Thức cá nhân của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 51 - 55)

Trong xã hội phong kiến.

Người Trung Quốc coi thường địa vị của nữ giới vốn do tính tự nhiên. Từ xưa họ đã không dành cho phụ nữ những nguồn lợi thích đáng nào, bởi quan niệm đầu tiên về âm dương do Kinh Dịch nêu ra. Tuy vậy, ở thời đại Tây Chu, địa vị của người phụ nữ chưa bị hạ thấp xuống đến hàng tôi mọi như thời đại Khổng Tử (Thời đại của thuyết Nho giáo). “Khi Khổng giáo ra đời, thì ý thức bắt phụ nữ phải ở địa

vị phục tùng bắt đầu xuất hiện, sự cách biệt giữa trai gái được đặt ra và người ta cho đó là “lễ giáo” [12; 214]

Dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, con người bị ràng buộc bởi những giáo điều, những định kiến hà khắc. Muốn được thừa nhận, con người phải thấm nhuần tư tưởng Nho Gia. Nghĩa là phải hội tụ đủ các yếu tố “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín” ở đấng trượng phu và “Tam Tòng, Tứ Đức” ở nữ giới. Để chứng tỏ quyền lực tối cao và để phục vụ cho quyền lợi hưởng thụ của mình, giai cấp thống trị đã áp đặt con người không chỉ về thể xác mà cả về tinh thần. Con người bị tỏa chiết đời sống tình cảm trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ nam nữ, quan hệ yêu đương. Hôn nhân là do cha mẹ định đoạt, xã hội thừa nhận. Học thuyết Khổng Tử hết sức chủ trương lập tôn ti xã hội, bắt mọi người phải phục tùng, thừa nhận quyền lực gia đình và chính quyền quốc gia, chủ trương nam giới gánh vác việc ngoài xã hội, nữ giới gánh vác việc trong gia đình. Học thuyết này lại khuyên răn phụ nữ phải ôn hòa, mềm mỏng, nhẹ nhàng, phục tùng, nhã nhặn, thanh khiết, cần kiệm cho đến việc bếp núc vá may phải khéo léo, lại có bổn phận phải tôn kính cha mẹ chồng, nhường nhịn anh chị em bên chồng, biết lễ phép đối với bạn bè của chồng và tất cả những gì theo sự nhận xét của nam giới cho là tốt. Như vậy, ngay từ ngày xưa, người phụ nữ đã không có một chút ý thức cá nhân nào, hay nói đúng hơn những quy định của xã hội đã không cho họ có cơ hội được sống bằng chính nhận thức, ý

thức của bản thân họ. Người phụ nữ bị gạt ra khỏi cuộc sống của xã hội, họ bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình với những chuỗi ngày sống phụ thuộc và phục tùng nam giới .

Vào những thời kỳ chế độ phong kiến thịnh trị, vấn đề con người cá nhân và mối quan hệ tình cảm tương đối còn dễ thở. Nhưng sang thời kỳ chế độ phong kiến suy tàn thì chính sách chuyên chế lại càng nghiệt ngã hơn trước. Con người cá nhân hoàn toàn bị bác bỏ, quan hệ tình cảm con người tuyệt đối bị cấm nhắc đến trên mọi lĩnh vực, kể cả văn chương.

Song hành với sự tiến triển của học thuyết Khổng giáo, đời sống thực tế cũng không ngừng tiếp tục, căn cứ vào tập tục của xã hội và áp lực của kinh tế mà áp lực lên người phụ nữ, bởi quyền định đoạt kinh tế vẫn ở trong tay người đàn ông. Trong khoảng thời gian thuộc đời nhà Ngụy, đời nhà Tấn, các dòng họ có uy thế lớn mọc lên, của cải của thiên hạ dồn vào những dòng họ ấy, lại thêm vấn đề chính trị đổ nát đã khiến phụ nữ phải đua nhau bán mình làm tỳ, thiếp. Thời đại này có những nhà hào phú hay những nhà quan lại thường nuôi từ vài chục đến vài trăm ca kỹ nữ ở luôn trong nhà để giúp vui. Nếp sinh hoạt phóng đãng, dâm dật… đã biến nữ giới thành thứ đồ chơi của nam giới, địa vị của họ trở nên thấp kém và rẻ mạt, thảm hại. Hơn nữa, sống trong xã hội “trọng nam khinh nữ” nên nỗi thống khổ của người phụ nữ gần như một niềm đau lớn không thể bày tỏ hết được .

Trong xã hội hiện đại.

Chính vì thấy được bộ mặt thật của chế độ phong kiến, đồng thời thấy được bản chất muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống, con người đã ý thức được mình và ý thức được cuộc sống cho mình, họ vùng dậy chống lại sự áp chế vô nhân đạo của chế độ phong kiến, họ đòi được sống trong tình cảm và những mối quan hệ tự nhiên đúng bản năng con người. Tiếng nói của họ trở thành tiếng nói chung của những người bị áp bức trong xã hội. Tiếng nói ấy trở thành trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học, phê phán chế độ phong kiến tàn bạo, khẳng định cuộc sống đích thực của con người cá nhân.

Vấn đề phụ nữ bị trói buộc thực sự được thay đổi rõ ràng từ năm 1911, sau cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ chế độ quân chủ rồi thành lập dân quốc, thừa nhận nam nữ bình đẳng; Rồi đến cuộc vận động cho văn hóa mới bắt đầu từ 1916 – 1917 do bác sĩ Hồ Thích và Trần Độc Tú cầm đầu. Phong trào này nguyền rủa chế độ bắt gái góa phải thủ tiết, phê phán quan niệm “trọng nam khinh nữ” do đạo Khổng gây ra, họ chỉ trích đó là thứ đạo “ăn thịt người”. Cuộc vận động ngũ tứ (cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh ngày 4/5/1919 phát khởi do việc các nước liên hiệp đã bí mật bán đứng Trung Quốc tại hội nghị Versailles, đây là lần đầu nam nữ thanh niên bước vào hoạt động trong lãnh vực chính trị). Phong trào ngũ tứ đã thức tỉnh “vai trò cá nhân” của người Trung Quốc, thúc đẩy dân chủ và khoa học, đặt ra các vấn đề cấp thiết phải cải tạo xã hội, giải phóng phụ nữ.

Cuộc vận động ngũ tứ năm 1919 đã tác động mạnh đến xã hội Trung Quốc, nhất là các đô thị tiếp xúc với Phương Tây như Thượng Hải, Hồng Kông. Thành tựu lớn của phong trào này chính là khẳng định quyền tự do cá nhân và bình đẳng giới, điều này góp phần không nhỏ cho sự xuất hiện rầm rộ các nhà văn nữ như Trần Hành Triết, Băng Tâm, Phùng Nguyên Quân, Lư Ẩn, Lâm Vy Nhân, Đinh Linh… Họ góp phần tạo nên trào lưu văn học nữ gọi là “văn học nữ tính”, nội dung các tác phẩm mà các nhà văn nữ này thể hiện đều đề cập mạnh mẽ đến ý thức giải phóng cá tính, giải phóng con người cá nhân. Điều này góp phần làm nên con người cá nhân mới trong người phụ nữ hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở các cây bút nữ đấu tranh cho bản thân người phụ nữ mà ngay cả những nhà văn là nam giới cùng tham gia rất nhiệt tình và đã đem đến những hiệu quả đáng kể trong việc giải phóng người phụ nữ Trung Quốc, đó là các nhà văn: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Thẩm Tòng Văn,… Trong đó nhà văn Lỗ Tấn là người có sự dày công nghiên cứu và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ Trung Quốc mạnh mẽ nhất tại Trung Quốc lúc bấy giờ. Ông từng khiêm tốn cho rằng mình “chưa từng nghiên cứu về vấn đề phụ

nữ” [“Về chuyện giải phóng phụ nữ” - Nam Xoang Bắc Điệu] nhưng thật ra ông đã

Trung Quốc hiện đại. Ông đánh giá việc hạ thấp vai trò của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc: “Người đàn bà làm mẹ ở Trung Quốc vẫn bị hết thảy những người

đàn ông, ngoài con đẻ mình ra, khinh rẻ” [“Về chuyện giải phóng phụ nữ” - Nam Xoang Bắc Điệu], hay đả kích tục bó chân, ông mỉa mai “ Dân tộc Trung Hoa chúng ta tuy thường tự cho là dân tộc thích “trung dung” và thực hành “trung dung”. Kỳ thực chúng ta không khỏi là những người quá khích” (…) nhất là chân phụ nữ, đó là một chứng cứ rất vững, không nhỏ thì thôi, nhỏ thì chỉ cần có ba tấc, không đi được, cứ uốn uốn, éo éo” [“Từ bàn chân người phụ nữ” - Nam Xoang Bắc Điệu].

Lỗ Tấn không ngần ngại, hào hứng xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới của Trung Quốc tương lai độc lập, tự tin, không lệ thuộc vào người khác, có quyền làm chủ vận mệnh của mình “… không ngừng đấu tranh để giải phóng tư tưởng, giải phóng kinh tế, giải phóng xã hội cũng là tự giải phóng mình. Nhưng tất nhiên cũng cần phải đấu tranh để tháo những xiềng xích trói buộc người phụ nữ…” [“Về chuyện giải phóng phụ nữ” - Nam Xoang Bắc Điệu]. Ông còn tỉnh táo chỉ ra sự thay đổi cải lương, người phụ nữ ra ngoài xã hội mà không có quyền làm chủ về kinh tế thì cũng vô dụng, vì họ biết làm gì để sống “cho nên bất kỳ người phụ nữ nào, nếu

không có quyền kinh tế ngang người đàn ông thì tôi cho rằng tất cả mọi tên gọi đẹp đẽ đều suông cả” [“Về chuyện giải phóng phụ nữ” - Nam Xoang Bắc Điệu].

Chính từ những suy nghĩ trên đã trở thành một phương châm hành động trong việc tích cực đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Trung Quốc của nhà văn Lỗ Tấn. Ông đã biến những phương châm ấy thành những nguồn cảm hứng trong các sáng tác của mình về hình tượng những người phụ nữ. Ta có thể bắt gặp một thím Tường Lâm trong Cầu Phúc với vấn đề về tiết liệt và vấn đề nhịn nhục, cam chịu, ù lì; Vấn đề giải phóng hôn nhân, bình đẳng nam nữ thể hiện qua nhân vật Ái trong Ly Hôn; Vấn đề giải phóng cá tính, hôn nhân phải đi đôi với giải phóng về kinh tế trong hình tượng Tử Quân – Tiếc Thương Những Ngày Đã Mất.

Sở dĩ chúng tôi nhắc đến nhà văn Lỗ Tấn với vấn đề người phụ nữ vì những vấn đề ông đề cập đến trong các tác phẩm của mình khi bàn về người phụ nữ đã có

một tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ nhà văn Trung Quốc viết về người phụ nữ sau này, trong đó có nhà văn Thiết Ngưng. Nhà văn Thiết Ngưng coi Lỗ Tấn như một bậc tiền bối vĩ đại, người đã mạnh dạn phá tan bức tường tù ngục của xã hội phong kiến góp phần giải phóng phụ nữ Trung Quốc, không chỉ về thân xác mà quan trọng hơn đó là cái nhìn thay đổi về thế giới tinh thần. Và như một hệ quả tất yếu của sự phát triển, các thế hệ nhà văn Trung Quốc sau này đã kế thừa và phát huy tư tưởng của nhà văn Lỗ Tấn cùng với sự vận động chung của xã hội, của đất nước về những cách tân đổi mới quan niệm về người phụ nữ, giúp người phụ nữ không chỉ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong gia đình, trong xã hội mà còn góp phần tích cực vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước Trung Hoa ngày càng lớn mạnh hơn.

Tiếp nối tư tưởng của nhà văn Lỗ Tấn, tiếp nối tư tưởng của thời đại cùng với nhu cầu bức thiết của hiện thực cuộc sống mà tác giả Thiết Ngưng chứng kiến và trải nghiệm, các tác phẩm của bà thực sự đã đem đến một khám phá mới mẻ về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Trung Quốc hiện đại .

Một phần của tài liệu hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết của thiết ngưng (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)