình dục, sự hòa điệu giữa hai con người sẽ xóa nhòa nỗi cô đơn, trống vắng trong mỗi con người nhưng đối với Liên thì hoàn toàn ngược lại. Cô hụt hẫng, lo sợ và bế tắc cùng cực trước sự chai sạn cảm xúc của mình. Sau đêm ân ái bất thành với người đàn ông trung niên người Pháp, Liên chìm vào một giấc mơ khác thường: “Liên thức dậy khi trời vẫn tối. Giường thênh thang. Còn chăn thì
đẫm nước. Đệm vẫn êm ái và có thêm một mùi nữa, cũng chưa bao giờ biết tên. Liên quay mặt vào tường nhớ lại chuyện đêm qua. So sánh với cảm giác bồng bềnh ở Salsa Cuba. Chỉ thấy một bàn tay mềm mềm. Và một cơn mơ khác thường...” – một giấc mơ mà điều thiêng liêng ấy bị biến dạng đến thảm thương.
Những con người như Vân trong Vân Vy chạy theo cuộc sống bản năng để thỏa mãn cơn khát tình dục của người phụ nữ đang cô đơn trong chính gia đình chồng nơi đất khách. Cô đến với nhiều người đàn ông mà bất chấp tình yêu, chỉ để được sống hết mình, được trút bỏ lớp vỏ bọc danh giá mà gia đình chồng và người chồng đạo mạo đã khoác lên người cô. Cô tìm đến với tình dục như một bờ bến khác khiến cô dễ chịu hơn, khiến cô có cảm giác mình còn là một con người, mình còn biết khao khát, cô bắt đầu sống theo bản năng: “Vy bảo vào ngay toa - lét. Vân bảo vào rồi. Vy bảo khóa cửa trong lại. Vân bảo khóa rồi. Vy bảo cởi hết quần ra. Vy bảo cho vào đi. Không nghe tiếng Vân trả lời. Vy bảo cho sâu vào nữa đi. Chỉ nghe tiếng Vân hồn hển” [54, tr.93]. Cuộc làm tình qua điện thoại kéo dài mấy phút đồng hồ như vậy xuất hiện liên tục trong Vân Vy. Không phải Thuận đang cố viết bản tuyên ngôn để cổ vũ cho tình yêu và tình dục ngoài hôn nhân, hay hoan nghênh tinh thần tự do của các cô gái Việt Nam vốn kín đáo và khuôn phép. Vì đã là những gì thầm kín thì khó có thể giải thích được cho cặn kẽ, Thuận chỉ miêu tả, còn chúng ta nên cảm thông và thấu hiểu bi kịch của những số phận ấy một cách nhân bản hơn.
2/ Con người với ẩn ức về tình yêu không trọn vẹn
Người mẹ trong Thang máy Sài Gòn – một người phụ nữ có công với Cách mạng, đất nước thống nhất, bà trở về với một gia đình được xã hội ngưỡng vọng, chồng làm phó hiệu trưởng một trường đại học, các con đi du học, nhưng mối tình một đêm với một người Pháp đã cứu bà lúc còn ở nhà tù Côn Đảo cứ ám ảnh người phụ nữa ấy cho đến lúc cái chết khủng khiếp chấm
dứt hoài niệm khôn nguôi ấy. Bà chấp nhận duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc chỉ để tiếp tục hành trình tìm kiếm người đàn ông trong quá khứ. Đến khi thật sự tuyệt vọng, bà vẫn không thể nào quên được nó: “Mẹ thẫn thờ bỏ máy. Paul Polotski đã quên tất cả. Mẹ dựa lưng vào điện thoại khóc như mưa như gió… Mẹ bước đi, vừa đi vừa khóc… Người mẹ run lên… Đêm hôm ấy, gối mẹ đẫm nước mắt” [56, tr.263].
Không chỉ những người phụ nữ không có được cuộc hôn nhân với người mình yêu mới nảy sinh những ẩn ức thầm kín như vậy. Họ còn có thể lâm vào bi kịch tương tự ngay trong chính cuộc hôn nhân từ tình yêu của mình. Phượng trong Chinatown luôn bị ám ảnh về sự ra đi bí ẩn của người chồng, để những dòng hồi ức về Thụy cứ hiện ra rồi lặp lại như một cuốn băng cũ chỉ phát đi những đoạn phim còn có thể xem được. Một trong những thước phim ấy hiện hình trong những cơn ác mộng: “Ác mộng lớn nhất của tôi là không được gặp lại Thụy. Tôi bị ngã trên đường đến trường. Phải nghỉ học ở nhà một tháng. Một tháng liền tôi nằm mơ Thụy ốm. Thụy được đưa đến bệnh viện mà không được chữa”. Trong giấc mơ của mình, nhân vật “tôi” vừa có ước vọng về một gia đình trọn vẹn, vừa có ám ảnh về “thân phận lưu vong”.
Nhà văn đã khắc họa một cách sống động về xã hội mà ở đó con người ta chưa bao giờ được sống thật với chính bản thân mình. Những ẩn ức và khao khát riêng tư đó đã làm họ trở nên cá biệt, khác biệt và không thể hòa nhập vào thế giới này. Họ mãi “chung thân” với những ẩn ức riêng mình.