Lớn lên trong bão táp Cách Mạng Văn Hóa, bà là nhà văn thuộc dòng “văn học vết thương”. Người phụ nữ ấy đã sống và mở lòng ra với văn học từ khi còn là một cô bé 10 tuổi. Bước qua “vùng cấm” và “văn học tuyến đen” (hắc tuyến), Thiết Ngưng thực sự để ngòi bút của mình mổ xẻ nỗi đau và phơi bày cục diện xã hội Trung Quốc thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Đó là sự tố cáo sâu sắc những tai ương và đau xót về vết thương tâm hồn mà “mười năm động loạn” đã gây nên cho nhân dân bà.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật, cha là họa sĩ, mẹ là nhạc sĩ nhưng Thiết Ngưng lại sớm tỏ ra mình là người có năng khiếu văn học. Bà bắt đầu sáng tác từ khi 10 tuổi, và năm 20 tuổi bà đã chính thức bước vào làng văn học với những tác phẩm được đánh giá cao. Và đến hôm nay thì số lượng tác phẩm cũng như chất lượng tác phẩm của bà được viết ra là rất lớn .
Nội dung chính các tác phẩm của nhà văn Thiết Ngưng có ảnh hưởng rất lớn từ đời sống thực của bà; Từ tuổi thơ dữ dội ở Bảo Định (Hà Bắc) cùng với những biến động dữ dội của lịch sử qua 10 năm Cách Mạng Văn Hóa, cũng như sự hàn gắn vết thương, sự thay da đổi thịt của đất nước, của đời sống nông dân, trí thức … đã tác động khá nhiều vào cảm hứng sáng tác của bà, đặc biệt là hình ảnh những người phụ nữ Trung Quốc từ nông thôn đến thị thành.
Hà Bắc tuy là vùng nông thôn song cũng không xa Bắc Kinh là mấy. Ở đó, Thiết Ngưng có điều kiện chứng kiến đất nước mình đang từng ngày hàn gắn vết thương sau chiến tranh và những nỗ lực trong công cuộc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Từ những năm tháng cọ xát ở nông thôn, chứng kiến cảnh người nông dân đói khổ, hơn ai hết Thiết Ngưng thấu hiểu, thông cảm sâu sắc với họ, đặc biệt là người phụ nữ. Hoàn cảnh xã hội đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của bà .
Về sự nghiệp sáng tác của Thiết Ngưng, có người nhận xét: “Trong thời đại
Internet, khi những tên tuổi mới mọc lên như nấm sau mưa, Thiết Ngưng có thể không phải là nhà văn nữ nổi tiếng nhất trên văn đàn nhưng các nhà phê bình cho rằng bà là người có được sự ái mộ lớn của cả độc giả lẫn dân trong nghề” [47]. Sự nghiệp văn học của Thiết Ngưng được mở đầu bằng tác phẩm Chiếc Liềm Bay, bà chính thức thành danh với truyện ngắn Ôi, Hương Tuyết (1982). Từ đây Thiết Ngưng được nhìn nhận như một nhà văn có tài năng và thực lực. Bằng giọng văn mộc mạc, trong sáng cùng với việc sáng tạo những hình ảnh giàu chất thơ, Thiết Ngưng đã cho người đọc thấy được sự đam mê và tình yêu đối với văn chương của mình. Tác phẩm Ôi, Hương Tuyết đã được đặt vào danh sách “100 tác phẩm văn học nổi tiếng của văn học đương đại Trung Quốc”.
Không dừng lại ở Ôi! Hương Tuyết, hai năm sau, Thiết Ngưng tiếp tục cho in
Câu Chuyện Tháng Sáu và Chiếc Áo Đỏ Không Cúc (1984). Cả hai tác phẩm đều được vinh dự nhận giải thưởng truyện vừa xuất sắc và được chuyển thể thành kịch bản phim. Riêng phim Thiếu Nữ Áo Đỏ được chuyển thể từ tác phẩm Chiếc Áo Đỏ
Không Cúc đã xuất sắc đánh bại những bộ phim cùng được yêu thích khác để dành giải phim truyện hay nhất năm. Một số truyện ngắn, truyện vừa khác của bà cũng đạt được những thành tích đáng nể như Đống Rơm (Giải thưởng truyện vừa ưu tú năm 1986-1987); Đối Diện, Vĩnh Viễn Không Xa (bản tiếng Việt đăng trên tạp chí văn học nước ngoài số tháng 1 năm 2001) rất được hoan nghênh, Người Đàn Bà Chửa Và Con Bò, Thôn Tú Sắc, Người Con Gái Của Dòng Sông cũng rất đặc sắc.
Năm 1986 và năm 1988 được xem là cái mốc đánh dấu thời kỳ sáng tác mới của Thiết Ngưng. Ý thức thẩm mỹ và hình thức biểu hiện nghệ thuật của bà có phần
thay đổi. Không chỉ dừng lại ở các sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, Thiết Ngưng đã thử sức mình ở thể loại tiểu thuyết và bà cũng gặt hái được những thành công vang dội. Thiết Ngưng lần lượt giới thiệu đến độc giả hai bộ tiểu thuyết có tính chất đi ngược lại lịch sử văn hóa lâu đời, quan tâm hơn tới thân phận con người, đặc biệt là hướng đến thân phận người phụ nữ - Đó là Mạch Khiết Đóa và Miên Hoa Đóa. Cũng trong thời gian này Thiết Ngưng cho ra đời tiểu thuyết dài đầu tiên Cửa Hoa Hồng (1988)
Ở tiểu thuyết Cửa Hoa Hồng, chúng ta thấy một Thiết Ngưng mạnh dạn, bà đã dùng ngòi bút mổ xẻ, phân tích các vấn đề nhức nhối của xã hội, phơi bày những tệ trạng xấu xa, bỉ ổi và đẫm máu trong cuộc sống. Đây là tác phẩm có thể coi là tiêu biểu cho đề tài nữ tính.
Năm 2000, Thiết Ngưng tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Đại Dục Nữ (bản dịch tiếng Việt là Những Người Đàn Bà Tắm) được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tên tuổi của bà vượt khỏi biên giới Trung Quốc. Tác phẩm được trao giải thưởng Mao Thuẫn lần thứ 6 – một giải thưởng có uy tín của Hội nhà văn Trung Quốc, bên cạnh những tác phẩm và những tên tuổi nổi tiếng khác như Đàn Hương
Hình của Mạc Ngôn, Hoài Niệm Sóicủa Giả Bình Ao, Vô Tưcủa Trương Khiết, … Tính đến nay các tác phẩm của Thiết Ngưng có một số lượng không nhỏ và được in thành tuyển tập hoặc trong các tuyển tập:
• Tuyển tập Thiết Ngưng(5 tập)
• Tuyển tập tác phẩm tự chọn(4 tập)
• Tuyển tập truyện(2 tập)
• Tuyển tập 50 nhà văn hàng đầu Trung Quốc - Tập Thiết Ngưng
• Tuyển tập tác giả đương đại Trung Quốc - Tập Thiết Ngưng
Ngoài ra, các nhà xuất bản ở Trung Quốc lần lượt cho in 29 tập truyện ngắn, truyện vừa và 16 tập tùy bút, tản văn, nhật ký của Thiết Ngưng.
Điểm qua quá trình sáng tác của Thiết Ngưng, chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng : Bà có một bút lực dồi dào, khả năng sáng tạo đáng nể phục. Các tác phẩm của bà ra đời liên tục, khoảng cách thời gian là rất ít. Tuy vậy, chúng là những
sáng tác được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Thiết Ngưng đã ba lần nhận giải thưởng toàn quốc về truyện ngắn, truyện vừa, hai lần liên tiếp nhận giải thưởng văn học Lỗ Tấn. Năm 2003, Thiết Ngưng được độc giả tạp chí “Tiểu thuyết chọn lọc” bầu chọn là một trong mười “nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ”. Bà trở thành một trong các nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc. Tên tuổi của bà được xếp ngang hàng với các nhà văn nổi tiếng khác ở Trung Quốc, tác phẩm của bà được đưa vào giáo trình giảng dạy tại các trường đại học, như giáo trình “Văn học đương đại Trung Quốc”, “văn học Trung Quốc”.
Đến nay, với hơn 30 năm cầm bút, Thiết Ngưng đã đóng góp cho nền văn học hiện đại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, có giá trị. Vượt xa hơn ra khỏi biên giới Trung Quốc, các sáng tác của Thiết Ngưng đã đến Việt Nam và các nước khác trên thế giới là dịp để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về người Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là người phụ nữ.