Người phụ nữ thôn quê

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 37 - 43)

Đồng trang lứa và cùng giữ chức vụ như Thiết Ngưng, nhà văn thị trưởng Lý Thái Ngân cũng chọn cho mình đề tài về nông thôn. Tác giả này đến với nông thôn vì chính trị phải gắn bó mật thiết với cuộc sống. Lấy đề tài từ đời sống chính trị và dùng tư duy trừu tượng để sáng tác. Nhìn có vẻ đi ngược lại con đường Thiết Ngưng đã chọn, thế nhưng họ gặp nhau ở công việc chọn đề tài, nhân vật. Trong sáng tác của Lý Thái Ngân thường là những cô gái nông thôn chất phác dưới ảnh hưởng của tập quán truyền thống, họ hy vọng thông qua hôn nhân để thoát ly cuộc sống nông thôn. Thế nhưng mục đích không thực hiện được và cuối cùng nhân vật rơi vào tấn bi kịch. Cốt lõi những vấn đề tư tưởng nổi bật của nhà văn Lý Thái Ngân là mối quan hệ giữa sức lao động, nông thôn, nông dân và thành thị. Chúng ta cần phải làm gì để kéo gần khoảng cách giữa chúng. Đó là Lý Thái Ngân.

Mạc Ngôn cũng là nhà văn viết về nông thôn, thế nhưng trong sáng tác của ông, nông thôn hiện lên xơ xác và cuộc sống nông thôn hết sức bần cùng. Tiểu thuyết của Mạc Ngôn say sưa với cuộc sống kỳ lạ của “tiền nhân gia tộc” thì Thiết

Ngưng lại hướng lòng mình về người phụ nữ. Nhiều sáng tác của bà khá thành công trong việc miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ. Người phụ nữ đẹp trong vẻ khỏe khoắn của người lao động với hình thức bên ngoài và nội tâm thuần khiết bên trong.

Hoặc như nhà văn Trì Lợi, người dành cho phụ nữ sự ưu ái hết đỗi. Tuy vậy nội dung chủ yếu mà những truyện ngắn của tác giả này quan tâm là “góc nhìn của nữ tính và lập trường của nữ tính” [15; 181]. Đó là tiếng nói bênh vực thân phận người phụ nữ, vạch rõ mâu thuẫn và giằng co quyết liệt giữa hai phái.

Trong thời đại Internet ngày nay, không khó tìm được các sáng tác của các nhà văn trẻ. Họ được ví như nấm mọc sau mưa và các tác phẩm của họ được giới thiệu rộng rãi. Những cái tên như: Vệ Tuệ, Tào Đình, Trương Duyệt Nhiên, Sơn Táp, … dần dần trở thành quen đối với người đọc toàn thế giới. Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều, các nhà văn trẻ tuổi này, ít nhiều chạy theo thị hiếu bạn đọc, ví như bối cảnh chủ yếu trong sáng tác của Vệ Tuệ thường là các quán bar, vũ trường, nhà hàng … Do đó truyện đề cập đến các vấn đề hết sức nhạy cảm, nó mang tính dục rất cao như ân ái, làm tình, khỏa thân, …

Trong sự hỗn độn đa màu sắc đó , ta thấy một Thiết Ngưng trầm ngâm đứng bên thân phận người phụ nữ nghèo khổ, họ là phụ nữ lao động sản xuất của nông thôn.

Những năm tháng sống và lao động ở nông thôn, chứng kiến cảnh người nông dân đói khổ, hơn ai hết, Thiết Ngưng thấu hiểu và thông cảm sâu sắc với họ, đặc biệt là người phụ nữ. Thời kỳ đầu, Thiết Ngưng thường viết về những con người và những sự việc bình thường trong cuộc sống nông thôn, những chân dung về người phụ nữ nông thôn đều được phản ánh trong các sáng tác của bà. Càng về sau, đối tượng phản ánh trong tác phẩm của Thiết Ngưng không ngừng được mở rộng. Đó không chỉ là người phụ nữ nông thôn mà còn là người dân thành thị, không chỉ là nông dân mà còn là trí thức … Thiết Ngưng tỏ ra một sự nhạy bén trong cách nhìn, cách cảm về con người và cuộc sống. Thiết Ngưng sâu sắc trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật. Ta cảm thấy Thiết Ngưng dường như có hai điểm

nhìn: Một là thành thị, một là nông thôn; Một là nam giới, một là nữ giới. Thiết Ngưng lấy người ở thành thị để nhìn về người ở nông thôn, lấy người ở nông thôn nhìn về người ở thành thị; Lấy nam giới để nhìn về nữ giới, lấy nữ giới để nhìn về nam giới, …Nhưng cho dù người đó là người thành thị hay người nông thôn, người đó là nam giới hay nữ giới thì đều được Thiết Ngưng mô tả và phân tích những diễn biến tâm lý cực kì sống động, linh hoạt đến chân thật và xúc động. Thiết Ngưng quả thực có một khả năng bẩm sinh để kiểm soát các câu chuyện trong tác phẩm của mình.

Với đề tài người phụ nữ nông thôn, các nhân vật trong sáng tác của Thiết Ngưng luôn đau đáu khát vọng đổi đời, khát vọng văn minh. Họ phải sống quẩn quanh bế tắc, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Nơi chốn xa xôi, hẻo lánh theo cùng là những tập tục lạc hậu khiến người ta không ngừng ao ước, đôi khi chỉ là ao ước tầm thường và ảo tưởng.

Tháng 6 năm 1982, Thiết Ngưng cho ra đời truyện ngắn Ôi! Hương Tuyết, tác phẩm đã được các độc giả nồng nhiệt đón nhận. Truyện ngắn Ôi, Hương Tuyết

mô tả một cô gái vùng sơn cước với rổ trứng trên tay đã bị cuốn hút bởi chiếc hộp bút chì mà nhảy lên chuyến tàu xa lạ với mong muốn đổi giỏ trứng để có được nó. Điều này cho thấy sự đơn giản đến trong sáng, đáng yêu của cô gái nông thôn – Hương Tuyết. Bằng giọng văn trong sáng, mạch lạc, tác giả tỏ ra thông cảm, yêu thương, yêu thương hết lòng nhân vật của mình. Hương Tuyết cũng như Phượng Kiều và các cô gái nông thôn khác, đều phải sống trong cảnh thiếu thốn, tù túng. Đời sống nghèo khó, họ không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo túng cả về đời sống tinh thần. Vì thế, mỗi khi tàu chạy qua, nó như một thứ “ánh sáng văn hóa mới” đem đến cho Đài Nhi Câu một khoảng náo nhiệt và rộn rã, đặc biệt nó đem đến sự háo hức vô bờ với các cô gái nơi đây:“Mỗi lần tàu chạy qua, những cô gái kéo nhau ra đứng nơi đầu thôn, tham lam ngước nhìn đoàn tàu. Có cô chỉ trỏ lên toa tàu, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng đấm nhau thùm thụp và tiếng reo vui …”

Tàu sắp đến: “Các cô cứ hớt hơ hớt hải dọn cơm lên, ăn qua loa vài miếng rồi bỏ

tóc chải thật mượt, đua nhau mặc những chiếc áo đẹp nhất. Có cô đi đôi giày chỉ để đi trong ba ngày Tết, có cô còn xoa lên mặt một chút kem cho dù tàu đến ga tối lắm rồi, nhưng các cô gái vẫn làm theo ý mình, vẫn phải ngắm nghía chọn lựa trang phục, chăm sóc dung nhan, cùng nhau ra đầu thôn, chạy nhanh về phía tàu sẽ chạy qua”. “Ôi! Hương Tuyết”là cả sự mong đợi của thôn Đài Nhi Câu. Nơi đây biệt lập với mọi sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Chuyến tàu ọp ẹp thở phì phò từ thủ đô chạy qua, mỗi ngày chỉ dừng lại một phút ngắn ngủi. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng sự chuẩn bị để đoàn tàu đi qua là cả một ngày. Các cô gái mười bảy, mười tám tuổi của Đài Nhi Câu rửa mặt, sửa soạn quần áo để đón đoàn tàu đi qua như chờ một điều thiêng liêng cao cả . Đời sống vật chất nông thôn đầy thiếu hụt, với những tâm hồn trong sáng khát khao thay đổi … đã được Thiết Ngưng miêu tả vô cùng sắc sảo, giọng văn nghe có vẻ lạnh lùng mà lại đầy thương cảm, sẻ chia ….

Mễ, trong Mùa Hái Bông, chúng ta lại bắt gặp một ngòi bút lạnh lùng chua xót khác của tác giả. Mùa Hái Bông mang bóng dáng của cái nhìn sử thi bao quát một số phận cộng đồng trong lịch sử - vẫn là cái nhìn suồng sã, nhưng lại rất chân thật, rất gần gũi với con người. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận của những thế hệ phụ nữ nông thôn nối tiếp nhau …dai dẳng bế tắc, nghèo đói, nhơ nhớp… Họ có thể làm tất cả để đổi được cái ăn, cái mặc mà không dám một lần mơ về hạnh phúc lứa đôi. Nhân vật Mễ được tác giả miêu tả là cô gái nông thôn, lam lũ, xinh đẹp nhưng lại lười biếng, có lối sống ích kỷ để thu vén cho bản thân. Mễ bất chấp cả đạo lý, sống buông thả, chỉ là để nhận được những gánh bông : “Mỗi lần

Mễ đi bán bông, ông Tụ (cha của Mễ) lại bảo con gái đem bán luôn cả chỗ bông để ở bên bể nước. Mễ không đem bán. Cô chỉ bán chỗ bông của mình tích góp. Bông ở ngoài kia để ông Tụ bán, đó là sự đối phó giữa hai bố con. Cho dù là đối phó, nhưng một khi thiếu Mễ cũng lấy bông của bố đi bán để gom góp thu vén cho bản thân”.

Chuyện cô đêm đêm chui vào lều lán âu cũng để cho bản thân sau này lấy chồng, sinh con đẻ cái, cô không muốn tay không về nhà chồng.” [24;165]. Đau lòng vô cùng, khi chúng ta phải nhìn vào sự thật mà đặt một phép tính : Bên này là

thân xác và nhân phẩm con người, bên kia là một gánh bông. Điều mà Mễ làm hôm nay được lặp lại bởi chính con gái mình – cái Hĩm. Cuộc đời Hĩm cũng chẳng mấy tươi sáng hơn, thậm chí còn kết thúc rất thảm. Hĩm bị Quốc bắn chết, sau khi cô làm tình với Quốc trên ruộng bông. Theo nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thì :“đây là chi tiết đắt giá … Những người đọc văn học Trung Quốc từ năm 1976 trở đi thường cảm thấy ngạc nhiên khi bắt gặp mật độ dày đặc của những pha các nhân vật âu yếm làm tình với nhau… Nhưng theo tôi, khi đọc không thấy bẩn. Ngược lại có cảm tưởng như nhà văn muốn nhấn mạnh những sự kiện kinh thiên động địa nội chiến bắc phạt trường chinh thổ cải Cách Mạng Văn Hóa, mở đặc khu kinh tế làm hàng bán cho cả thế giới được hoàn thành, đồng thời với việc những người đàn ông, đàn bà làm tình với nhau một cách hết mình. Bởi chẳng qua, đây là một hình thức giao tiếp của con người, có những lúc chỉ có nó là thứ ngôn ngữ duy nhất để người ta bộc bạch mình, và qua đây thấy trong bề sâu nhân loại vẫn có cái gì đó mạnh hơn, bí mật hơn, quyết liệt hơn mọi biến động bên ngoài …” [24; lời bìa] Sự theo đuổi những ước mơ tốt đẹp của con người trong cuộc sống là luôn luôn. Việc thực hiện một số ý nghĩa của cuộc sống trong tác phẩm của nhà văn, lúc đầu, nhà văn thường chỉ mong muốn viết về những vấn đề hợp lý xoay quanh cuộc sống ấy, nhưng trong quá trình viết, nhà văn bị thúc đẩy bởi những chiều sâu ý nghĩa và tư tưởng của vấn đề, điều này đã đẩy nhà văn đi xa hơn với những dự kiến ban đầu. Trong tiểu thuyết của Thiết Ngưng, ý nghĩa của cuộc sống luôn luôn thể hiện như là một lý tưởng nào đó, việc theo đuổi liên tục của đức tin, biểu hiện khả năng siêu nhiên, thăng hoa tồn tại trong con người cá nhân nhà văn. Cho dù là những người phụ nữ mang thai trong Người Đàn Bà Chửa Và Con Bò hay là những người mẹ, những cô gái “Trương Phẩm” trong Thôn Tú Sắc, mục tiêu của họ trong cuộc sống hẳn là “tuyệt vời”, hành vi của họ có thể không được “cao”, nhưng họ là những thế hệ kế tiếp, sống và hành động cho tương lai phía trước của bao nhiêu con người ở thôn Tú Sắc. Suy nghĩ và sự hy sinh của họ là thiêng liêng, cao đẹp. Trong điều kiện sống của người phụ nữ nông thôn, chúng tôi cảm thấy rằng tinh thần ngoan cường của các dân tộc cổ xưa trong cuộc sống thật là đáng kính nể. Một số

nhà phê bình không đồng tình với các “Trương Phẩm” trong Thôn Tú Sắc về việc dùng danh dự và phẩm giá để đổi lấy nước. Nhưng đối với mẹ con Trương Phẩm, trong suy nghĩ đơn giản của họ đó là một sự cống hiến, sự cống hiến góp phần vào sự tồn vong của thôn Tú Sắc. Tôi thật sự cảm thấy cuốn truyện này là một kinh nghiệm sống và nó đem đến một ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người.

Bên cạnh khát vọng đổi đời người phụ nữ nông thôn còn có khát vọng hiểu biết, khát vọng tri thức. Người đàn bà, trong truyện ngắn Người Đàn Bà Chửa Và Con Bò, ta có thể hình dung nó như một bức tranh với những nét vẽ mộc

mạc hài hòa và mơ hồ về nông thôn hẻo lánh xa xôi, hoặc ta có thể ví nó như một bài thơ, viết về một cuộc sống đáng yêu, hy vọng vào một tương lai tươi sáng, sự hy vọng ấy đã làm nguồn cảm hứng xuyên suốt bài thơ, cuộc đời… Thế đấy, tôi cảm thấy rất thích thú, một cảm giác khoan khoái, thư giãn tràn ngập khi đọc Người Đàn

Bà Chửa Và Con Bò - Người phụ nữ hạnh phúc - Cô hạnh phúc vì lấy chồng về miền xuôi (thoát khỏi vùng núi heo hút), cô hạnh phúc vì trong lòng cô đang mang một mầm sống bé nhỏ, mầm sống ấy là viễn cảnh tươi sáng cho tương lai của cô, của đứa con cô đang ấp ủ. Người phụ nữ trẻ ấy xinh đẹp, dịu hiền, cô bước đi bình yên trên cánh đồng mênh mông, trong ý nghĩ của cô cứ miên man không tắt với những tưởng tượng trong sự tồn tại của thế giới nhỏ bé trong cô, bên ngoài là vùng đồng bằng rộng lớn nhưng dường như vẫn không đủ chỗ cho sự di chuyển trí tưởng tượng của cô về bước đi tương lai của đứa con sắp chào đời, chúng ta cảm thấy rõ ràng cô mong muốn đứa bé này sẽ được đi học, được biết chữ. Cô không muốn nó giống như mẹ nó, và rồi cô quyết tâm trang bị cho mình một tâm thế tốt nhất để có thể trả lời những câu hỏi của con – cô không muốn con thất vọng về mình, cô đã cố gắng viết lại những con chữ mà chính bản thân cô không hiểu nổi nó, cái chữ lớn hơn cả sự hiểu biết của cô, nhưng cô đã chiến thắng chính bản thân mình. Người Đàn Bà Chửa Và Con Bò đã đặt ra nhiều hy vọng cho các thế hệ của phụ nữ nông thôn trong cuộc sống, họ hy vọng vào tương lai của chính mình và tương lai của các em gắn liền với cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản với chi tiết đời thường, mộc mạc giản dị của người phụ nữ nông thôn đi bên con bò với ý

nghĩ của riêng cô. Thế nhưng đằng sau câu chuyện là cả tầm nhìn tương lai cuộc sống, không chỉ của riêng người phụ nữ ấy mà nó đã là những ước mơ khát vọng của mọi người.

Nhà văn Thiết Ngưng từng sống và trải nghiệm với đời sống ở nông thôn nên khi viết, bà thường pha trộn cảm giác cuộc sống của chính mình với những phụ nữ nông thôn thành một thứ cảm giác, cảm nhận phổ biến trong tâm hồn họ. Những kinh nghiệm cá nhân của nhà văn trong lao động gian khổ, tác động lớn đến nhận thức chủ quan của chính bà. Vì vậy trong các tiểu thuyết Thiết Ngưng, hình ảnh thực sự của cuộc sống nông thôn thường bao gồm nhịp điệu riêng của cuộc sống tác giả. Nhịp điệu ấy: Xô bồ – lo lắng, hy vọng – mưu cầu, niềm vui – nỗi buồn … đã trở thành quy luật tất yếu của con người, trong mối quan hệ với hiện thực cuộc sống. Đó là thế giới tinh thần và cuộc sống thực của những người phụ nữ nông thôn trong quá trình tham gia vào sự chuyển mình của nông thôn Trung Quốc .

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 37 - 43)