Trong các tác phẩm của nhà văn Thiết Ngưng, ta thấy nhà văn đã dày công miêu tả thế giới tâm lý nhân vật thật tỉ mỉ và tinh tế. Bà đã chỉ ra những đặc điểm nhỏ bé nhất, tinh tế nhất nơi sâu thẳm trong con người, tâm lí ấy thật mới mẻ, thật phong phú, tất cả những trạng thái, những giới hạn của con người đều được nhà văn khám phá và chuyển tải thật logic hợp lí. Nhà văn như một người giám hộ của con người, những khoảnh khắc đố kỵ, ghen ghét, những ích kỷ, hẹp hòi hay những dằn vặt, sám hối và cả khát vọng, ước mơ của con người đều được bà nâng đỡ, lí giải, định hướng. Bà luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người. Những tham vọng, những đố kỵ, những sai lầm, những tội lỗi… suy cho cùng con người đều
hướng đến sự thực hiện những ước mơ, những khát vọng của bản thân với cuộc sống. Nhà văn như nhìn thấu được bản chất và mục đích ấy của con người, cho nên thế giới các nhân vật của bà xấu có, tốt có, dù trong cuộc sống các nhân vật ấy có mắc phải những lỗi lầm gì thì đi hết một quá trình của đời người, họ đều tự kiểm điểm, tự nhìn nhận lại mình bằng một lí trí tỉnh táo, bằng một niềm tin lí tưởng. Họ luôn suy nghĩ, luôn đấu tranh với chính bản thân mình để tự hoàn thiện mình, hoàn thiện bản thân cùng với ước mơ khát vọng chân chính ở cuộc sống.
Thế Kỷ XX là thế kỷ của những “bão tố’ và “Cách mạng”, nhân loại chìm trong chiến tranh, chìm trong chết chóc, đau thương, chia lìa. Cả thế giới như bị đảo lộn, mọi giá trị của đời, của người đều không còn giới hạn, không còn ranh giới xác thực. Con người bị khủng hoảng niềm tin, họ vỡ mộng rồi rơi vào bế tắc và tuyệt vọng bởi cái ác hoành hành và ngự trị. Thậm chí có thể nói rằng, cái ác của thế kỷ XX là một thứ mô típ tinh thần, nó tác động trực tiếp đến tư tưởng và tinh thần của các nhà văn, nhà văn chuyển tải nó thành mô típ tinh thần quan trọng của văn học.
Văn học thường đề cập đến cái ác, tội lỗi, tuyệt vọng và cái chết … , nhà văn đã đem đến cho nhân loại một thông điệp đó là: Hãy lấy lại lòng tin ở con người, hãy trân trọng giá trị con người để con người có quyền sống, quyền tồn tại và hy vọng vào cuộc sống phía trước. Con người sẽ lại là bản chất của Thế giới. Qua những thông điệp này, ta có thể bắt gặp ở các tác phẩm của Franz Kafka, Dostoevsky, Hemingway, Lỗ Tấn … Nhà văn Kafka từng than thở: “Mặc dù tôi có
thể sống, nhưng tôi không thể sống sót”. Đây là một tiếng thở dài cổ điển, là “sống”
và sống để phân biệt với sự thăm dò, tìm đường mới cho sự tồn tại của con người. Sự tồn tại của con người, điểm đến có vẻ tầm thường của triết lý sống, thế nhưng đằng sau nó có thể chứa đựng một cuộc đấu tranh, đấu tranh để “sống còn” mà cũng là để áp dụng và xác nhận những giá trị, những cam kết và mong muốn của con người về hạnh phúc. “Sống còn” là ý thức của sống có nghĩa.
Ở nhà văn Thiết Ngưng, chắc chắn những dấu ấn đau thương, tuyệt vọng của nhân loại thế kỷ XX, của thời đại đen tối tại đất nước Trung Hoa cũng tác động không nhỏ lên thế giới tinh thần của bà … Nhưng khác với tâm lí bị ám ảnh bởi cái
chết, cái tuyệt vọng, bi quan của các nhà văn lớn như Kafka, Dostoevsky, Camus … Nhà văn Thiết Ngưng tỏ ra tin tưởng vào con người. Bà trân trọng, nâng đỡ, chăm sóc, yêu thương những điều mong manh, nhỏ bé nhất của con người còn đọng lại trong biển khổ đau, tuyệt vọng. Bà đem đến cho con người niềm tin và màu sắc tươi sáng ở tương lai. Thiết Ngưng đã thực sự thành công bởi trái tim cứng rắn, tỉnh táo nhưng đầy nhân hậu của bà. Trong tiểu thuyết của mình, bà không ngại đề cập và đối mặt với những sự tàn phá, những chết chóc, đau thương của con người, của thời đại. Điều đáng quý là bà đã biết biến những cơn ác mộng của con người thành một ảo ảnh và ngược lại, bà khẳng định cuộc sống với những giá trị đích thực, tốt đẹp của con người là căn bản, là quan trọng, và tuyệt nhiên nó không phải là ảo ảnh. Vì thế trong các tác phẩm của bà, các nhân vật dù vấp ngã, dù đau khổ, dù tuyệt vọng… thì họ vẫn tìm ra những điều dù nhỏ bé, dù mong manh nhưng tốt đẹp và họ hy vọng…, họ gượng dậy, kiên trì và hành động, hành động để tiếp tục tồn tại, tiếp tục thực hiện ước mơ, hạnh phúc. Đó là một khát vọng chân chính nhất mà nhà văn Thiết Ngưng tạo ra, tạo ra như một phương châm sống, kích thích động viên con người hướng đến, dựa vào – sống và tồn tại. Hầu hết các nhân vật mà chúng tôi điểm qua: Tư Kì Văn, Tiểu Khiêu, Tiểu Phàm, Chương Vũ, Đường Phi, Hữu Giai… đều hướng đến những mục đích tốt đẹp ấy.