CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN
3.2.2. Giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước
Giọng điệu mỉa mai, châm biếm, hài hước trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn gắn liền với cảm hứng phê phán những đối tượng chứa đựng cái xấu xa, tàn ác, lố bịch, kệch cỡm. Đối tượng đó trước hết là các thế lực đè đầu, cưỡi cổ nhân dân như cụ Úy, cụ lớn Thất (Li hôn), cụ cố Tiền, cố Triệu (AQ chính truyện), cụ Bảy Triệu (Sóng gió), những người trí thức mất gốc…trong các truyện của Lỗ Tấn. Hay là những tên cường hào lý Nhưng gian tham, dốt nát và lố bịch (Rửa hờn); tên Bá Kiến gian xảo, quỷ quyệt (Chí Phèo); bọn hào mục làng Vũ Đại mù quáng (Đôi móng giò)…trong các truyện của Nam Cao. Đó là những tên quan lại, địa chủ cường hào ác bá, là những tên đại diện cho các thế lực cũ đã lỗi thời, cản trở bước tiến hóa của xã hội. Bên trong chúng chất chứa những bản chất xấu xa, tham lam, tàn ác, đạo đức giả…nhưng bề ngoài lại luôn tìm cách che đậy, lấp liếm cái xấu để cố tỏ ra là mình mới mẻ, là tiến bộ và đẹp đẽ. Nhưng dù mọi gian xảo, quỷ quyệt che đậy đến mức nào thì bản chất xấu xa của họ cũng bị bộc lộ trước con mắt quan sát tinh tường của Nam Cao và Lỗ Tấn. Hai nhà văn đã vạch trần bộ mặt thật của họ bằng những lời lẽ mỉa mai, châm biếm dù có chút hài hước nhưng hết sức chua cay: “Bên nhà cụ cố cũng không thấy nói gì đến việc cúng bái trừ tà gì cả, bấy nhiêu hương đèn đều cất đi để khi nào cụ Cố bà lên chùa lễ Phật sẽ dùng” [15; 138]. Giọng cười châm biếm đã bật lên, thì ra cụ Cố bà mà lại dùng thứ hương đèn bóc lột được của AQ để mang lên chùa lễ Phật cầu phúc. Thật là ti tiện và bẩn thỉu! Trong chương III - Lược thuật thêm về những chuyện đắc thắng của AQ, Lỗ Tấn còn nói một cách mỉa mai, giễu nhại đối với cụ Cố nhà họ Triệu: “Thì chả lẽ cụ Cố nhà họ Triệu lại có thể có lỗi được hay sao?” [15; 126]. Lời nói thản nhiên đó một mặt đã cực tả được uy thế tinh thần, chính trị tuyệt đối của giai cấp địa chủ và sự mê muội của người nông dân Trung Hoa do họ chưa tỉnh ngộ, vẫn còn ảo tưởng, chưa nhận ra được kẻ bóc lột mình; mặt khác, nó còn thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm của nhà văn đối với tầng lớp thống trị. Trong truyện Đôi móng giò, giọng điệu mỉa mai, châm biếm của Nam Cao vang lên trong đoạn kể về việc các “ông lớn” không ai chịu ai, ai cũng muốn có được
cái móng giò: “Các cụ đang hạch hai bàn làm sao lại thiếu hai cái móng giò? Móng giò có bốn. Lợn nào mà chẳng vậy? Bốn cái móng giò phần bốn ông to nhất. Lệ làng từ cổ đến giờ vốn thế. Tuy trong số bốn ông to nhất chẳng ông nào còn khỏe răng để có thể gặm nổi cái móng giò, nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. Một miếng giữa làng…Đừng có tưởng…Bây giờ còn có hai cái, thì ông nào ăn, ông nào đừng?...Các cụ quát hai bàn như vậy. Và hai bàn xanh mặt. Họ cãi nhau chí chóe. Anh nọ rằng anh kia để mất. Anh nào, mặc! Cứ biết hai bàn sơ ý là hai bàn phải bắt mua cau rượu tạ!...Ông Cửu Đoành không nói gì. Ông chỉ cười, bởi ông đã đi nhiều, từng trải nhiều nên thấy nhiều cái to tát hơn cái móng giò nhiều lắm. Hai cái móng giò không đáng kể. Ra quái gì mà ngậu lên” [13; 93]. Đọc đoạn văn, người đọc bật cười vì sự mù quáng, tham lam đến buồn cười của bọn hào mục trong làng. Nhưng tiếng cười châm biếm lại được bộc lộ rõ ràng hơn khi ở cuối truyện, người đọc vỡ òa khi biết hai cái móng giò bị mất là vì sao:
“Ông rút một tay áo ra, quẳng một cái móng giò cho anh kép. Ông rút nốt tay kia ra, quẳng một cái móng giò nữa cho cô đào.” [13; 94]. Hóa ra, hai cái móng giò quí giá mà các ông lớn trong làng không ai chịu mất cuối cùng lại chỉ xứng đáng được quẳng cho anh kép và cô đào hát. Và người tỏ ra không quan tâm đến chuyện hai cái móng giò lại chính là người giấu đi hai cái móng giò ấy. Tiếng cười châm biếm được bật lên một cách giòn giã.
Cả Nam Cao và Lỗ Tấn đều rất quan tâm đến cuộc sống của người nông dân. Trong
Gào thét và Bàng hoàng (Lỗ Tấn) có đến hơn nửa số truyện đề cập đến vấn đề người nông dân. Ông nâng niu, trân trọng những nhân tố tích cực, có khả năng làm cách mạng, nhưng vấn đề làm ông nhức lòng chính là cuộc sống không lối thoát, là sự mê muội của người nông dân và quần chúng lao động ở nông thôn. Từ đó, Lỗ Tấn không ngần ngại
“phanh phui, mổ xẻ mọi thói hư tật xấu của quảng đại quần chúng nhân dân đang mê muội và bị lợi dụng” [84; 21]. Lỗ Tấn thương cho những thân phận như AQ, Tường Lâm, Nhuận Thổ, vợ chồng lão Hoa Thuyên, chị Tư Thiền… đồng thời nhà văn cũng không ngừng phê phán căn bệnh mê muội, sự tự lừa dối bản thân và cả những tập tục cũ buộc chân người lao động. Đó là một Nhuận Thổ đã “ngủ mê” trong thói sống cũ, sau nhiều năm bị lính tráng, thuế má kìm kẹp, anh trở thành chai cứng, vô hồn: “Những nếp răn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng” [15; 110]. Còn Tường Lâm thì lại “ngủ mê” trong nỗi khiếp sợ trước giáo lí
và thần quyền phong kiến. Sợi dây thòng lọng của lễ giáo phong kiến đã biến chị thành một người gỗ, chị đã chết rụi giữa tiếng pháo cầu phúc của những người dân Lỗ Trấn. Bất hạnh của cuộc đời chị hoàn toàn trái ngược với cái tên của tác phẩm: Lễ cầu phúc - cầu mong sự tốt lành và hạnh phúc cho con người.
Nam Cao cũng vậy, nhà văn vẫn có sự quan tâm đặc biệt đến những người nông dân, nhưng bên cạnh cái khổ do những nhân tố khách quan mang lại cho người nông dân, Nam Cao còn nhận ra ở họ sự tăm tối của trí tuệ. Và ông đã không ngần ngại mỉa mai sự u mê của họ. Giống như Lỗ Tấn, Nam Cao dù rất yêu thương con người, đặc biệt là những người nông dân nghèo khổ, nhưng ông cũng không thể không lên tiếng phê phán, mỉa mai sự tăm tối của họ. Trong truyện Mua danh, Nam Cao đã mỉa mai sự tăm tối của nhân vật Bịch. Là một nông dân vốn nghèo khổ, chỉ vì sợ bị bắt đi phu mà Bịch cố gắng xoay xở tiền bạc để mua được một chức danh Hương trưởng. Nhưng Bịch đâu biết rằng chức danh đó chỉ là hư ảo, còn tiền của Bịch thì lại trở thành lợi nhuận cho những kẻ cầm quyền: “Thấy ông cựu bảo phải chồng quỹ ba chục bạc thì hắn cũng tưởng ba chục bạc…Xong món tiền sung quỹ rồi, ông đưa thêm năm chục đồng để các cụ chia nhau. Trong số bảy chục tiền làm rượu, ông dắt mối được xơi hai chục. Các cụ đã giao ước với nhau như vậy. Thế là ông cựu được tất cả là bốn chục. Bịch đâu biết đến những cái chỗ ngoắt ngoéo ấy. Hắn thấy công việc xong xuôi thì mừng rỡ lắm…”[13; 200]. Và cuối cùng công việc Hương trưởng của Bịch chỉ là “cầm cái roi đứng trước cửa nhà thâu dẹp trẻ” [13; 201] nhưng cái chức danh mua được do bị lừa gạt ấy cũng không được người khác thừa nhận một cách đàng hoàng: “Hương cái con khỉ! Chưa làm rượu đã vác mặt ra đình! Bộ thằng tớ có chào nó là ông Hương” [13; 201].
Không chỉ có những người nông dân, ngay cả những người thuộc tầng lớp mình, Lỗ Tấn và Nam Cao cũng không ngần ngại châm biếm, mỉa mai, giễu cợt những thói hư tật xấu, những tồn tại trong con người họ. Tiếng cười của Lỗ Tấn nhằm vào những kẻ bất đắc chí như Khổng Ất Kỷ (Khổng Ất Kỷ) và Trần Sĩ Thành (Luồng ánh sáng). Họ là những người bị nhiễm nặng tư tưởng phong kiến, say mê cử nghiệp, cuối cùng biến thành kẻ ăn bám xã hội. Đối với Lỗ Tấn, những người trí thức cũ và mới là những người mang nặng trong mình căn bệnh “liệt căn tính” cần phải được xóa bỏ, vì khi nào họ chưa ý thức được nguyên nhân căn bệnh của mình thì họ còn bị giam cầm u mê, không bao giờ ngoi lên được và nó sẽ kìm hãm bước tiến về tương lai của cả dân tộc. Vì thế, tiếng
cười châm biếm ở đây không kém phần quyết liệt. Lỗ Tấn muốn tống khứ những tư tưởng phản động, lỗi thời tồn tại trong con người họ. Nhưng mặt khác, ông hiểu họ cũng chỉ là nạn nhân của xã hội, ở họ vẫn le lói ánh sáng của một tâm hồn lương thiện. Do vậy, cái cười ra nước mắt của ông không chỉ để châm biếm, mỉa mai những thói hư tật xấu của họ mà còn là sự thông cảm, xót thương họ. Đằng sau tiếng cười châm biếm thói gàn dở của Khổng Ất Kỷ, bệnh “thắng lợi tinh thần” của AQ, sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh của Quyên Sinh, Lã Vi Phủ…là sự cảm thông chân thành, sâu sắc của nhà văn. Do đó, về mặt khách quan, nó không làm ta căm ghét đối tượng bị châm biếm mà chỉ căm thù xã hội bất công là nguyên nhân tạo ra những con người như thế. Lỗ Tấn đã cất công để tâm nghiên cứu căn bệnh “quốc dân tính” khá lâu. Nhà văn viết AQ chính truyện
nhằm phơi bày những nhược điểm, vạch rõ căn bệnh tinh thần cho mọi người tìm cách chạy chữa. Cảm hứng phê phán “phép thắng lợi tinh thần” của AQ luôn được tác giả gắn với giọng điệu mỉa mai chua cay. Bị cụ cố Triệu đánh cho một trận nhừ tử, nhưng khi ra khỏi cửa nhà cụ là AQ lại thấy như không có việc gì xảy ra, lại nghĩ “cứ cho là con đánh bố” [6; 125]. Đánh bạc thua to, y tự xách tai mình tát lấy tát để vào má; y cố tưởng tượng mình là kẻ được đánh và kẻ bị đánh là một người khác…Chủ nghĩa AQ là một thứ chủ nghĩa thất bại, có khả năng làm tê liệt ý chí quần chúng, là đối tượng mà Lỗ Tấn mỉa mai, đả kích mạnh mẽ. Một chút mỉa mai, hài hước trong câu chuyện, ban đầu có thể mang đến tiếng cười cho độc giả nhưng đằng sau nó lại không khỏi thấy xót thương rồi căm giận, “một thứ căm giận xuất phát từ lòng đồng tình” [53; 136]. Phần đầu màn Đại đoàn viên trong AQ chính truyện, người kể chuyện thản nhiên thuật lại mọi sự kiện từ lúc AQ bị toán lính vây bắt trong đêm khuya đến khi bị giải về huyện, bị đẩy vào nhà giam. Ngay sau đó, người kể chuyện lại đưa ra một nhận xét hết sức mỉa mai: “AQ bụng hồi hộp nhưng không lấy làm khổ sở. Số là gian phòng này so với cái buồng ngủ của y ở đền Thổ Cốc kể còn cao ráo sáng sủa hơn nhiều” [15; 165]. Viết về Bi kịch tình yêu của AQ trong chương VI, Lỗ Tấn dùng giọng mỉa mai: “nhiều người thường ước ao gặp được đối thủ của mình khỏe như cọp, dữ như cắt, có thể thắng trận mới thỏa thích…lại còn có những người lúc thắng rồi, mắt mình thấy kẻ thù của mình hồi trước; bây giờ đứa chết cũng đã chết rồi… thì trên đời không còn ai là địch thủ nữa…tự khắc họ thấy lạnh lùng, cô đơn, hiu quạnh…Nhưng AQ của chúng ta chưa hề cảm thấy cái trạng thái hiu quạnh nói trên. AQ bao giờ cũng là người hớn hở, tự đắc. Phải chăng đó là cái biểu
hiện đủ chứng tỏ rằng: văn minh tinh thần Trung Hoa nhà ta quả là bậc nhất trên toàn cầu? thì các người xem: AQ lòng đang phơi phới kia kìa…” [15; 131]. Đến hồi kết thúc câu chuyện, sự châm biếm, mỉa mai của người kể chuyện như tăng lên bội phần, dường như Lỗ Tấn đã quá thất vọng về sự mê muội, tàn nhẫn của quần chúng: “AQ không phải là người lương thiện…bắn người trông không vui mắt bằng chém. Mà cái tên tử tù kia trông buồn cười thế nào ấy…thành ra đi theo nó bao nhiêu đường đất chỉ mất công toi”
[15; 171, 172]. Quả thực, “Lỗ Tấn có cái bản lĩnh của người thầy thuốc lão luyện: thương xót bệnh nhân nhưng khi đã lách mũi dao vào thân thể bệnh nhân thì yêu cầu số một là khoét đi ung nhọt mà không phương hại da thịt” [84; 50]. Bởi vậy, ngòi bút châm biếm của nhà văn là xuất phát từ tấm lòng thiết tha yêu nhân dân, thiết tha mong muốn đổi mới để làm cách mạng, để cứu con người và đất nước.
Trong Con người cô độc, khi nói đến tình cảnh của Ngụy Liên Thù đã thay đổi, Lỗ Tấn đã mỉa mai khi nhắc lại ba lần cụm từ: “Từ khi gặp vận hội”gợi lên sự châm biếm, đồng thời pha lẫn xót xa trước sự đổi khác của một con người lí tưởng nay đã không còn như trước nữa. Như Khổng Ất Kỷ (Khổng Ất Kỷ - Lỗ Tấn) – một loại đồ nho cổ hủ, thiếu nhạy bén trước sự thay đổi của cuộc đời, ngôn ngữ của y chỉ toàn một mớ rối rắm những từ cổ: “chi, hồ, giả, dã”, “quân tử cố cùng” rất nực cười trong xã hội hiện đại của Trung Quốc. Cao Cán Đình trong Cao Phu Tử lại là một loại người khác trong xã hội mà Lỗ Tấn nhằm vào để châm biếm, mỉa mai. Y tự đặt cho mình một cái tên hết sức bóng bẩy là Cao Nhĩ Sở (dựa vào phiên âm tiếng Hán tên của đại văn hào Nga – M.Gorki là Cao Nhĩ Cơ) để phô danh, tự cho mình là giỏi, là tài năng. Nhưng trong hành động và nội tâm được miêu tả thì y chỉ là một tên dốt nát, đạo đức giả. Để che đậy sự dốt nát của mình, y đã trả lời Hoàng Tam một cách đạo mạo: “Tôi không định đi dạy nữa. Trường Nữ học quả thật không biết sẽ làm cho phong hóa suy đồi đến nước nào nữa. Chúng ta là những người đứng đắn. Chúng ta không thể trà trộn vào với họ được” [15; 305]. Nhưng chính những băn khoăn, lo lắng của y khi soạn bài, sự xấu hổ trong giờ dạy khi sự dốt nát bộc lộ đã xé toạc cái mặt nạ của y. Tiếng cười châm biếm sâu cay vì thế bật lên thật mạnh mẽ. Nhân vật Tứ Minh trong Miếngxà phòngcũng luôn tuôn ra những lời đạo lí khi mở miệng. Ra đường chứng kiến cuộc đối thoại của hai anh thanh niên về cô gái ăn xin (“Cậu cứ mua cho nó hai miếng xà phòng rồi tắm rửa kỳ cọ cho nó thật sạch sẽ, thế là mê đấy nhé”) [15; 272], Tứ Minh không ý thức được đó là những tiềm
thức thúc đầy khiến ông ta sẵn sàng mua ngay miếng xà phòng cho vợ và nhắc lại cho vợ nghe một cách dửng dưng những điều đã nghe. Đằng sau ngôn ngữ hào nhoáng của Tứ Minh là bản chất xấu xa, đồi bại, y là kẻ luôn đề cao nền phong hóa lại hết sức bực tức khi đứa con trai gắp mất “cái cọng rau non mà ông đã chú ý từ nãy” [15; 267].
Cũng như Lỗ Tấn, Nam Cao không chỉ mỉa mai, châm biếm, lên án những nhân vật phản diện, mà ngay cả những con người thuộc tầng lớp mình – những người trí thức dù có chữ nghĩa nhưng sống bủn xỉn, ứng xử với nhau nhỏ nhen, ti tiện, ông cũng không thể không cười chê, không thể không mỉa mai, châm biếm. Trong truyện Nhỏ nhen, Nam Cao đã mỉa mai, châm biếm, cười cợt những con người tự cho mình là: “những kẻ không quan tâm đến cái đời vật chất. Họ khinh cái số đông loài người” [13; 130]. Thế nhưng ở từng lời nói, trong cuộc đối thoại thì chính họ lại thể hiện sự nhỏ nhen, bủn xỉn của mình. Một Du ích kỉ, tầm thường, cảm thấy vui vì: “đã một vài lần được người ta trả nhầm cho vài hào” [13; 131] hay chỉ vì một cắc mà toan tính để ăn cắp hai quyển sách chỉ vì nghĩ rằng người ta đã lừa mình; một Giang hẹp hòi từ bỏ người yêu vì nhận ra cái bề trong nhỏ nhen của nàng: “chỉ có những kẻ có thể ăn cắp được, thì mới dám mở