Ở tác phẩm Những Người Đàn Bà Tắm, ngoại hình của các nhân vật như Tiểu Khiêu, Tiểu Phàm, Đường Phi, Mỹ Thìn đều được tác giả Thiết Ngưng dụng công miêu tả từ cái nhìn của nhân vật đối diện. Trước hết ta nhận thấy vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật Đường Phi thật ấn tượng: Trong vẻ đẹp ấy có ẩn chứa sự dự báo về một cuộc đời đầy sóng gió và trắc trở của cô. Dường như vẻ đẹp và vẻ thách thức ngang tàng của cô gái này không phải ngẫu nhiên, mà nó được tích tụ và nuôi lớn từ những tủi nhục, căm hờn cái xã hội đã đưa đến cho cô nỗi bất hạnh. “Năm ấy Đường Phi mười lăm tuổi, nhưng trong mắt Khiêu, Phi đã phát triển như một người lớn. Đôi lông mày đen, cặp môi đỏ và mái tóc màu hạt dẻ uốn lượn trước trán làm Khiêu lóa mắt … Đôi môi thắm, mái tóc xoăn làm cho Phi như người khách từ phương xa tới. Đôi mắt hơi xếch trông Phi vừa trang nghiêm vừa có vẻ đồi trụy”
[24; 112]. Đó là ấn tượng lần đầu gặp mặt Đường Phi của Tiểu Khiêu. Khi Khiêu cùng Phi đi xem phim, Khiêu quan sát Phi từ phía sau cũng tạo cho Khiêu môt sự ngưỡng mộ: “Đường Phi, lắc mông, mặt hơi vênh, ưỡn bộ ngực vốn đã nhô cao đi
trước Khiêu. Hai tay áo xắn cao, lớp lông tơ mịn màng trên hai cánh tay được ánh sáng chiếu vào óng ánh vàng. Trông Đường Phi thật bắt mắt, người đi đường, đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ con đều phải nhìn theo… [24; 114]. Đường Phi ý thức
được vẻ đẹp của mình, cô đã sử dụng nó nhưng là một phương thức của sự trao đổi: Sự trao đổi để thỏa mãn dục vọng bản thân; Sự trao đổi còn ngấm ngầm ném vào xã hội mà Phi căm ghét cái ngang tàng ngạo nghễ … Phi trả thù cái xã hội đã vì hai từ “hư đốn” mà cướp đi người mẹ khỏi cuộc đời Phi, cướp mất ở Phi cái quyền của một đứa trẻ bình thường lẽ ra phải được hưởng. Phi trả thù đời mà cũng chính là trả thù cả cái bản thân Phi. Trong cuộc chiến này, Phi không nhận được gì, trái lại ở cuối tác phẩm, ta bắt gặp một Đường Phi tiều tụy, tàn tạ. Phi cảm nhận được sự xuống dốc của mình: “Mắt tớ thâm quầng, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ám khói
thuốc vàng khè … da dẻ xấu lắm rồi. Nhìn vào gương thấy hai má chảy xệ…”
[2;374]. Thời gian và những trải nghiệm, va vấp trước cuộc đời đã khiến một Đường Phi từng là nỗi ghen tuông, thèm muốn của nhều người phải tàn tạ. Người con gái ngang tàng, không biết sợ là gì đã phải chết thảm vì bệnh tật. Nhân vật Đường Phi cũng là một nạn nhân, là dư âm của cái xã hội khắc nghiệt ấy. Tác giả Thiết Ngưng có tàn nhẫn không khi để cho nhân vật của mình có một kết cục bi thảm như vậy? Có lẽ nhà văn có dụng ý riêng, nhưng trong sâu thẳm nỗi đau và sự bất hạnh của nhân vật có ẩn chứa nỗi đau đớn và xót thương vô hạn của nhà văn. Bà đành để cho nỗi đau là sự kết thúc cuộc đời Đường Phi, nhưng kết thúc này nó lại là hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh những tâm hồn chai sạn, những lạnh lùng tàn nhẫn, những bất công phi lý phải quay đầu.
Ta không chỉ bắt gặp nhân vật Đường Phi qua cái nhìn của Khiêu mà ta còn bắt gặp chính Khiêu, nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong truyện, tuy Khiêu được nhắc nhiều trong diễn biến của truyện, nhưng phải đến những trang cuối cùng ta mới có cái nhìn đầy đủ về diện mạo của nhân vật này. Trong mắt của kẻ tình địch là Vạn Mỹ Thìn, Khiêu hiện lên với những ấn tượng đặc biệt “Trong tưởng tượng
của em, chị như một người rất tiên phong, tóc cắt ngắn như con trai. Nhưng ngược lại, tóc chị chải lật ra phía sau, kẹp gọn gàng thật thấp, trong vẻ giản dị để lộ nét không bình thường. Vầng trán sáng lán và bước đi nhanh nhẹn đã để lại cho em ấn tượng vừa khó chịu vừa sâu sắc … Trong tay chị cầm chiếc mũ cói mềm, chung quanh mũ trang trí dải băng gai in những bông hoa cúc Ba Tư” [24; 429]. Với
Khiêu, nhà văn Thiết Ngưng để cho Vạn Mỹ Thìn nói lên tất cả. Trong sự ngưỡng mộ xen lẫn sự ghen tị trong Mỹ Thìn thì Khiêu hiện lên là một cô gái bản lĩnh, giàu ý chí, thông minh và sống lý trí. Mỹ Thìn không lầm trong sự cảm nhận về Khiêu. Sự đi thẳng trực diện vào nỗi đau trong tim, tưởng chừng như đó là hành động chào thua và hạ mình của Mỹ Thìn, nhưng không! Nó là một đòn giáng mạnh vào lí trí của Khiêu. Với tính cách nhân hậu vị tha của Khiêu, Khiêu sẽ trả lại hạnh phúc cho Mỹ Thìn. Cô có lý do để hành động như vậy. Hạnh phúc là điều làm Khiêu đau khổ, nhưng đau khổ lại làm Khiêu tỉnh táo và thanh thản.
Ngược lại, Vạn Mỹ Thìn trong con mắt của Khiêu “Người Mỹ Thìn nhỏ nhắn, vầng trán đầy đặn, mái tóc bóng bẩy kẹp bằng kẹp gỗ đó. Đôi lông mày mảnh mai, đôi mắt to có cái nhìn đầy thiện cảm. Những nét trang điểm và trang phục cũng rất hài hòa […] gọn gàng, rất cẩn thận lộ chút lãng mạn” [24; 419]. Vẻ bề ngoài của Vạn Mỹ Thìn trong con mắt của Khiêu thật dịu dàng, thiện cảm và có phần yếu đuối nhưng rất chân thành. Sự chân thành trong bộc bạch, và cả sự yếu đuối nhưng đầy tự trọng của Mỹ Thìn đã làm Khiêu rung động, đó là người con gái có vóc dáng mảnh mai song sức chịu đựng và nhẫn nại đến vô cùng. Sự tập tành học làm Khiêu - Khiêu thứ hai trong con mắt Trần Tại của Vạn Mỹ Thìn khiến Khiêu giật mình nhận ra mình “Khiêu đứng chờ ở cửa đã trông thấy Mỹ Thìn từ xa
đi tới. Mỹ Thìn đội mũ cói có những bông hoa cúc Ba Tư, mặc tấm váy trắng như Khiêu đã từng mặc, Khiêu chợt nhận ra chẳng phải là mình sao? Mỹ Thìn cũng có phần giống mình đó thôi ? [24; 435]. Cảm nhận này giúp Khiêu lý giải tâm trạng của Trần Tại trong đêm trăng thu, sau phút hai người ân ái mê say, anh lại lặng lẽ xuống giường để gọi điện cho Mỹ Thìn chỉ vì lý do nhắc cô đóng cửa sổ, anh sợ cô quên, sương đêm sẽ làm cô cảm lạnh. Khiêu không tin lý do đó. Cô hiểu đó không phải là sự quan tâm đơn thuần mà nó còn là nỗi nhớ ăn sâu vào trong tim Trần Tại. Nỗi nhớ đã tồn tại vững chắc trong anh suốt mười năm ân nghĩa vợ chồng với Vạn Mỹ Thìn. Khiêu càng quyết tâm nhường lại hạnh phúc cho người con gái nhỏ bé đáng thương kia. Khiêu bằng lòng như thế.
Cũng với phương thức mô tả nhân vật thông qua nhân vật đối diện ở ngôi thứ hai, nhà văn Thiết Ngưng đã để cho Khiêu quan sát và nhận biết Phàm - cô em gái vừa ở Mỹ bước xuống sân bay về Trung Quốc. “Phàm gầy quá, mặc cái áo màu huyết dụ dài sát đất, trông dáng người càng cao hơn … Sắc mặt Phàm không tươi… thậm chí khi cười Khiêu còn nhận ra một vài nếp nhăn ở đuôi mắt” [24; 291, 292]. Sống ở xã hội Mỹ, có điều kiện vật chất nhưng trông Phàm vất vả cả về thể xác và tâm hồn. Sự thật là Phàm phải làm thêm ở các nhà hàng để lấy tiền ăn học, hơn nữa hôn nhân của cô đang trên bờ vực đổ vỡ. Phàm và David không hạnh phúc nhưng Phàm lại không thể than thở, không thể thổ lộ cùng ai, đối với người thân trong nhà Phàm càng không thể. Dù cố tạo ra vẻ cao sang, tiến bộ hơn người nhưng những dấu ấn hiện lên trên cái vẻ bề ngoài của Phàm không thể che dấu được Khiêu. Khiêu có linh cảm nội tâm Phàm có điều trắc ẩn không yên, Khiêu biết cuộc sống của Phàm không vui.
Ở tác phẩm Cửa Hoa Hồng, tác giả Thiết Ngưng vẫn trở lại với mô típ quen thuộc trong miêu tả vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ. Nhà văn tỏ ra ưu ái đặc biệt với vẻ đẹp ngoại hình của Trúc Tây, con dâu bà Tư Kì Văn. Cùng là vẻ đẹp quyến rũ mê người của người phụ nữ, nhưng Trúc Tây mềm mại hơn, vẻ đẹp của cô không có sự thách thức ngang tàng kiểu hận đời của Đường Phi. Nhà văn Thiết Ngưng để lộ vẻ đẹp của Trúc Tây qua cái nhìn khám phá, ngưỡng mộ của một đứa trẻ - Mi Mi đang độ tuổi dậy thì. Cái khát khao khám phá cái mới mẻ của cơ thể đứa trẻ, giờ đây nó được chiêm nghiệm và kiểm chứng trên chính cơ thể mợ Trúc Tây của nó “ […] Nó xấu hổ nhìn cơ thể mợ, nó cảm thấy cái cơ thể này thật to lớn, khỏe mạnh, thật đầy đặn … Nó cảm thấy tất cả các bộ phận của mợ rất nên để mọi người thấy … bộ phận nào cũng xứng đáng để người khác thấy […].
Bầu vú của mợ khi để bé Bảo bú, nó như bộ phận chỉ có sữa mà trẻ nhỏ không rời nổi. Nhưng lúc này bầu vú mợ không như thế, nó là quả bóng, là hai quả bóng đang nhảy nhót kích thích người khác đùa giỡn với nó …
Cặp mông, khi mợ ngồi váo cái ghế ôm bé Bảo, thì nó chỉ là hai cái đệm dày trên cơ thể người để ngồi lên. Bây giờ chúng không còn lá cái sinh ra để ngồi lên,
mà là hai sinh mệnh làm trái tim ai đó phải run rẩy. Mỗi lần mợ xê dịch tấm thân hai cái sinh mệnh kia phát ra lời mời gọi không dấu đi nổi.
Cổ và vai giống như một thân cây thẳng nối với một thân cây nằm ngang. Nơi cổ và vai liền nhau tạo nên môt đường cong khó hiểu …
Thắt lưng tại sao lại bé hơn hông, hông tại sao lại đầy đặn hơn bắp chân ? … Vùng bụng đầy đặn, là vùng không lớn không bé long lanh những giọt nước phía dưới. Nhìn vào chỗ ấy Mi Mi như muốn trốn tránh nhưng lại muốn phỏng đoán về mình …” [23; 137, 138].
Tác giả mượn cái nhìn ngây thơ và mang đầy sự tò mò, khám phá của Mi Mi để miêu tả một cách tỉ mỉ cái cơ thể hoàn mĩ của Trúc Tây. Cái cơ thể hoàn mĩ ấy ẩn chứa một sự khát khao đời sống tình dục mạnh mẽ. Trong cái khát khao của đời sống tình dục có cả cái khát khao về tình yêu, về sự hòa hợp ăn ý trong đời sống hôn nhân. Vì khát khao này mà Trúc Tây mải miết đi tìm để thỏa mãn bản thân. Vẻ đẹp của Trúc Tây dường như có sức lôi cuốn sự ngưỡng mộ của chính tác giả: “chị
có nước da trắng ngần, các giác quan cân đối, ánh mắt đằm thắm, cho đến hương thơm trên người chị đều chứng thực với mọi người rằng chị là hóa thân của sự minh bạch, không sai lầm …” [23; 338]. Nhưng sự hoàn mĩ của cơ thể cũng không đem đến cho Trúc Tây có được hạnh phúc trọn vẹn. Cô vẫn dở dang và chấp nhận cuộc sống cô đơn ở tuổi trung niên. Nhà văn Thiết Ngưng quan niệm “Trên thế gian không gì hoàn chỉnh bằng trái tim tan vỡ!” [24; 437]. Sau những đổ vỡ, con người sẽ nhìn lại bản thân và vun vén cho những hy vọng dù mong manh nhất, họ mong tìm lại hạnh phúc, bởi “hạnh phúc là khi mình cảm thấy hạnh phúc” - nghe phi lý đấy nhưng lại rất thoả đáng cho sự giải thoát tâm hồn. Con người đôi lúc phải biết chấp nhận hoàn cảnh và bằng lòng với hạnh phúc hiện tại của mình.
Trong khắc họa ngoại hình của các nhân vật, tác giả Thiết Ngưng rất ít khi dùng lời trần thuật của mình mà thường mượn sự quan sát từ nhân vật đối diện ở ngôi thứ hai. Vì sự quan sát và phát hiện này đem lại hiệu quả hơn cả. Nhân vật được miêu tả sẽ trở nên sống động và tự nhiên hơn, nó cũng tránh được sự khiên cưỡng theo ý đồ chủ quan của tác giả. Mi Mi không chỉ quan sát cơ thể của mợ Trúc
Tây khi tắm, cô bé còn quan sát cả bà ngoại Tư Kì Văn, bà trẻ Tư Kì Tần, Bà Cô, … Mi Mi là cô bé nhạy cảm tinh tế, cô rất tỉ mỉ quan sát những người thân trong lần gặp mặt đầu tiên vừa lạ vừa quen, vừa dò xét, vừa thân mật: Lần đầu gặp mặt bà ngoại, Mi Mi cảm thấy “[…] bà tỏ ra cao lớn, rất đẹp, rất quý phái. Khuôn mặt trắng trẻo, làn môi đỏ thắm và mái tóc đen điểm vài sợi bạc… bà trông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Người bà hơi gầy nhưng đôi tay bà đẹp và đầy đặn, ngón tay thon thả, móng tay để dài, bóng bẩy, da trên mu bàn tay vẫn căng không thấy những đường gân xanh” [23; 19]. Cái cảm nhận rất thật của một đứa trẻ vừa năm tuổi, nhưng tác giả đã để cho bà Tư Kì Văn ở cái tuổi ngoài sáu mươi của mình vẫn giữ được nét đẹp tuổi thanh xuân, cái cảm nhận “trông bà trẻ hơn tuổi, rất quý phái, đôi tay bà
đẹp và đầy đặn, ngón tay thon thả …” đã gợi cho người ta cảm nhận về cuộc sống giàu có nhàn hạ, sung sướng của bà thời trẻ, vẻ sang trọng của bà gợi cho người ta nhận diện được đẳng cấp của bà so với người có đẳng cấp khác bà. Ví như Long Bắc khi nhìn bà với bà La, anh biết ngay bà Văn không cùng đẳng cấp với bà La. Vẻ đẹp vóc dáng tạo nên phong cách con người là thế.
Cũng lần đầu tiên gặp mặt, Mi Mi cảm nhận về bà trẻ Tư Kì Tần : “Tóc bà trắng, da trắng, trắng như da một cô gái. Một bộ đồ đen cắt rất khéo ôm lấy tấm thân hơi béo. Bà có bộ ngực rộng và rắn chắc. Cái cổ áo có phần chật, có thể vì cái cổ hơi to …giọng nói của bà rất nhẹ nhàng và rõ ràng.” [23; 27]. Ấn tượng về bà trẻ rất đẹp, Mi cảm thấy gần gũi và thân thiện, dễ mến, nhất là Mi Mi cứ được bà ôm vào lòng, áp mặt vào bộ ngực rộng và rắn chắc của bà. Sau này, khi bà bị phê đấu: “Trước kia bộ ngực rộng và rắn chắc, bây giờ ngực bà đầy sẹo, thịt da thâm tím, nhăn nhúm, trông giống như có ai đó xoắn lại. Bầu vú bên trái mất núm, trông giống như miếng thịt bụng ở hàng thịt lợn” [23; 279]. Mi Mi hoảng sợ, hoảng sợ xen với nỗi xót xa, phẫn uất, phẫn uất vì nó biết cái nguyên nhân do đâu mà bà trẻ bị như thế. Nó giận bà ngoại, nỗi bất bình, xen với sự chấn động tâm hồn, nó muốn bỏ chạy. Nó bỏ bà ngoại và bé Bảo ở đằng sau để lao nhanh về phía trước, phía trước vô định, vì lúc này nó như chỉ muốn được bay lên để thoát khỏi nỗi chấn động do con người gây ra.
Đối với Bà Cô, Mi Mi cũng có cái nhìn thật tinh tế: “Nó thấy một người đứng tựa cửa. Đó là một người đàn ông, không, một người đàn bà, không, một người đàn ông. Nó không thể xác định được tuổi của người này, người dong dỏng cao, lưng gù, ngực lép, tóc rẽ ngôi giữa không che kín vành tai, tai dài và to dày; Mắt không có thần, nhưng cứ liếc nhìn khắp nơi; lông mày không đen nhưng rất thô, hơi gần mắt […] Cái cằm rộng và dài hiếm thấy, giống nửa cái đế giày. Cái quần xanh bạc màu túm lấy bụng, có đến ba cái túi giấy như túi quần học sinh. Mi Mi còn xác định giới tính người này qua cái vai rộng. “Đó là một người phụ nữ, một phụ nữ không còn trẻ” [23; 49]. Ấn tượng đầu tiên về Bà Cô làm cho Mi Mi phải sợ, một người thật không bình thường: Cái cảm nhận nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ chính là nỗi khổ tâm của chính cuộc đời Bà Cô mà Mi Mi không sao hiểu được. “Cặp mắt không có thần nhưng cứ liếc nhìn khắp nơi …cái cằm rộng và
dài hiếm thấy, giống như nửa cái đế giày” rất có thể Mi Mi liên tưởng bà như một