Con người xã hội trước những biến động lớn lao của đất nước

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 25 - 28)

Lịch sử thời đại, hoàn cảnh xã hội sẽ in dấu ấn rõ nét lên những đặc điểm của con người xã hội. Với tiền đề cơ sở xã hội kèm theo hoàn cảnh xuất thân của cá nhân mỗi người có những điểm tương đồng sâu sắc, con người xã hội của Nam Cao và Lỗ Tấn cũng có sự “gặp gỡ” nhau một cách kì lạ.

Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri, 1917 – 1951) sinh trưởng ở làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Làng Đại Hoàng – nơi ông sinh ra vốn là một làng quê nghèo khó, và là hình ảnh thu nhỏ của xã hội lúc bấy giờ. Nơi ấy, Nam Cao đã chứng kiến biết bao cảnh hoành hành của bọn cường hào, địa chủ dẫn đến cảnh không ít người nông dân phải bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Những cảnh áp bức, bất công, những mảnh đời đầy đau xót, tủi cực của nông dân làng Đại Hoàng đã đi vào những trang viết của Nam Cao với dấu ấn nặng nề về một vùng quê nghèo đói, tăm tối. Nam Cao xuất thân trong một gia đình trung nông nghèo, đời sống khá chật vật. Dù vậy, ông vẫn có cái may mắn hơn những người nông dân nghèo khác. Trong tất cả các anh chị em trong gia đình, chỉ có Nam Cao được đi học. Ở nơi xa quê, dù phải sống vất vả nhưng con người trí thức trong Nam Cao vẫn sống rất mãnh liệt. Nam Cao ngày đêm miệt mài học tập với nhiều ước mơ và dự định lớn lao. Ông mơ có một ngày được sang Pháp để được nhìn rộng, biết nhiều, học cao hơn. Nhà văn đã không ngừng học hỏi và tiếp thu những thành tựu văn hóa tiến bộ của phương Tây và Nga trước khi trở thành một nhà văn hiện thực xuất sắc. Thế nhưng, từ nhỏ, cuộc sống đói nghèo và bệnh tật đã đeo bám lấy nhà văn. Một thời gian dài xa quê, Nam Cao không những không đạt được ước muốn được đi xa, học nhiều mà ngược lại, ông còn phải làm nhiều nghề nặng nhọc, mà như nhà văn nói: “kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm” (Sống mòn) để mưu sinh như: phu phen, thợ thuyền…với ước mơ được thoát cảnh đói nghèo, tìm được một tương lai mới cho mình. Nhưng cuối cùng, số phận lại đưa đẩy Nam Cao trở về với làng quê nghèo đói. Nam Cao dường như phải sống trọn vẹn cuộc đời là một người trí thức với sự thiếu thốn, nghèo khổ và bệnh tật như hầu hết những người lao động khác.

Lỗ Tấn (1881 – 1936, tên là Chu Thụ Nhân) được sinh ra trong một gia đình quan lại sa sút ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Từ trẻ, Lỗ Tấn đã được thụ hưởng bầu

không khí của một gia đình có truyền thống hiếu học. Bên cạnh đó, cả cha và mẹ của Lỗ Tấn là những người có tư tưởng rất mới, rất tiến bộ lúc bấy giờ nên ảnh hưởng phần lớn đến tư tưởng tiến bộ của Lỗ Tấn sau này. Ông đã mạnh dạn vứt bỏ những điều cũ kĩ, lạc hậu của nền giáo dục phong kiến Trung Quốc để đến với những thành tựu văn minh, văn hóa tiến bộ của phương Tây và Nga. Được đi du học, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa phương Tây kết hợp với tư tưởng tiến bộ sẵn có, Lỗ Tấn thực sự đã trở thành một người trí thức có tư tưởng rất tiến bộ lúc bấy giờ. Tư tưởng tiến bộ, dứt khoát gạt bỏ những cái lỗi thời, lạc hậu để đến với những chân trời mới đã được Lỗ Tấn thể hiện rất rõ trong hoạt động sáng tác văn chương. Dù vậy, trong cuộc đời mình, Lỗ Tấn cũng không hoàn toàn gặp may mắn. Ông nội ông bị nạn nơi quan trường, cha ông ngày càng bệnh nặng, gia đình ông ngày càng sa sút, Lỗ Tấn có điều kiện đi lại, gần gũi với con em nhân dân lao động. Có một thời gian dài, Lỗ Tấn phải đi lại những hiệu cầm đồ, hiệu thuốc và hứng chịu những thái độ khinh miệt, rẻ rúng của người đời. Nhưng chính thời kì đầy gian khổ ấy đã giúp Lỗ Tấn hiểu thấu được bản chất của người đời, nhất là những thói hư tật xấu của những tầng lớp trên trong xã hội. Thời gian này cũng để lại trong tâm trí ông những hiểu biết sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp, giúp ông có thể viết nên những trang sách đầy cảm động về người nông dân, về nông thôn Trung Quốc.

Nhìn chung, nguồn gốc xuất thân của Nam Cao và Lỗ Tấn không hoàn toàn tương đồng nhau. Lỗ Tấn xuất thân từ một gia đình quan lại tuy có phần sa sút nhưng vẫn là một gia đình trí thức thực thụ. Ông lại được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục thuận lợi: có cả nền giáo dục truyền thống từ nhỏ và nền giáo dục hiện đại của phương Tây trong thời gian ông trưởng thành và được đi du học. Ông được thừa hưởng những tư tưởng tiến bộ của cha mẹ và được sự ủng hộ của gia đình khi đến với những tư tưởng phương Tây tiên tiến. Còn Nam Cao, ông vốn xuất thân từ gia đình lao động nghèo khó. Nam Cao không có được một cái nôi gia đình trí thức và một môi trường giáo dục thuận lợi như Lỗ Tấn. Ngay cả ước mơ được đi Pháp của Nam Cao cũng không thể thành hiện thực. Nhưng với sự nỗ lực của mình, Nam Cao cũng tiếp thu được những thành tựu văn hóa phương Tây tiến bộ trên nền tảng tư tưởng nhân văn Việt Nam để trở thành một người trí thức thực thụ.

Tuy nhiên, dù không có nguồn gốc xuất thân tương đồng nhau, nhưng giữa Nam Cao và Lỗ Tấn lại có sự “gặp gỡ” nhau ở phương diện cái nhìn và độ thấu hiểu đời sống của

người trí thức và người lao động. Nam Cao có một thời gian dài sống cuộc sống của một thầy giáo trường tư nghèo khổ, một nhà văn, một gia sư có đời sống chật vật nên hiểu biết sâu sắc về thân phận của người trí thức tiểu tư sản nghèo trong một xã hội ngột ngạt, bế tắc. Lỗ Tấn cũng vậy, là một người trí thức sinh ra trong một gia đình đang sa sút, chính Lỗ Tấn phải thấu hiểu những khó khăn của một người trí thức nghèo hơn ai hết. Bên cạnh đó, là những người sống gắn bó và gần gũi với làng quê, với những người nông dân chân chất, thật thà nhưng cũng có phần u mê nơi mình sinh ra và lớn lên, Nam Cao và Lỗ Tấn còn am hiểu và thấm thía cuộc sống nhiều mặt của nông thôn, số phận cực nhọc của những người nông dân nghèo khổ trong hoàn cảnh đất nước đang chịu nhiều đau thương dưới gót giày của bọn xâm lược và bọn phong kiến tay sai.

Cả Nam Cao và Lỗ Tấn đều sống trong thời đại đầy rối ren, biến động của bão táp chiến tranh. Hai nhà văn không chỉ là một người trí thức – lao động bình thường cam chịu áp bức, bất công, chịu nhẫn nhịn trước cảnh đồng bào bị đàn áp, bị giày xéo mà còn là những con người có lí tưởng, có hoài bão trước cuộc đời đang chìm trong đen tối, trước vận mệnh của dân tộc. Nam Cao và Lỗ Tấn lại có sự “gặp gỡ” nhau ở tinh thần cách mạng, ở lòng yêu nước nồng cháy, sẵn sàng hi sinh bản thân vì sự nghiệp lớn lao của đất nước. Cả hai con người ấy đều là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, đấu tranh không mệt mỏi, không chùn bước trước kẻ thù cho đến những hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

Nam Cao từng gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật cùng với nhiều văn sĩ khác như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng…Khi cơ sở Văn hóa cứu quốc và phong trào cách mạng ở Hà Nội bị khủng bố mạnh, Nam Cao trở về quê và tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương. Thời kì Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở xã Lí Nhân và được bầu làm Chủ tịch xã. Sau đó, ông được điều lên Hà Nội và công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc. Đến khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nam Cao lại nhiệt tình đứng vào hàng ngũ của đoàn quân Nam tiến chiến đấu. Năm 1947, ông lên Việt Bắc – trung tâm đầu não chỉ huy kháng chiến của ta, làm công tác văn hóa để phục vụ cho cuộc kháng chiến: viết tin, viết truyền đơn, viết ca dao tuyên truyền…Năm 1951, Nam Cao hi sinh trên đường đi công tác vào vùng địch khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trước sự xâm lược của đế quốc và sự bạc nhược của triều đình Mãn Thanh, Lỗ Tấn từ giã gia đình và quê hương, đem theo hoài bão của mình đi tìm một chân trời mới để phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân. Ông không ngừng đấu tranh với kẻ thù, trước tiên là ở phương diện tư tưởng văn hóa. Thời gian đầu, Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng của quan điểm tiến hóa, ông kêu gọi phản kháng, căm ghét truyền thống trì trệ, ca ngợi sự đổi mới, chủ trương cải cách…Khi sang Nhật du học, Lỗ Tấn tham gia Hội Quang Phục, với quyết tâm hi sinh để cứu nước. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của người trí thức yêu nước Lỗ Tấn. Ông đã tham gia chỉ đạo thực tế phong trào yêu nước của thanh niên. Khoảng 1920 – 1925, ông đã lãnh đạo sinh viên các trường Đại học ở Bắc Kinh lập các nhóm văn học xuất bản báo và tạp chí cổ động cách mạng. Khi chính phủ quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy bắn giết học sinh biểu tình chống chính sách đầu hàng bán nước, ông đã phản đối mạnh mẽ và biện hộ cho những học sinh yêu nước ấy. Khi bị buộc phải rời Bắc Kinh đến Hạ Môn, Lỗ Tấn đã tìm cách đến Quảng Châu – căn cứ địa cách mạng lúc bấy giờ của Trung Quốc để liên hệ với tổ chức Đảng Cộng sản và tham gia các tổ chức cách mạng do đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch khủng bố Đảng Cộng sản, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị giết hại, Lỗ Tấn đứng ra bảo trợ cho họ nhưng thất bại nên từ chức và rời Quảng Châu đến Thượng Hải. Tại đây, ông tập trung tổ chức và lãnh đạo phong trào văn học vô sản. Đồng thời, ông còn trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị do đảng Cộng sản lãnh đạo như: tham gia Hội Hỗ trợ cách mạng, Hội Đồng minh tự do, Hội Bảo vệ dân quyền…cho đến lúc từ trần.

Như vậy, cả hai nhà văn có sự gặp nhau ở tinh thần sẵn sàng hi sinh vì tương lai của đất nước, của dân tộc, và hơn hết, họ không ngừng đấu tranh và luôn nhiệt tình đấu tranh trên mọi mặt trận: chính trị, quân sự và văn hóa, văn nghệ. Họ là những người cách mạng thực sự.

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 25 - 28)