“Tâm lý bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, gắn liền và điều hành mọi hoạt động của con người. Các hiện tượng tâm lý đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống con người, trong quan hệ giữa con người với con người và con người với cả xã hội loài người” [43; 416].
Tâm lý nhân vật trong văn học chính là những biểu hiện thế giới nội tâm của nhân vật thông qua ngôn ngữ và một số thủ pháp nghệ thuật được các nhà văn sử dụng. Tâm lý nhân vật càng có nhiều mâu thuẫn, giằng xé, phức tạp bao nhiêu thì càng thể hiện sự am hiểu con người một cách sâu sắc của các nhà văn bấy nhiêu. Tâm lý nhân vật có sự thay đổi thể hiện sự vận động, phát triển trong mỗi tâm hồn con người. Mỗi nhân vật không phải chỉ có một nét tâm lý mà có nhiều nét tâm lý không ngừng chuyển đổi, đan cài vào nhau. Những tâm lý đó, trong một số trường hợp đã trở thành điển hình cho một lớp người hay một tầng lớp, một giai cấp nào đó.
Đối với tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết mới, người sáng tác và tiếp nhận tác phẩm phải xuất phát từ đặc trưng của tiểu thuyết mới. Người viết phải tuân thủ quan niệm “nhân vật bị thủ tiêu”, cái còn lại là con người trừu tượng, thậm chí vô danh, … chỉ còn những đối tượng nội tâm là phương thức tồn tại của con người. Nhân vật của tiểu thuyết mới nói nhiều – nói ở đây có khi là những dòng suy nghĩ miên man không kết thúc, ý nghĩ có thể bị ngắt quãng đan cài với quá khứ, hiện tại và tương lai – nhằm biểu đạt thế giới nội tâm con người. Do đặc điểm này mà mỗi nhân vật là một chuỗi tâm lý phức tạp, nhà văn bậc thầy không vì thế mà sa vào chuỗi tâm lý ấy. Nhà văn phải biết xử lý và tạo điểm nhấn trong diễn biến tâm lý nhân vật để hình thành nên tính cách cũng như nét riêng biệt cho nhân vật, giúp người đọc nhận biết nhân vật.
Ở chương này, chúng tôi nghiên cứu nghệ thuật xây dựng tâm lý các nhân vật nữ chính là nghiên cứu những biểu hiện của thế giới nội tâm những người phụ nữ được nhà văn khám phá và lý giải thông qua việc sử dụng những biện pháp, thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là thông qua những xung đột nội tâm của nhân vật để khám phá tâm lý của họ, bởi nhà văn Thiết Ngưng đặc biệt chú ý đặt nhân vật của mình trong nhiều mâu thuẫn để họ tự khám phá bản thân, nhất là khi Thiết Ngưng tạo ra một hình thức đối thoại, độc thoại (độc thoại có hình thức đối thoại) … độc đáo, nhằm thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật và làm nên tâm lý nhân vật.