Quan niệm của Thiết Ngưng về tiểu thuyết

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 32 - 36)

Văn chương là một lĩnh vực nghệ thuật thuần túy và vô cùng khắc nghiệt. Nhà văn muốn tạo cho mình chỗ đứng trên văn đàn hay trong lòng độc giả đều phải có quá trình của sự trải nghiệm. Trong quá trình đó, buộc nhà văn phải tạo cho mình một phong cách nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, mới lạ. Trước sự xâm nhập của các khuynh hướng văn học Phương Tây, văn học Trung Quốc đã có những bước chuyển mình đáng kể. Bên cạnh đó là tư tưởng văn học do người Nhật mang đến Trung Quốc trong quá trình xâm lược. Phái Tân Cảm Giác du nhập vào văn đàn Trung Quốc ở những năm 1930. Đến những năm 1950, 1970 của thế kỷ XX, tiểu thuyết mới hình thành ở Pháp và sau đó lan rộng đến nước này. Cùng với chủ nghĩa tượng trưng phương Đông, tất cả đã làm nên một nền văn hóa đa màu sắc, đa thanh điệu. Bối cảnh đó đặt ra cho nhà văn Trung Quốc những yêu cầu mới với sáng tác của mình.

Nhà văn Lỗ Tấn cho rằng: “Sự buồn vui, đau khổ, phấn khởi đều là tình cảm

con người… Những người nghèo thì không bao giờ có nỗi buồn do bị lỗ vốn trong việc làm ăn, cũng như ông vua dầu lửa thì không bao giờ biết được nỗi chua xót

của một bà cụ đi nhặt xỉ than đá ở Bắc Kinh, hoặc nạn nhân ở khu vực đói kém và đại để là họ không bao giờ trồng hoa lan …” [1].

Cho nên trong đại hội thành lập Liên minh “cánh tả”, nhà văn Lỗ Tấn nói:

“Loại văn chương chưa từng tiếp xúc với cuộc đấu tranh thực tế ngoài xã hội, mà chỉ là những bài văn, những vấn đề nghiên cứu trong một văn phòng có cửa kính, thì có sôi nổi quyết liệt tới đâu, dù có “tả” tới đâu đều là việc rất dễ làm được, nhưng một khi động vào thực tế thì nó tức khắc tan vỡ…” [1].

Nhà văn muốn sáng tác của mình có sức thuyết phục bạn đọc thì phải có sự trải nghiệm ngoài thực tế. Điều này giúp tăng vốn sống, nâng tầm bút lực của nhà văn và nuôi dưỡng tấm lòng nhân đạo của họ.

Với Thiết Ngưng, văn học ngoài mục đích thể hiện những niềm vui, nỗi buồn của cá nhân, nó còn phải phản ánh được những biến động của cuộc sống hiện đại qua sự trải nghiệm thực tế. Nhà văn tâm sự: “như người nông dân cày

sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, tôi cũng gắn bó sâu nặng với cuộc đời để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Tôi sẽ luôn trung thực với thời đại mà tôi sống, với ngòi bút, với lương tâm và với những độc giả yêu thương”. Những năm tháng lao động và

trải nghiệm ở vùng nông thôn Hà Bắc đã đem lại cho bà những kiến thức – vốn sống thực tế vô cùng quý báu. Dưới ngòi bút của bà, hiện thực đời sống nông thôn mở ra với vẻ tiêu điều nghèo khó. Người nông dân phải kham khổ, cực nhọc quanh năm mà vẫn thiếu thốn. Họ chịu nhiều thiệt thòi khi gắn bó đời mình vào chốn “thâm sơn cùng cốc”, xa dân, xa thông tin văn hóa. Họ nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhà văn Thiết Ngưng cay đắng kể cho chúng ta về một thực tại: Con người đánh đổi thân xác, danh dự để lấy miếng ăn, cái mặc. Cuộc sống khó khăn không cho phép họ được cái quyền tự trọng. Từ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống ở nông thôn, những nghèo đói, những đau buồn của kiếp người, Thiết Ngưng đã phản ánh một bức tranh toàn cảnh về nông thôn Trung Quốc. Bà quan tâm đến số phận của con người, bà yêu thương và đi sâu vào nội tâm nhân vật, từ đó nói lên được những mâu thuẫn và đau khổ, những ước mơ và con đường vươn đến hạnh phúc tương lai.

Trả lời câu hỏi “tại sao Thiết Ngưng thường quan tâm đến người nông dân?”, bà trả lời: “Tôi hy vọng tôi có thể chuyển tải được vẻ đẹp trong cảm xúc và những mối quan hệ của con người ở nông thôn Trung Quốc. Những chuẩn mực cơ bản của đạo đức con người vẫn được lưu giữ trong trái tim mỗi con người” [47]. Càng về sau, đối tượng phản ánh trong tác phẩm của Thiết Ngưng không ngừng được mở rộng, không chỉ là nông dân mà còn là trí thức, không chỉ là người dân ở nông thôn mà còn là người dân ở thành thị, không chỉ là những vấn đề của cá nhân mà còn là những vấn đề lớn của cộng đồng, là các cách ứng xử, không chỉ trong gia đình mà còn với xã hội, với toàn cầu …

Liên quan đến việc tạo nên một tác phẩm văn học, nhà văn cần có những trải nghiệm từ thực tế, nhà văn Thiết Ngưng cũng nhấn mạnh rằng: “để viết tiểu thuyết cần phải “trung thực”. Nhân giải thích cho vấn đề này, Thiết Ngưng có kể một câu chuyện của bà qua một chuyến đi công tác: Bà nhìn thấy một quán cơm nhỏ bên đường ở một vùng nông thôn, bên trong quán có hai ông già đang ngồi ăn bánh nguội. Đương nhiên là cửa ra vào của quán cơm đã rất cũ nát rồi, nhưng cửa này lại treo một biển hiệu rất bắt mắt “HILLTON HOTEL”. Thiết Ngưng nói: “Hillton Hotel, là một kiểu hiện tượng”, trong giới văn học trước mắt cũng có lúc phải nhìn tới. Đây là một thời đại đặc biệt: Sợ bị người khác nói mình là không sâu sắc, hiện đang có rất nhiều người tham gia vào nghệ thuật và văn học, nhưng cũng đặc biệt sợ bị cho là “thợ”, mà không phải là “chuyên gia”. [52; Phạm Thị Hòa dịch].

Thiết Ngưng nói thêm về câu chuyện của mình:

“Thiết Ngưng nhớ, trước đây có một nhà văn tiền bối thường nói với bà rằng: Làm người “trung thực” cần phải có giới hạn tối đa của nó, viết tiểu thuyết trung thực cũng cần có hạn định tối đa của nó. Đương thời cho rằng, làm người trung thực thì rất dễ, còn viết một tiểu thuyết trung thực thì thật khó, vì bên trong sự trung thực này còn bao hàm rất nhiều nội dung. Những năm gần đây, càng viết tiểu thuyết tôi càng cảm thấy rằng, viết tiểu thuyết rất cần sự trung thực. Đương nhiên, sự trung thực ở đây là chỉ thái độ của người sáng tác đối với bản thân văn học,

không có lập trường văn học hoặc thái độ với văn học một cách trung thực thì sẽ không thể nào có được bố cục tác phẩm và cũng không có được tư duy để viết văn. Sự trung thực là một đỉnh điểm của trình độ nhận thức, tư duy.” [52; Phạm Thị Hòa dịch].

“Thiết Ngưng còn cho rằng, tiểu thuyết không phải là siêu hình học, Trên thực tế, các hoạt động tư duy của tiểu thuyết rất hẹp, nó là một vòng tròn khép kín. Các khả năng “tấn công” *(từ dùng của tác giả) của tiểu thuyết đối với người đọc chứ không phải là sự kết hợp hoán vị của một kiểu tư tưởng sâu sắc nào đó, hơn nữa, đối với tiểu thuyết gia phải mang được hơi thở của cuộc sống để tạo ra các biểu hiện về sức mạnh và tính phong phú của tư tưởng. Đây là một vấn đề không thể nóng vội.

Thiết Ngưng nhận thấy rằng, cần phải có khả năng mô tả các biểu hiện của tư tưởng chứ không phải là bản thân tư tưởng ấy. Từ đó tiểu thuyết mới có thực lực “tấn công” người đọc. Tiểu thuyết có thể hình dung như một cuộc cách mạng, là phút giây phấn chấn của sự co thắt tình cảm đối với quốc gia. Các tiểu thuyết gia cần phải kiên nhẫn và không nên bốc đồng. Nó phải là mối quan tâm thực sự bằng tình cảm của nhà văn đối với cuộc sống sinh tồn của nhân loại, như vậy người đọc mới có thể tiếp nhận và bị lôi cuốn bởi tác phẩm của bạn …” [52; Phạm Thị Hòa dịch].

Thiết Ngưng là một nhà văn hiện thực, dưới ngòi bút của bà là bức tranh rõ ràng nhất về xã hội Trung Hoa sau Cách Mạng Văn Hóa. Đề tài bà chọn là cuộc sống đời thường của những con người lao động bình thường. Ở đó bà không ngoảnh mặt trốn tránh hay che lấp thực tại. Thiết Ngưng mạnh dạn nhìn đúng, nhìn thẳng vào sự thật. Từ những người nông dân đến những người trí thức bà không ngại phơi bày những đau thương mất mát của họ trong cuộc sống. Tuy nhiên dưới ngòi bút của Thiết Ngưng, hiện thực cuộc sống không chỉ cung cấp dưới dạng thông tin mà nó còn mang cả tình cảm của thời đại thông qua thế giới tư tưởng của nhà văn. Thiết Ngưng đến với văn học bằng một trái tim nóng bỏng yêu thương của một tấm lòng nhân ái. Sự trải nghiệm trong thực tế đã khiến bà càng dễ cảm thông, yêu

thương chân thành với biết bao số phận con người. Chính vì sự yêu thương và quan tâm ấy đã vun đắp cho bà có một khả năng nắm bắt và phân tích tâm lý nhân vật một cách tinh tế, tuyệt vời. Phải nói thêm rằng, những chuyển biến hết sức tinh vi dù là rất nhỏ của nhân vật, cũng không thể qua được sự quan sát tỉ mỉ của bà. Thiết Ngưng đúng là một bậc “phù thủy” về tâm lý con người.

Về vấn đề ngôn ngữ tiểu thuyết, Thiết Ngưng cho rằng : Ngôn ngữ là một phương diện rất quan trọng của tiểu thuyết. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ

tham gia vào việc phát triển và hoàn thành tiểu thuyết mà nó còn là công cụ tạo nên sức rung động, ái mộ đối với bạn đọc. Bản thân ngôn ngữ chính là một bộ phận của tiểu thuyết”. Biết là vậy, nhưng Thiết Ngưng luôn cảm thấy thất vọng, vì bà cho rằng ngôn ngữ của mình chưa đủ để nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ trong tiểu thuyết, bà cảm thấy “lực bất tòng tâm”, có những lúc bà không biết làm thế nào để mô tả. Thiết Ngưng cho rằng, sự việc thế nào thì ngôn ngữ phải chính xác thế ấy. Do đó ta rất cần một “cảm giác” về ngôn ngữ. Vì thế ngôn ngữ không phải là một vấn đề đáng kể, mà vấn đề quan trọng là bản thân người viết. [52; Phạm Thị Hòa dịch]

Thiết Ngưng tâm sự: “Với tôi, viết không phải là một sứ mệnh. Tôi không có

sự lựa chọn nào khác ngoài viết văn. Chỉ có được làm như thế, tôi mới cảm nhận được sự thoải mái, niềm vui trọn vẹn và sự bình yên trong tâm hồn. Tiểu thuyết là những món quà tôi dành tặng độc giả.” [48].

Ta nhận thấy những đóng góp trong quan niệm tiểu thuyết của Thiết Ngưng chính là chìa khóa tạo nên sự thành công trong tiểu thuyết của bà. Sự trải nghiệm, sự “trung thực” và “cảm giác” ngôn ngữ là sự gợi mở, là phương hướng cho nhà văn khi hình thành tác phẩm, cũng là sự gợi mở, là phương hướng giúp người đọc tiếp nhận tác phẩm của bà.

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)