Ngôn ngữ độc thoạ

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 88 - 94)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN

3.1.2.2.Ngôn ngữ độc thoạ

Trong các truyện ngắn của mình, bên cạnh ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật, Nam Cao và Lỗ Tấn còn chú ý đến lối độc thoại của từng nhân vật. Nếu như ngôn ngữ đối thoại phát huy thế mạnh của nó là bộc lộ tính cách một cách sinh động qua mối quan hệ của nhân vật với thế giới bên ngoài, thì ngôn ngữ độc thoại lại có sức mạnh đặc biệt khi thể hiện bộ mặt tinh thần, tâm trạng phức tạp của nhân vật và từ đó làm lay động sâu xa tình cảm của người đọc vì đã chạm đến chỗ sâu nhất ở mỗi con người.

Xét về mặt hình thức, ngôn ngữ độc thoại trong sáng tác của Nam Cao và Lỗ Tấn vừa có nét truyền thống, vừa có những dấu hiệu đổi mới. Có những lời độc thoại có lời giới

thiệu của người kể chuyện như: “Y chợt nhớ…”, “Y nghĩ thầm…”, “Y tự nhủ…”, “Hắn nghĩ rằng…”, “Tôi nghĩ bụng”…. Chẳng hạn, trong truyện Nhật kí người điên (Lỗ Tấn), hình thức trần thuật của truyện thực chất là hàng loạt những dòng độc thoại của nhân vật người điên. Lời độc thoại của nhân vật ở đây thường kèm theo lời giới thiệu của người kể chuyện – nhân vật người điên: Mình nghĩ không rõ mình với ông Triệu, cả với

những người gặp trên đường, có thù oán gì. Chỉ hai mươi năm trước đây, mình có giẫm lên cuốn sổ ghi nợ mấy mươi đời của cụ Cố Cữu.” [15; 40]; Theo mình nghĩ, tuy mình

không phải là một người ác, nhưng từ ngày mình giẫm lên cuốn sổ ghi nợ của cụ Cố Cữu thì không còn có thể nói chắc được” [15; 42]. Trong truyện Khổng Ất Kỷ, có những đoạn người kể chuyện – nhân vật xưng tôi độc thoại kèm theo lời giới thiệu: “Tôi

nghĩ bụng: người dáng như ăn mày thế kia mà lại dám khảo mình ư?”, “Tôi nghĩ bụng:

giữa ông chủ quán với tôi còn cách bậc nhiều lắm, mà ông chủ quán của tôi có bao giờ ghi chữ đậu hồi hương vào sổ đâu” [15; 57]. Hay như trong truyện Thuốc, người kể chuyện đã giới thiệu lời độc thoại của nhân vật như sau: “Bà kia bước lại gần mộ con,

nhìn kỹ một lượt, rồi nói một mình: “Hoa không có gốc, không phải dưới đất mọc lên!

Ai đã đến đây? Trẻ con không thể đến chơi. Bà con họ hàng nhất định không ai đến rồi!...Thế này là thế nào?”. Nghĩ rồi lại nghĩ, bỗng nước mắt trào ra, bà ta khóc to” [15; 70, 71].

Hình thức ngôn ngữ độc thoại như thế cũng được Nam Cao sử dụng nhiều trong các truyện ngắn của mình. Chẳng hạn, trong truyện Chí Phèo, người kể chuyện đã giới thiệu về những dòng độc thoại của nhân vật như: “Là vì lúc còn đêm, thị trằn trọc một lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương

bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Giả thử đêm qua không có thị thì hắn chết…” [13; 44]; Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn

cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon. Nhưng tại sao lại mãi đến tận bây giờ hắn

mới nếm vị mùi cháo? Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: vì có ai nấu cháo cho ăn đâu? Mà

còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà”

[13; 45]. Hay như trong truyện Chú Khì - người đánh tổ tôm vô hình, người kể chuyện xưng tôi cũng tự giới thiệu về những đoạn độc thoại, những suy nghĩ nội tâm của mình như sau: Tôi nghĩ bụng: cái ông này khéo lẩn thẩn! Chắc say bứ ra mất rồi…”

bụng: “Thật thế hay không? Hay đó chỉ là một ngón “bịp” khéo của ông Chánh hội?””

[13; 75].

Ngoài ra, còn hình thức độc thoại mà nhân vật không xưng “tôi” để nói về mình một cách chủ quan mà giống như một dòng trần thuật khách quan nào đó. Đây chính là lời gián tiếp tự do mà phần trên đã đề cập. Nhưng điều độc đáo làm cho người đọc ngạc nhiên chính là tính độc thoại hóa cao độ của nó. Bởi vậy, có thể xem ngôn ngữ nửa trực tiếp gắn với những độc thoại nội tâm chính là ngôn ngữ độc thoại trong sáng tác của Nam Cao.

Trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn, ngôn ngữ độc thoại nhằm giãi bày tâm trạng của các nhân vật. Nhân vật đang tự đối diện với chính mình, với những tình cảm đang diễn ra trong lòng mình. Ví dụ, trong truyện Từ ngày mẹ chết(Nam Cao), nhân vật Ninh đắm chìm trong nỗi nhớ mẹ qua những dòng độc thoại: “Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu chết đã lâu lắm (…) Biết bao giờ mẹ lại về với con?”[13; 222]. Hay như trong truyện Ngày mai(Lỗ Tấn), chị Tư Thiền chìm ngập trong nỗi nhớ đứa con bị chết trong dòng hồi tưởng: “Nhớ lại hồi nào, chị ngồi kéo sợi, thằng Báu ngồi cạnh ăn đậu hồi hương; nó giương cặp mắt bé tí, đen láy nhìn chị một lúc lâu rồi nói…” [15; 78]. Rõ ràng, Nam Cao và Lỗ Tấn đã chạm vào chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Hai nhà văn am hiểu tường tận và dường như đang cùng trải qua mọi cung bậc tình cảm của nhân vật, đang đau cùng nỗi đau của nhân vật.

Ngoài ra, trong các truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn, ngôn ngữ độc thoại của nhân vật còn nhằm tự phân tích, mổ xẻ chính mình, tự chiêm nghiệm, tự ý thức về mình, về cuộc sống. Lỗ Tấn chú trọng đến sự tự ý thức của con người trước những vấn đề bức xúc của thời đại. Trong truyện ngắn Mẩu chuyện nhỏ, nhân vật người kể chuyện ban đầu là một người tỏ ra khá vô tâm trước sự việc người đàn bà bị vướng vào xe của anh ta:

“Tôi nghĩ bụng: “Chính mắt tôi trông thấy bà ngã dần dần xuống kia mà, làm sao lại có thể đau được! Chỉ được cái làm bộ thôi. Thật đáng ghét. Còn anh, cũng đa sự, tự chuốc lấy phiền não vào thân, bây giờ mặc kệ anh, anh xoay sở lấy”” [15; 81]. Thế nhưng, ngay sau đó, nhân vật người kể chuyện lại cảm thấy xấu hổ và phải tự nhìn nhận lại bản thân mình trước hành động cao đẹp của anh xe: “Lúc bấy giờ, tôi vụt có một cảm giác rất lạ: cái bóng anh xe, người đầy cát bụi kia, nhìn từ phía sau, bỗng to dần ra. Anh

càng bước tới, cái bóng càng to thêm, phải ngước lên mới nhìn thấy được, và dần dần cơ hồ biến thành một sức nặng đè lên người tôi đến nỗi làm cho cái “thằng tôi nhỏ nhen”, che giấu dưới lần áo da, như muốn lòi ra ngoài” [15; 81]. Và cuối cùng là người kể chuyện tự nhận thức về chính mình: “Tôi vừa đi vừa nghĩ, nhưng hình như không dám nghĩ đến con người tôi. (…) Tôi mà còn xứng đáng để thưởng cho một người như anh xe kia ư?...” [15; 82]. Tất cả những lời độc thoại của nhân vật người kể chuyện cho thấy tâm trạng, thái độ của anh ta đi từ chỗ xấu hổ, kính trọng anh xe đến chỗ nhận ra sự hèn kém trong con người mình. Đó chính là diễn biến của một quá trình đang tự nhìn lại chính mình, đang tự mổ xẻ và nhận thức về mình.

Với Nam Cao, khi xây dựng nhân vật, ông không tiến hành theo nguyên tắc phân cực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Động lực đấu tranh trong nhân vật không phải do những cực đối lập (ta – địch; cũ – mới) mà chủ yếu do những mâu thuẫn nội tại bên trong. Đó là dạng nhân vật tự ý thức. Xây dựng nhân vật tự ý thức, Nam Cao thường tập trung vào việc khắc họa đời sống nội tâm của nhân vật. Ngòi bút của ông lách vào từng ngõ ngách của tâm hồn con người, phát hiện ra những bi kịch đang ẩn chứa bên trong cõi lòng con người. Tính cách nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao không chỉ được nhìn nhận qua ngoại hình, từ hành động bên ngoài mà còn được soi rọi từ bên trong nội tâm sâu thẳm của con người thông qua ngôn ngữ độc thoại. Hầu như các nhân vật trí thức của Nam Cao đều xuất hiện với bi kịch tinh thần đau đớn, không lối thoát. Họ là những nhà văn, nhà giáo có cùng một mâu thuẫn nội tâm giữa một bên là ước mơ cao cả, chính đáng, giàu lòng nhân ái và một bên là thực tại của một cuộc sống nghèo khổ đến nghiệt ngã. Trong truyện Giăng sáng, nhân vật Điền lúc nào cũng miên man trong dòng suy nghĩ về cuộc đời, về “mộng văn chương” và về cả cơm áo, gạo tiền…Mỗi lần ngồi dưới ánh trăng là một lần Điền đang tự đối diện với nội tâm sâu thẳm của lòng mình, độc thoại với chính mình, trách móc mình và cuối cùng là tự an ủi mình: “Điền thấy mình ích kỉ. Sự nghiệp mà làm gì nữa? Bổn phận Điền phải nghĩ đến gia đình. Điền phải tạm quên cái mộng văn chương để kiếm tiền…Cái gia đình lớn của Điền đã chẳng được nhờ Điền, bây giờ lại thêm một gia đình con con nữa. Không một phút nào Điền không phải nghĩ đến tiền, óc Điền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Điền lại thở dài. Điền tự an ủi: Có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Điền biết: chẳng bao giờ Điền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Điền cũng không có tiền…” [13; 164]. Trong

đoạn độc thoại trên, Nam Cao mượn lời người kể chuyện để tái hiện cùng một lúc hai con người trong nhân vật Điền: một Điền văn sĩ khao khát thỏa mộng văn chương và một Điền của cuộc sống thực với trách nhiệm của một người chồng, một người cha, một người trụ cột trong gia đình. Có lúc Điền muốn trốn tránh thực tại nên thả hồn vào ánh trăng, vào những giấc mộng ngọt ngào với “những người đàn bà đẹp”. Nhưng Điền không say sưa quên đi thực tại quá lâu, Điền tỉnh mộng và trở lại là Điền của hiện thực cuộc sống đói nghèo. Điền nhìn lại chính mình, nhìn lại gia đình mình và cuối cùng sự tự ý thức của nhân vật vỡ òa ở đoạn độc thoại sau cùng: “Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn trốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần tính tình tươi đẹp của người ta… Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…” [13; 167, 168].

Có cùng cảnh ngộ như Điền, Hộ trong Đời thừa (Nam Cao) cũng mơ ước có được thành công trong sự nghiệp văn chương nhưng mơ ước ấy lại bị đè bẹp bởi nỗi lo cơm áo. Hộ mơ ước viết được một tác phẩm vĩ đại, nhưng vì kiếm tiển nên Hộ toàn viết những tác phẩm nhạt nhẽo, vô nghĩa. Thế là Hộ đau khổ, Hộ đay nghiến, dằn vặt chính mình: “Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.” [13; 388]. Ở đây, Nam Cao gọi nhân vật là hắn nên người đọc dễ nhầm tưởng đây là lời của người kể chuyện. Nhưng thực chất đây lại chính là đoạn độc thoại rất đặc sắc của nhân vật Hộ trong truyện Đời thừa. Hộ đã không ngần ngại phơi bày nội tâm của chính mình với tư cách là một người trí thức, một nhà văn thực thụ. Hộ tự phân tích, đánh giá, mổ xẻ tâm sự, khát vọng và cả những nỗi thất vọng của mình khi viết ra những tác phẩm vô giá trị. Ngoài ra, bế tắc hơn cả Điền, Hộ còn mắc phải bi kịch về tình thương. Hộ còn muốn

“nâng đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” [13; 389]. Hộ mở rộng vòng tay và tấm lòng để cứu lấy đời Từ và Hộ cũng có thể hi sinh sự nghiệp văn chương để lo cơm áo cho cái gia đình mà Hộ xây dựng từ tình thương. Nhưng gánh nặng cuộc sống, sự thất vọng của bản

thân về văn nghiệp nên có đôi lúc Hộ lại giẫm lên nguyên tắc tình thương của mình: Hộ trách mắng, dày vò vợ con. Nhưng cuối cùng Hộ cũng nhận ra và tự nói với mình trong đau xót: “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khao khát làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà cũng đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư?Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hi sinh như người ta vẫn nói ư? Đã một vài lần hắn thấy ý nghĩ trên thoáng qua đầu. Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ…”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: “Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hi sinh tình yêu, thứ tình yêu rất vị kỉ đi, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương, có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái” [13; 388]. Đoạn độc thoại này bộc lộ tất cả những suy nghĩ, những trăn trở sâu kín nhất của một người trí thức trong Hộ.

Có thể thấy điểm chung của các nhân vật trí thức trong truyện ngắn của Nam Cao đều là những nhân vật được đặt trong quá trình tha hóa và luôn tự ý thức để vượt lên sự tha hóa đó. Cho nên, việc Nam Cao sử dụng độc thoại trong ngôn ngữ nhân vật đã mang lại những hiệu quả to lớn trong các sáng tác của mình. Người đọc như miên man theo dòng suy nghĩ bất tận của nhân vật. Nhiều khi, người đọc còn có thể nhầm lẫn đó là suy nghĩ của người kể chuyện, nhưng đến cuối cùng, khi các độc thoại kết thúc để trả lời cho tấn bi kịch tự ý thức thì người đọc mới vỡ ra đó là những suy nghĩ của nhân vật. Lời và suy nghĩ của người kể chuyện nếu có cũng đã hòa vào lời và suy nghĩ của nhân vật. Thành công của Nam Cao trong nghệ thuật tự sự ở phương diện xây dựng ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật chính là ở điều này.

Bên cạnh điểm tương đồng trong dụng ý nghệ thuật của Nam Cao và Lỗ Tấn khi sử dụng hình thức ngôn ngữ độc thoại của nhân vật thì hình thức ngôn ngữ này trong các truyện ngắn của hai nhà văn cũng có điểm dị biệt khá lớn. Trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao, lời độc thoại dường như lại chứa một sự đối thoại ngầm ẩn. Ngôn ngữ trong độc thoại của Hộ là ngôn ngữ “hai giọng” (M.Bakhtin). Ở giọng thứ nhất, Hộ tủi cho thân phận mình chẳng làm được gì, Hộ tự hỏi mình có thể sống ác, sống tàn nhẫn với vợ con được hay không? Nhưng ở giọng thứ hai, chính Hộ lại phản bác lại giọng thứ nhất của mình. Hộ ý thức được rằng: “Hắn là một con người”. Hai suy nghĩ, hai giọng điệu

trong một con người Hộ đã làm cho đoạn độc thoại trở nên kịch tính, hấp dẫn. Nó cho thấy ngòi bút sắc sảo của Nam Cao đã chạm sâu đến những phần sâu thẳm, bí ẩn nhất trong tâm hồn con người. Trong khi đó, hình thức ngôn ngữ độc thoại của nhân vật trong các truyện ngắn của Lỗ Tấn chỉ đơn thuần là sự tự nhìn lại chính mình, là sự chiêm nghiệm, tự ý thức lại bản thân mình. Hầu như những ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật trong truyện ngắn Lỗ Tấn không hề diễn ra một sự đấu tranh dai dẳng, giằng co; một sự đối thoại quyết liệt của hai suy nghĩ trong một con người để cuối cùng có được một sự tự ý thức đúng đắn như trong các truyện của Nam Cao. Điều này cho thấy cách viết

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 88 - 94)