Hình thức trọng tài

Một phần của tài liệu nghiên cứu về giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán (Trang 42 - 44)

Trọng tài là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 131 Luật chứng khoán 2006. Nếu lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên sẽ tránh được những thủ tục pháp lý phức tạp, rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp mà kết quả giải quyết vẫn được đảm bảo thi hành. Đây chính là những ưu điểm của phương thức này so với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp về chứng khoán thông qua tổ chức trọng tài chưa được luật quy định cụ thể. Tuy nhiên, thẩm quyền về lĩnh vực này trước hết được hiểu là thẩm quyền chung được quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010 và trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Một tranh chấp phát sinh thuộc thẩm quyền của trọng tài khi trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài giải quyết[21]. Như vậy, thỏa thuận

GVHD: TS. Lê Thị Nguyệt Châu SVTH: Nguyễn Anh Phương

trọng tài là vấn đề then chốt có vai trò quyết định đối với việc áp dụng trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu có thỏa thuận trọng tài nhưng thòa thuận này không có giá trị pháp lý thì trọng tài cũng không có thẩm quyền và nếu trọng tài vẫn giải quyết trong trường hợp này thì quyết định của trọng tài sẽ bị hủy khi có yêu cầu của các bên bởi vì tại Điều 69 Luật trọng tài “Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên chứng minh được Hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài khi các bên không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu…”. Như vậy, tranh chấp về chứng khoán sẽ được đưa ra trọng tài giải quyết nếu giữa các bên đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp theo luật định.

Theo Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 thì trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Về hoạt động thương mại, tại Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Như vậy, có thể hiểu trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên TTCK bao gồm các hoạt động mua bán chứng khoán (thuộc loại hoạt động mua bán hàng hóa); tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, lưu ký, đăng ký, thanh toán… (thuộc loại hoạt động cung ứng dịch vụ); các tranh chấp có liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán. Việc quy định các hoạt động trên TTCK về từng loại hoạt động thương mại chỉ mang tính chất tương đối, bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, một hoạt động trên TTCK mang tính chất của cả hai loại hoạt động thương mại. Chẳng hạn, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán vừa là hoạt động cung ứng dịch vụ vừa là hoạt động mua bán hàng hóa. Có thể nhận thấy, một số hoạt động được thực hiện trên TTCK không được coi là hoạt động thương mại như hoạt động niêm yết chứng khoán, hoạt động phát hành chứng khoán. Chủ thể tiến hành các hoạt động này phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với các nhà đầu tư trên thị trường. Đó là những nghĩa vụ do pháp luật quy

GVHD: TS. Lê Thị Nguyệt Châu SVTH: Nguyễn Anh Phương

định, không phải trên cơ sở sự thỏa thuận của các chủ thể. Do vậy, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Ngoài ra, các tranh chấp giữa các nhà đầu tư không thỏa mãn dấu hiệu đăng ký kinh doanh và không phát sinh từ hoạt động thương mại điển hình như tranh chấp về quyền sở hữu chứng khoán cũng không thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại.

Theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 thì tổ chức trọng tài có những quyền và nghĩa vụ sau:

+ Tiếp nhận đơn và văn bản thỏa thuận yêu cầu trọng tài giải quyết; thành lập Hội đồng trọng tài; chỉ định trọng tài viên giải quyết vụ việc khi cần thiết; yêu cầu các bên cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh và có thể trưng cầu giám định; lập biên bản ghi diễn biến phiên họp; ra quyết định giải quyết.

+Tổ chức trọng tài có nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật; trọng tài viên phải khước từ giải quyết vụ việc nếu có căn cứ cho thấy trọng tài viên không thể vô tư trong việc giải quyết các tranh chấp; tôn trọng thoả thuận của các bên, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

Một phần của tài liệu nghiên cứu về giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán (Trang 42 - 44)