Nữ văn sĩ Thiết Ngưng sinh năm 1957 tại Bắc Kinh trong một gia đình làm nghệ thuật, cha bà là họa sĩ, mẹ là nhạc sĩ. Có lẽ chính cốt cách nghệ sĩ của cha và mẹ đã ảnh hưởng nhiều đến Thiết Ngưng. Nó giúp tạo ra một Thiết Ngưng với trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương, dễ đồng cảm, dễ xúc động và giàu cảm hứng sáng tạo .
Thiết Ngưng sinh ra và lớn lên trong hoản cảnh đất nước Trung Quốc xảy ra nhiều biến động lớn, phong trào đấu tranh chống “phái hữu” (1957) nổ ra mạnh mẽ ở Trung Quốc. Không khí “nặng nề” bao trùm. Sau đó là một loạt các chính biến,
cao trào trong thời kỳ xây dựng CNXH Trung Quốc – tưng bừng hồ hởi: Thời kỳ “ba ngọn cờ hồng”, “đại nhảy vọt” “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” … sôi nổi khắp nơi. Tuổi thơ của Thiết Ngưng sớm chứng kiến mùi vị cay đắng của những biến động lịch sử của đất nước, đặc biệt là ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Có lẽ đây cũng là những trải nghiệm quý báu, nó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của Thiết Ngưng, để rồi những ký ức ấy chuyển hóa thành nguồn cảm hứng trong sáng tác của bà sau này.
Sau khi học hết cao trung (phổ thông trung học) vào năm 1975 – cũng là năm cuộc Cách Mạng Văn Hóa sắp kết thúc, Thiết Ngưng cũng như nhiều trí thức thanh niên khác phải rời thành phố về nông thôn tham gia lao động sản xuất và tự cải tạo. Thiết Ngưng tham gia lao động tại một đội sản xuất ở nông thôn tỉnh Hà Bắc. Nói về những năm tháng ở nông thôn, Thiết Ngưng tâm sự: “Nhìn lại quãng thời gian
sống ở nông thôn, tôi thấy biết ơn cuộc đời vô cùng. Những tháng ngày lao động cật lực trên đồng ruộng, làm bạn với những người nông dân đã giúp tôi am hiểu sâu sắc về thế giới tinh thần của người dân Trung Quốc [47]. Những trải nghiệm đó chính là một tài sản vô giá, là chất liệu để Thiết Ngưng sử dụng trong sáng tác của mình .
Năm 1979, Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, Thiết Ngưng làm biên tập viên tiểu thuyết tạp chí văn học “Hoa Sơn” có trụ sở tại Quý Châu. Năm 1980, bà được chuyển về làm công tác biên tập trong phòng sáng tác Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Với những cố gắng và tận tâm với nghề, bà đã được đồng nghiệp yêu quý và tín nhiệm. Năm 1996, Thiết Ngưng đã được bầu làm chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Bắc và tiếp đó là phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Bàn về việc Thiết Ngưng được bầu làm chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, dư luận trong nước thảo luận khá sôi nổi. Nhà văn Tôn Vân Hiểu đã viết: “Thời đại
của các bậc vĩ nhân trong văn đàn Trung Quốc đã kết thúc, thời đại của những người bình thường (những nhà văn) đã bắt đầu [50]. Dương Hoành Hải, một nhà văn kỳ cựu người Thẩm Quyến cũng nhận định: “ Việc lựa chọn một nhà văn tương
đối trẻ như thế vào chiếc ghế chủ tịch cho thấy những bước thay dổi cơ bản của Hội nhà văn trong kỷ nguyên mới” [47].
Nhà văn Thượng Hải có tên Diệp Vĩnh Liệt bày tỏ: “Xưa nay, chủ tịch Hội chỉ là một chức danh mang tính tượng trưng dành cho các nhà văn lớn. Bây giờ chúng tôi hy vọng một vị lãnh đạo trẻ tuổi sẽ mang đến sự năng động và một luồng sức sống mới cho Hội, giúp các nhà văn bắt nhịp với lối viết thiết thực hiện nay.” [47]. Nhìn chung, xung quanh dư luận đều thể hiện một niềm tin tưởng vào vị tân chủ tịch trẻ tuổi nhất Trung Quốc từ trước tới nay này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trên văn đàn Trung Quốc. Giới văn sĩ cũng như độc giả cũng đặt ra hy vọng ở Thiết Ngưng sẽ tạo nên những bước chuyển mới cho văn học nước nhà.
Là một phụ nữ tài hoa, Thiết Ngưng hội tụ cả ba thân phận: Nhà văn nổi tiếng trên văn đàn, chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc và là Ủy viên Trung Ương dự khuyết. Bà từng có phát biểu hết sức thẳng thắn: “Tôi rất vui vì được làm quan”,
với vị trí “cầm cân nảy mực” bà lại càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với nghề, đối với sự nghiệp văn học nước nhà. Đây cũng là một áp lực mà cũng là một nguồn động viên, thúc đẩy Thiết Ngưng trong vai trò tiên phong, sáng tạo, đổi mới về mọi phương diện sáng tác. Đặc biệt là đối với truyện ngắn, tiểu thuyết để văn học đương đại Trung Quốc có được những dấu ấn và thành công nhất định, đóng góp vào sự nghiệp văn học nói chung của đất nước .
Nhiều người ưu ái gọi Thiết Ngưng là “nhà văn mỹ nữ”. Quả thật bà là một phụ nữ tài hoa, xinh đẹp, có bản lĩnh, có chính kiến rõ ràng.Thế nhưng ta vẫn thấy một Thiết Ngưng vô cùng dè dặt, thận trọng trong tình cảm. Nhiều độc giả quan tâm đến đời sống riêng của Thiết Ngưng, bà nói: “Tôi không phải là người theo chủ
nghĩa độc thân, đã từng trải qua chuyện tình cảm, suýt nữa thì kết hôn, nhưng cuối cùng đều không thành công”. [48] Thiết Ngưng lý giải: “Tôi là một người kiểu truyền thống từ trong xương cốt, kỳ vọng khá cao ở hôn nhân , luôn nghĩ là mình chưa chuẩn bị tốt để kết hôn, thà sống một mình cả đời chứ quyết không chấp nhận kiểu hôn nhân ghép lại thành đôi. Hôn nhân không liên quan gì đến người tốt hay người xấu. Người tốt thì nhiều đấy, nhưng anh ta không hợp với mình hoặc mình không hợp với người ta, đó mới là cái khó của chuyện tình cảm và hôn nhân là chuyện của sự thích hợp, thích hợp là được, hôn nhân không hợp nhau thì không có
vẫn hơn” [48]. Có lẽ vì cuộc đời như thế nên các nhân vật trong sáng tác của Thiết Ngưng đều ít nhiều mang hình bóng và nếp nghĩ của tác giả. Tuy nhiên, khát vọng về hạnh phúc lứa đôi luôn là điều mà con người tìm kiếm và vươn tới. Nhà văn Thiết Ngưng cuối cùng đã tìm được “sự thích hợp” trong hôn nhân của mình, năm 2007 bà đã kết hôn với Hoa Sinh – Hiệu trưởng trường đại học Hoa Kiều Yên Kinh. Lễ kết hôn của họ không ồn ào náo nhiệt mà có cái thâm trầm, kín đáo của người từng trải. Việc Thiết Ngưng kết hôn có thể coi là một tín hiệu vui đối với làng văn học Trung Quốc. Hy vọng hạnh phúc gia đình sẽ là một động lực cho tác giả trên những bước đường hoạt động nghệ thuật sắp tới của bà.